Ảnh minh họa: Ibtimes.co.in. |
Đây là trường hợp mà các nhà tâm lý của Phòng khám về rối nhiễu tâm trí Tu Na (phố Vọng, Hà Nội) nhớ mãi, điển hình cho các trường hợp bố mẹ nhầm tưởng con bị tự kỷ với các hội chứng tâm lý khác.
Bé Châu - con gái chị Thủy (Tây Hồ, Hà Nội) có gương mặt đẹp như thiên thần. Gia đình em giàu có, bố mẹ đều là trí thức nên rất yêu thương và chiều chuộng con. Nhưng đến 4 tuổi cô bé chưa nói được lời nào, không chơi với các bạn cùng lứa. Cháu hay nổi cáu và thường lao vào tường hay ném bay các thứ có xung quanh mỗi khi tức giận.
Bố mẹ em tìm hiểu các thông tin trên internet và chắc chắn bé bị tự kỷ. Đưa con đi khám vài nơi trước đó, các bác sĩ cũng kết luận như vậy khiến họ càng thất vọng. Thế nhưng, sau khi trị liệu hơn chục ngày, các nhà tâm lý khẳng định, Châu chỉ bị rối loạn cảm xúc, có thể do em bị ức chế điều gì đó hoặc do được quá bao bọc.
Tuy nhiên, việc trị liệu cho em khá khó khăn. Không chỉ điều trị tâm lý, các nhà tâm lý còn phải kiên trì tập cho em những hành vi đơn giản nhất như ăn uống, đi vệ sinh. Đến 4 tuổi, Châu vẫn chỉ ăn những đồ nhuyễn, nếu có chút lợn cợn là bé ói ngay. Thức ăn của bé chỉ có sữa, nước lọc, nước quả. Bé cũng không thể ngồi bô hay vào toa lét mà phải lên giường nằm, đóng bỉm rồi mới đi tiểu hay đại tiện được. Cùng với sự hợp tác và quyết tâm của gia đình, hơn một năm sau, bé mới khỏi bệnh. Khi Châu bật ra tiếng nói, cả bố mẹ, ông bà em cười trong dòng nước mắt hạnh phúc.
Theo nhà tâm lý Đặng Thị Thanh Tùng, có rất nhiều trường hợp trẻ bị các bệnh về tâm lý khác như rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi, chậm nói, tăng động giảm chú ý... bị nhầm là tự kỷ hay ngược lại.
Chị cho biết, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ sẽ không thích chơi với bạn do thiếu tự tin và cũng vì thế các cháu thường thể hiện mình bằng các hành vi phá bĩnh hoặc hoạt động chân tay liên tục, và điều này dễ bị nhầm là biểu hiện của trẻ tự kỷ hay tăng động giảm chú ý. Hay có những bé vì những chấn thương tinh thần nào đó nên bị rối loạn cảm xúc cũng không nói, sống khép kín và hay sợ hãi, ít giao tiếp bằng mắt, cũng được cho là trẻ tự kỷ.
"Các bệnh này có rất nhiều biểu hiện giống nhau như trẻ chậm nói, sống thu mình, thích các hoạt động xoay tròn, có các hành vi phá phách, biểu hiện sợ hãi hoặc không biết sợ gì... vì thế không chỉ các bậc phụ huynh mà chính các nhà chuyên môn cũng khó chẩn đoán chính xác bệnh nếu không có thời gian quan sát lâm sàng và tiếp xúc với trẻ", chị Tùng chia sẻ.
Các chuyên gia của phòng khám Tuna cho biết, thường khi các cháu đưa đến sẽ được nhóm bác sĩ, nhà tâm lý đưa ra chẩn đoán ban đầu, tuy nhiên phải sau 10-15 buổi trị liệu họ mới có thể kết luận chính xác trẻ bị bệnh gì để có hướng điều trị cụ thể.
"Riêng với các bệnh tâm lý thì từ chẩn đoán chính xác đến chữa bệnh đều không thể nôn nóng được. Vì thế, cả nhà tâm lý và người thân của trẻ phải thật sự kiên nhẫn và quyết tâm mới mong giúp các em được", tiến sĩ Lã Thị Bưởi, trưởng phòng khám bộc bạch.
Bà cũng cho biết, việc xác định không chính xác hội chứng tâm lý của trẻ tuy không ảnh hưởng ngay lập tức đến sức khỏe, tính mạng các cháu như những bệnh thể chất khác, nhưng lại tác động rất lớn đến tinh thần các bậc phụ huynh cũng như hiệu quả việc trị liệu. Nhiều ông bố, bà mẹ khi nghe kết luận con bị tự kỷ đã chán nản, đau đớn, mất hết cả quyết tâm chữa bệnh cho con, trong khi con họ chỉ mắc các hội chứng khác, nhẹ hơn và có thể chữa khỏi.
Chị Trâm (Gia Lâm, Hà Nội) có cậu con trai chị 2 tuổi vẫn chưa biết nói, cũng chẳng biết chỉ đồ, suốt ngày chỉ nghịch ngợm đến kiệt sức mới thôi. Đưa con đi khám ở một bệnh viện nhi, chị nghe bác sĩ kết luận bé bị tăng động giảm chú ý. Sau đó, chị lại cho con khám ở vài nơi khác thì cháu bé lại được chẩn đoán là tự kỷ. Các bác sĩ còn cho biết, bệnh này hiện nay chưa có cách chữa đặc trị và có thể bé sẽ phải chung sống với nó suốt đời.
Suốt một tuần, chị Trâm không thể ngủ được. Chị buồn bã, thất vọng vô cùng và chẳng còn quyết tâm chữa bệnh cho con. Ngay cả khi đến phòng khám Tuna, ban đầu các bác sĩ cũng xác định cháu bị tự kỷ nhẹ. Nhưng sau một tuần trị liệu, họ phát hiện, thực chất, bé chỉ bị rối loạn ngôn ngữ, chậm nói vì xem TV quá nhiều và ít được bố mẹ trò chuyện.
Chị Trâm vui mừng khôn tả khi vài tuần sau con trai đã nói được những từ đầu tiên và tiến bộ rất nhanh.
Nhiều trường hợp trẻ chỉ chậm nói hay tăng động giảm chú ý hoặc rối loạn cảm xúc bị nhầm là tự kỷ khiến gia đình suy sụp. Ngược lại, không ít vị phụ huynh con bị tự kỷ thực sự nhưng lại cho là cháu chỉ bị rối loạn cảm xúc và nhất định không chấp nhận thực tế để chuẩn bị tinh thần cùng con đương đầu với căn bệnh khó chữa này.
Khi nghe bác sĩ kết luận con mình bị tự kỷ, vợ chồng anh Huy (Nghệ An) nhất định không chấp nhận và còn khẳng định như đinh đóng cột: "Chúng cháu đã tham khảo nhiều tài liệu rồi và biết con cháu chỉ bị tăng động thôi, không phải tự kỷ đâu. Con cháu không thể nào bị tự kỷ được". Mãi cho đến khi bác sĩ chỉ ra các biểu hiện rõ rệt của trẻ tự kỷ ở cháu như chỉ chơi một mình, không giao tiếp mắt, đã biết nói rồi nhưng lại không nói được nữa, không sợ gì, không biết phân biệt ngôi thứ, có những ý thích kỳ lạ như đi đâu cũng ôm chăn, gối của mình, thờ ơ với mọi thứ xung quanh... thì anh chị mới chấp nhận.
Tuy nhiên, khi đó chị vợ khóc ngất còn người chồng cũng lặng đi. Phải mất một thời gian dài, họ mới đưa con trở lại phòng khám để trị liệu và quyết tâm bỏ bớt công việc để dành thời gian giúp vượt qua bệnh tật.
"Cần phải trả lại đúng tên bệnh cho trẻ để gia đình xác định rõ tình trạng của con, chuẩn bị tâm lý cho chính mình để giúp đỡ trẻ được tốt hơn", tiến sĩ Bưởi chia sẻ.
Bà cho biết, tốt nhất, khi thấy con có những dấu hiệu bất thường về ngôn ngữ, hành vi, không phát triển đúng theo độ tuổi... các bậc phụ huynh nên đưa cháu đến với các nhà chuyên môn để được sàng lọc và can thiệp sớm.
Vương Linh
*Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi