Ảnh minh họa: P.N. |
Đây là kết quả một nghiên cứu do Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) mới thực hiện gần đây.
Phó giáo sư Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện - Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán trước sinh cho biết, theo thống kê của bệnh viện từ đầu năm đến ngày 9/8, có hơn 2.000 thai phụ nhiễm rubella đến hội chẩn. Trong đó, hơn một nửa trường hợp chấp nhận phá thai vì lo sợ nguy cơ con sinh ra bị hội chứng rubella bẩm sinh.
Cũng theo ông, từ trước đến nay, việc tư vấn được các bác sĩ dựa vào 4 yếu tố: nguồn lây, biểu hiện lâm sàng, xét nghiệm sinh hóa miễn dịch và tần suất mắc ở từng tuổi thai đã được công bố trên thế giới.
Tuy nhiên, không phải ở bệnh nhân nào 4 yếu tố này cũng điển hình, có người không biết thời điểm mắc trước hay trong khi mang thai, không rõ sốt hay phát ban.
Thông thường, nếu thai phụ mắc bệnh khi mang bầu dưới 12 tuần, cả hai chỉ số IgG và IgM trong xét nghiệm sinh hóa miễn dịch đều dương tính, có biểu hiện lâm sàng (sốt, phát ban), có nguồn lây thì được chỉ định bỏ thai. Những trường hợp còn lại sẽ được tư vấn kỹ càng, còn quyết định giữ hay bỏ là tùy thuộc lựa chọn của thai phụ.
"Điều đó đã đẩy tỷ lệ phá thai lên cao, bản thân tôi cũng thấy phá thai nhiều quá. Có trường hợp bác sĩ tư vấn chờ thêm nhưng bệnh nhân vẫn xin phá", ông Tuấn cho biết.
Trước thực tế có quá nhiều thai phụ băn khoăn về nguy cơ con nhiễm rubella, việc tư vấn đình chỉ hay giữ thai đã trở thành vấn đề đau đầu đối với các bác sĩ.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận: "Rõ ràng là tư vấn chỉ dựa vào 4 yếu tố như trên vẫn có thể trẻ không bị nhiễm".
Một điều đáng nói là bệnh rubella (sởi Đức) năm nay mới bùng lên dành dịch, số lượng người mắc lớn trong đó có nhiều thai phụ, trong khi các năm trước không nhiều. "Cũng vì thế, trong số bác sĩ, nhiều người không hiểu rõ nên việc tư vấn không nhất quán. Nhiều người chỉ biết đến bệnh trên sách vở chứ chưa gặp trực tiếp", tiến sĩ Tuấn cho biết.
Để giảm tỷ lệ phá thai như thời gian vừa qua, bệnh viện đã đưa vào thử nghiệm phương pháp mới chẩn đoán thai nhi nhiễm virus rubella bằng kỹ thuật PCR real-time (chọc ối lấy mẫu xét nghiệm). Phương pháp này khẳng định đúng đến 95% thai nhi có bị nhiễm rubella hay không. Thời điểm lấy mẫu đáng tin cậy là 5-7 tuần sau khi mẹ có dấu hiệu phát ban. Giá thành của một lần làm xét nghiệm này là 1,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn chọn giải pháp an toàn tuyệt đối là phá thai chứ không chấp nhận nguy cơ 5%.
"Phương pháp mới có tỷ lệ chính xác cao, nhưng chỉ đạt 90-95%. Chính vì thế, nhiều bệnh nhân dù được tư vấn nhưng vẫn chọn bỏ thai. Nhiều người cần một tỷ lệ tuyệt đối để quyết định, điều này trong y học là rất khó", tiến sĩ Tuấn cho biết.
Sau hơn 2 tháng thử nghiệm, bệnh viện mới tiến hành chọc ối được hơn 40 ca. Chưa đến 50% các ca tư vấn đồng ý chọc ối mặc dù mới đầu được làm miễn phí.
"Đã đến lúc chúng ta cần tiêm phòng phổ cập trước hết cho những phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ, sau này là cho tất cả các trẻ gái. Điều này nhiều nước trên thế giới đã làm được. Miễn dịch gần như vĩnh viễn, có thể tái nhiễm nhưng nếu nhiễm thì nguy cơ lây cho con rất ít", tiến sĩ Tuấn nhấn mạnh.
Mới đây, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng đã trình Bộ Y tế xem xét kế hoạch phòng chống dịch rubella tại Việt Nam, trong đó sẽ đưa văcxin rubella vào tiêm chủng cho toàn bộ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-35 tuổi).
Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương thời gian qua cũng có 28 trẻ sinh ra bị hội chứng rubella bẩm sinh, 4 trường hợp tử vong. Trong số này, phần lớn nặng dưới 2,4 kg, suy dinh dưỡng bào thai, cạn ối, thiếu máu... 7 trường hợp bị tim bẩm sinh, thông liên thất, thông liên nhĩ và 6 ca bị đục thủy tinh thể. Những trường hợp này là do mẹ không phát hiện nhiễm rubella khi có thai.
Nam Phương