"Bơi tự cứu" - theo tiến sĩ Tuấn - là một phương pháp giúp mọi người, kể cả người chưa biết bơi có thể sống sót hoặc kéo dài thời gian sống (trong khi chờ người cứu) nếu chẳng may gặp tai sông nước. Tuy nhiên, nhiều độc giả cho rằng khi đã hoảng loạn vì rơi xuống nước, làm sao có thể bình tĩnh để thực hiện các bước "bơi tự cứu"? Hay người 'bơi tự cứu' được thì đã là người bơi giỏi! Dưới nước không tập được thì trên cạn tập thế nào?...
Về những băn khoăn này, tiến sĩ Tuấn giải đáp như sau:
1. Người không biết bơi rơi xuống nước đã mất bình tĩnh, làm sao nhớ được 4 bước của kỹ thuật “Bơi tự cứu”?
Nếu không được chuẩn bị trước cả về kiến thức, tâm trí lẫn kỹ năng thoát hiểm, không ai có thể giữ được bình tĩnh khi rơi vào tình huống này. Quan trọng nhất là phải chuẩn bị các phương án ứng phó với tai nạn.
Để giữ bình tĩnh thực hiện “Bơi tự cứu”, ngay bây giờ, khi còn ở trên cạn, phải học để “Biết mình”, tức là tìm hiểu xem tạo hóa đã ban cho ta cái gì để phòng chống chết đuối. Nếu ngồi chờ tới lúc tai nạn xảy ra mới nghĩ, thì sẽ không nghĩ gì được nữa.
Tạo hóa cho ta “Trí khôn” để giúp ta không làm những điều không nên làm. Nguyên tắc vàng trong phòng chống chết đuối là “Bình tĩnh thì nổi - Hoảng loạn thì chìm”. Người không biết bơi càng vùng vẫy ngoi lên thì càng nhanh chìm xuống, bởi vùng vẫy làm phải thở nhiều hơn, mà như vậy càng nhanh sặc, nhanh chìm. Nếu bình tĩnh nín thở, thả lỏng cơ bắp, nước sẽ đẩy ta nổi lên sát mặt nước, tới gần sự sống hơn (ôxy) do tác dụng của lực đẩy Archimedes (khối lượng riêng trung bình của cơ thể và khối lượng riêng của nước xấp xỉ nhau).
Tạo hóa cũng cho ta hai lá phổi chứa 3-6 lít không khí để làm phao cứu sinh giúp nổi thêm. Trong nước người nhẹ đi, nên có thể sử dụng chân tay làm mái chèo quạt nước đẩy đầu lên thở, bơi đi.
Sau “Biết mình” là cần “Biết nước”. Nước vừa là bạn lại có thể là thù; có thể làm điểm tựa hay vật cản trong hoạt động bơi lội; nước có thể nâng ta lên hoặc dìm ta xuống tùy thuộc vào cách ta tác động vào nó. Lực cản của nước rất lớn, nên càng vùng vẫy, càng nhanh mất sức. Chỉ khi “Biết nước” hiểu rõ về nước, người ta mới biết cách giữ bình tĩnh để hành xử khôn ngoan khi bị rơi xuống nước.
Ngoài “Biết mình”, “Biết nước”, còn cần “Biết bản chất hoạt động bơi lội” để quạt tay, đạp chân hiệu quả; để thả nổi dễ dàng, để bơi được xa, được lâu mà không tốn sức. Bơi chỉ là múa trong nước, nếu không biết bản chất hoạt động bơi lội, không nắm được nhịp điệu, cường độ (cương - nhu), nếu không tập múa trên cạn cho “nhuyễn”, xuống nước làm sao múa được?
Không nắm được bản chất các động tác bơi lội là một trong nhiều nguyên nhân khiến bao người học bơi từ khóa này sang khóa khác, từ năm này sang năm khác mà không bơi được.
Trong tai nạn chết đuối, nước là kẻ địch, là “Thần chết”. Không biết mình, không biết địch, không biết sử dụng vũ khí (cơ thể) thì ra trận phần thua đã cầm chắc. Tiếc rằng, tập dượt, đề phòng, ứng phó với sự cố, rủi ro là một nội dung quan trọng của “Quản lý rủi ro”, rất phổ biến ở nước ngoài, nhưng lại chưa được biết tới nhiều ở Việt Nam.
Thường xuyên thực hành các phương pháp bơi tự cứu trên cạn, mọi người có thể thoát chết đuối khi chẳng may rơi xuống nước. Hình minh họa: Vũ Minh Chinh, E-Bơi. |
2. Tự tập luyện trước kỹ thuật “Bơi tự cứu” thế nào?
Trước hết là chữa bệnh sợ nước và học cách thở với nguyên tắc: Trên mặt nước há to miệng thở vào, còn dưới mặt nước, thở ra từ từ bằng mũi hoặc bằng miệng. Có thể tập chay - không có nước, hoặc có thể úp mặt vào chậu nước để tập. Lưu ý là trẻ nhỏ dưới 15 tuổi chỉ được tập thở với chậu nước khi có người lớn trông coi, giám sát.
Tiếp đó, học cách nín thở dưới nước, cũng với một chậu nước nhỏ. Có thể tập thở khi tắm sen, khi dội nước lên đầu; có thể cảm nhận sự mất trọng lượng trong nước nhờ nằm vào bồn tắm đầy nước; có thể cảm nhận lực cản của nước khi lội trong con phố ngập từ đó tìm cách di chuyển trong nước nhẹ nhàng hơn, ít mất sức hơn; có thể tìm ra cách quạt nước hiệu quả giúp nhô đầu lên thở khi rơi xuống nước bằng cách nhúng và chuyển động bàn tay trong chậu nước với hướng, tốc độ chuyển động, tiết diện bàn tay khác nhau; có thể kéo và thả dây chun, lò xo... để biết thế nào là cương, là nhu... Có muôn vàn cách để làm chủ kỹ thuật “Bơi tự cứu” ngay trên cạn nếu muốn.
Luyện tập cách hít thở và thả nổi rất quan trọng trong phương pháp bơi tự cứu. Hình minh họa: Vũ Minh Chinh, E-Bơi. |
3. "Bơi tự cứu" phải chăng chính là cách "đứng nước"?
“Đứng nước” là thuật ngữ thông dụng trong môn thể thao bóng nước, trong hoạt động cứu hộ, bơi lội quốc phòng. Người đứng nước, dùng hai chân đạp nước liên hồi để thân người nhô cao, tạo điều kiện cho hai tay tự do hoạt động để bắt, ném bóng, sửa chữa, cứu nạn, mang vũ khí, quân trang quân dụng... “Đứng nước” khá khó, ngay cả với người biết bơi.
Với “Bơi tự cứu” thì chân (tay) chỉ cần đạp hay quạt nước nhẹ nhàng, cốt giữ cho phần đầu, miệng có lúc nào đó nhô khỏi mặt nước để thở là được. “Bơi tự cứu” vì thế không tốn sức và gần với thả nổi nhiều hơn.
4. Tại sao lại nên học bơi tự cứu trên cạn chứ không phải dưới nước?
Đầu óc con người khó có thể tập trung làm tốt nhiều việc cùng lúc, vì vậy với bao động tác cần thực hiện cùng lúc để không bị chìm, bị sặc đã làm cho việc học bơi dưới nước trở nên quá khó đối với nhiều người. Tập trung vào thở thì quên mất tay nên quạt thế nào; tập trung được vào tay thì lại quên chân, quên thở... Càng lớn tuổi, khả năng bắt chước, làm theo động tác mẫu càng kém. Trẻ nhỏ, trí óc non nớt, học theo bản năng, xuống nước vài buổi là biết bơi, trong khi người lớn tuổi học cả tháng, cả năm vẫn không bơi được. Đó là do, người lớn, với trí óc phát triển, học với tư duy logic dễ hơn học bắt chước, làm theo máy móc. Chả thế, trẻ nhỏ học nói tiếng Anh dễ, người già học ngữ pháp dễ, viết tốt hơn, nhưng nói kém hơn.
Học bơi trên cạn có thể chia các động tác, kỹ năng bơi lội thành các mảnh nhỏ, rất nhỏ để tập tuần tự đến “nhuyễn” rồi lắp ghép chúng từng bước với nhau. Tập thành thạo thở, quạt tay, đập chân, rồi ghép thở với tay, thở với chân, tay với chân... và cuối cùng thành một vũ điệu của Thở - Tay - Chân trên cạn. Việc phát hiện, chỉnh sửa các động tác sai khi tập trên cạn cũng dễ hơn dưới nước rất nhiều. Trên cạn đã làm không đúng, dưới nước sao có thể làm đúng?
5. Để thoát chết đuối, học bơi luôn thì hơn?
Học bơi có nhiều lợi ích, nhưng biết bơi không đủ để phòng chống chết đuối, để không bị chết đuối. Nhiều người bơi giỏi vẫn chết đuối, và trẻ em có thể bị đuối nước ngay trong xô nước, chum vại... ở chỗ nước nông không bơi được. Khi lên đò thuyền chở nặng, không an toàn về kỹ thuật, không mặc áo phao, nếu thuyền bị đắm, lật, khả năng sống sót của người biết bơi và không biết bơi trong khối đông hoảng loạn đó là như nhau.
Để không bị chết đuối thì phòng chống chết đuối, tránh xa nơi nguy hiểm quan trọng hơn học bơi.
Minh Thùy