Ảnh minh họa: Blogs.mirror.co.uk. |
Là con gái của một vị giám đốc công ty có tiếng ở Hà Nội, Hằng được bố mẹ tạo điều kiện tốt nhất cho việc học hành. Từ nhỏ, cô luôn học giỏi và rất ngoan, hiền. Khi đang theo học một trường đại học danh tiếng của Mỹ, một ngày đầu hè, Hằng bỗng có những biểu hiện khác lạ. Cô đột nhiên vui vẻ hẳn lên, suốt ngày hát hò, nhảy nhót và đặc biệt là trở nên vô cùng lẳng lơ, luôn tìm cách lừa các chàng trai mình quen để lên giường với họ. Theo người nhà kể, có ngày cô quan hệ với 5-6 người đàn ông khác nhau.
Chuyện này khiến cả gia đình lo lắng nhưng chỉ vài vài tháng sau cô gái lại trở về bình thường, và rất nhạy cảm khi nghe ai đó nhắc đến hình ảnh chơi bời của mình. Rồi năm sau, đến đầu mùa hè, cô lại biến thành một người khác.
Gia đình đã phải đưa Hằng về Việt Nam để khám, chữa. Các bác sĩ xác định, Hằng bị hưng cảm theo mùa. Sau một thời gian điều trị, Hằng đã khỏi bệnh nhưng hằng năm, cứ đến mùa hè cô vẫn phải uống thuốc để tránh bệnh tái phát. Hiện tại Hằng đã lập gia đình và sinh con.
Tiến sĩ Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, hưng cảm là một dạng rối loạn cảm xúc do người mắc thừa chất Dopamine trong não. Hưng cảm có triệu chứng hoàn toàn đối lập với trầm cảm. Nếu các bệnh nhân trầm cảm thường ủ rũ, mệt mỏi, bi quan, thèm ngủ dù không ngủ được, chán ăn, muốn chết... thì người hưng cảm lại trở nên vui vẻ, yêu đời, tự cao, ngủ ít mà vẫn khỏe khoắn, ăn nhiều và muốn đánh người, thích quan hệ tình dục.
Bác sĩ Huy cho biết, nếu một người vừa thiếu serotonin (khiến họ trầm cảm) lại vừa thừa dopamine (khiến họ hưng cảm) thì có thể trải qua các giai đoạn cả trầm cảm và hưng cảm xen kẽ nhau; gọi là rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
Theo bác sĩ, rối loạn hưng cảm đặc biệt chịu sự tác động của mùa, tức là cứ đến một thời điểm nào đó trong năm, bệnh nhân lại phát bệnh hoặc bệnh nặng hơn, như dân gian xưa vẫn gọi là "rồ hoa mướp". Khi cơn hưng cảm đến, bệnh nhân không điều khiển được hành vi của mình. Họ có thể bỗng trở nên hăng say nói, làm mọi việc, tự cao tự đại đến mức hoang tưởng về bản thân.
Trường hợp một bệnh nhân nữ từng điều trị ở viện gần đây là một điển hình.
Một ngày tháng 6, anh Quang (Trần Khát Chân, Hà Nội) phát hoảng khi thấy vợ sau một đêm mất ngủ đã đi siêu thị và tha về 200 đôi giày với hóa đơn hơn 60 triệu đồng. Rồi chị nói cười suốt ngày và còn bảo với chồng là mình vừa được thăng chức và phải bay gấp vào Sài Gòn nhận chức mới.
Khi tới TP HCM, chị vào khách sạn hạng sang ở rồi rút hết tiền trong thẻ ATM để tiêu xài. Chưa hết, chị dùng điện thoại gọi cho hết người này đến người khác kể về việc mình được nhận chức mới, về những thành tích đáng tự hào mình lập được (thực tế không hề có). Người chồng sợ quá phải bay ngay vào Sài Gòn đưa vợ về chữa trị.
Một trường hợp khác, một cô gái tên Nhung có bố ở Việt Nam, mẹ làm việc tại Nga. Ở Việt Nam, Nhung học rất giỏi nên được bố gửi sang Nga ở với mẹ để có điều kiện học tốt hơn. Thế nhưng, ra nước ngoài được một thời gian, Nhung bỗng nói nhiều, hoạt động suốt này, và luôn tìm đến các vũ trường, nốc vodka như nước lọc. Cô gái còn suốt ngày lang thang trên đường hát hò, biểu diễn và khoe khoang tài năng của mình bằng cả tiếng Nga và tiếng Việt.
Lo lắng trước tình trạng của con, người mẹ đã phải đưa Nhung về nước chữa bệnh. Vì tình trạng khá nặng, Nhung được cho dùng thuốc an thần và sốc điện mới khỏi.
Bác sĩ Huy cho biết, 70% cơn hưng cảm xuất hiện ban đầu thường do một chấn thương tâm lý, nhưng sau đó, khi đã vào chu kỳ thì các tác động bên ngoài không còn ý nghĩa nữa.
"Nếu như bệnh nhân trầm cảm thường phải sau một thời gian dài mới nhận ra, vì những biểu hiện của nó rất lặng lẽ, thì những người bị hưng cảm thường được phát hiện ngay vì những triệu chứng rầm rộ và có tính khác thường", bác sĩ nói thêm.
Mới đây nhất là một cô gái 18 tuổi, vừa đỗ đại học, đã làm náo loạn xung quanh khi tự cởi hết quần áo, chạy tồng ngồng khắp ký túc xá rồi hát hò ầm ĩ. Người mẹ thấy vậy sợ quá, đưa con đi khám thì được biết cô bé vừa trải qua một cơn hưng cảm và phải điều trị tại viện.
Theo bác sĩ, nếu như trầm cảm có thể điều trị nhiều cách, từ liệu pháp tâm lý hành vi đến thuốc và kết hợp hai cách trên, thì hưng cảm thường chỉ điều trị dứt bằng thuốc hoặc sốc điện. Thường cơn hưng cảm kéo dài ít nhất là một tuần, lâu nhất là 6 tháng rồi tự hết. Tuy nhiên, việc dùng thuốc sẽ giúp rút ngắn cơn, giảm nhẹ các triệu chứng và ngăn chặn tái phát. Bệnh này chữa đơn giản nhưng thường những người bị bệnh phải uống thuốc củng cố suốt đời. Trong thời gian đó, cần tránh sử dụng rượu bia cũng như hạn chế các chất kích thích khác.
Vương Linh
* Tên các bệnh nhân trong bài đã được thay đổi