Cũng bánh chưng bánh tét, cũng mứt dừa mứt bí, lạp xưởng thịt kho, dưa muối kiệu ngâm treo trên đầu giường chuẩn bị đón tết; lại có phong bao lì xì đỏ tươi, cành mai vàng rực rỡ do những nhà hảo tâm ghé thăm trao tặng, nhưng niềm vui chỉ đến với các bệnh nhi mắc ung thư giai đoạn cuối trong chốc lát. Rồi lập tức, mọi thứ lại nhường chỗ cho âm thanh của những cơn đau không báo trước.
"Thịnh ơi, con trai ơi, có khách quen của con đến thăm kìa. Cười lên để chú chụp hình cho", người mẹ khẽ gọi và cố xoay mặt con ra bên ngoài khi thấy khách đến, nhưng cậu bé ghì lại rồi hét lớn: "Con đau lắm, không chụp hình đâu". Vừa nói, bé Thịnh vừa ôm chặt chiếc gối ôm cũ còn lấm tấm vết máu. Tay nắm chặt chiếc phong bao lì xì. Mắt nhắm nghiền.
Những cơn đau luôn trực chờ ngay cả khi các bé hưởng niềm vui ngày Tết. Ảnh: Thiên Chương. |
"Tội nghiệp, nghe người lớn nói sắp đến tết, thằng nhỏ cứ nằng nặc đòi về nhà để được gặp bố và chị. Thương con, tôi đến gặp bác sĩ nhưng các bác bảo, nếu cho về nhà mà thằng bé lên cơn đau hoặc cần dịch truyền, cần máu mà trở tay không kịp là chết. Nghe tin không được về quê, nó giận không nói chuyện với ai từ mấy ngày nay", mẹ bé nói.
Ngoài Thịnh, cả khoa còn có 16 bé khác chia ra nằm tại 3 phòng, tất cả đều trong tình trạng bệnh tái phát hoặc nguy kịch không thể ra về. Nhiều bé đầu đã rụng hết tóc vì hóa trị nhiều lần, nằm yên, tay cắm ống truyền dịch, mấy bé khác đầu chỉ còn vài sợi tóc ngồi thất thần trước khay bánh mứt vừa được khách tặng. Không gian đón xuân không chật hẹp vì ngoài dãy hành lang dài khu Nội Nhi còn có một khoảng sân với xích đu, thú nhún, thế nhưng hình như không bé nào còn đủ sức để vui chơi.
Tại phòng 306, Nguyễn Quang Tín ở Đồng Tháp, bệnh nhi được phong chức "trưởng khoa" vì đã có đến 7 năm liền nằm điều trị ung thư máu, năm rồi vẫn còn tỉnh táo để bày trò vui xuân cùng các em, năm nay đã nằm yên bất động, thi thoảng chỉ nói một vài câu vô nghĩa hoặc chửi thề.
"Đã ba năm liền, hai mẹ con tôi sống trong bệnh viện nhưng cái tết này là buồn nhất bởi Tín đã mệt lắm rồi, thiếu máu liên tục, không biết có qua khỏi cái tết này không. Giờ không cần bánh mứt chi cả, chỉ mong con có đủ máu đủ dịch truyền để có thể qua được mấy ngày xuân", người mẹ thiểu não nhìn con nói.
Tại khoa, cũng như mẹ bé Tín, mẹ bé Thịnh, điều duy nhất mà những người đã phải bám trụ cùng con đến khánh kiệt là cầu mong "đừng bé nào ra đi trong những ngày này".
Không bị cơn đau hành hạ, các bé vẽ tranh tìm vui. Ảnh: Thiên Chương. |
"Khoa điều trị của chúng tôi là như vậy đấy, hễ không nhắc đến thì thôi, chứ mỗi lần ai đó gợi chuyện "ra đi" là cả đám người lớn lại túm tụm mà khóc. Họ rơi nước mắt không phải vì chuyện khổ sở chăm con hay vì túng quẫn tiền bạc, mà vì chứng kiến cảnh con người ta qua đời mà không biết con mình sẽ như thế nào", một bác sĩ nói.
Chiều 30 Tết năm nay là như thế. Nhiều người đã khóc, có lẽ do đây là thời khắc gợi nhiều kỉ niệm về một năm trước khi các bé chưa bị phát hiện bệnh, cũng có khi là cảm xúc dâng lên khi các ông bố bà mẹ nhìn thấy cảnh con mình bệnh tật không còn đủ khỏe để đón tuổi mới, hoặc mắt không đủ sáng để nhìn phong bao lì xì. Thế nên họ đã khóc và có lẽ xúc động nhất là đôi vợ chồng trẻ - bố mẹ của bé Hồ Thụy Phương Thanh, 34 tháng tuổi bị bướu liên bào thần kinh.
Sợ mọi người nhìn thấy cảnh mình rơi lệ, người đàn ông bỏ vợ ngồi lại nức nở một mình trên giường bệnh, rồi lặng lẽ ôm con xuống sân nơi có mấy chiếc xích đu giữa sân bệnh viện. Vừa gạt nước mắt, người đàn ông cao to, áo dính đầy máu, thi thoảng dùng mảnh bông gòn lau giọt máu ứa ra từ mắt con, miệng nói như trong vô thức, đôi mắt thất thần: "Trời ơi tại sao ông không thương con gái tôi".
Thấu hiểu nỗi đau của người cha, nhiều phụ huynh có cùng cảnh ngộ như chợt quên đi mình cũng có cùng nỗi đau, họ vây lấy động viên an ủi. Một số người không kiềm được lòng đã khóc theo. Số khác chợt ôm lấy con, miệng lầm bầm khấn vái.
Thiên Chương