Một buổi tư vấn về giới tính cho các em học sinh. Ảnh minh họa: P.H. |
Bác sĩ Đào Xuân Dũng, chuyên gia về sức khỏe tình dục cho biết, theo y văn, giai đoạn dậy thì thường kéo dài vài năm và thường bắt đầu khoảng 8 - 13 tuổi cho nữ và 9 - 14 cho nam. Chẳng hạn, trẻ nữ có các biểu hiện như: lớn phổng, cơ thể thay đổi, mông đùi nở nang, xuất hiện lông mu, lông nách... Với trẻ trai là tinh hoàn to ra, vỡ giọng, có râu...
Vì thế, nếu những dấu hiệu của tuổi dậy thì xuất hiện trước 8 tuổi ở nữ và trước 9 tuổi ở nam thì được gọi là dậy thì sớm. Căn bệnh này trước đây ít gặp, trong 100 trường hợp thì mới có 4-5 trẻ mắc, nhưng hiện nay nó ngày càng phát triển, thậm chí là trẻ mẫu giáo cũng đã bắt đầu có dấu hiệu.
Dậy thì sớm được chia làm 2 loại, dậy thì sớm thật và dậy thì sớm giả. Nếu như nguyên nhân của dậy thì sớm thật là do chính các nội tạng của trẻ (các hưng phấn từ vùng vỏ não đưa xuống) thì dậy thì sớm giả là do các bệnh lý làm tăng hoóc môn sinh dục như có u nang buồng trứng, u tinh hoàn... hoặc do lối sống.
Hiện tại khoa Nội tiết - Chuyển hóa và Di truyền (Bệnh viện Nhi Trung ương) đang quản lý hơn 200 trẻ dậy thì sớm (hầu hết trước 5 tuổi), trong đó chỉ một phần ba là dậy thì sớm thật.
"Xã hội càng phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, sự phát triển tâm sinh lý của trẻ cũng sớm hơn so với trước khiến tuổi dậy thì của trẻ cũng sớm hơn. Tuy chưa có số liệu cụ thể, nhưng qua điều tra quốc gia về vị thành niên Việt Nam được tiến hành vào năm 2009 và năm 2004, ta có thể một phần nào đó thấy được sự thay đổi này", bác sĩ Dũng cho biết.
Cụ thể, ở cuộc điều tra thứ nhất, tuổi có kinh lần đầu là 14,5 thì 5 năm sau đã giảm xuống còn 14,21. Tương tự với tuổi mộng tinh (xuất tinh) ở trẻ trai là 15,52 (trước kia là 15,6). Trên thế giới, các nhà khoa học cũng nhận thấy tuổi có kinh lần đầu có thể giảm đi khoảng 2- 3 năm do điều kiện kinh tế-xã hội và chế độ dinh dưỡng được cải thiện.
Cũng theo bác sĩ Dũng, đây là những dấu hiệu quan trọng nhưng không phải là thời điểm bắt đầu tuổi dậy thì. Vì thế, để có thể có kết luận một cách đầy đủ về sự thay đổi của các dấu hiệu dậy thì khác thì cần điều tra thêm.
Việt Nam chưa có nghiên cứu đánh giá mức độ ảnh hưởng của lối sống đến hiện tượng dậy thì sớm của trẻ. Còn theo nhiều nghiên cứu trên thế giới thì đây là hậu quả từ sự phổ biến của các loại hóa chất, mỹ phẩm và các chất gây ô nhiễm môi trường, gọi chung là "endocrine disruptors", những chất gây rối loạn nội tiết. Điều này dẫn đến sự phát triển sớm của các cơ quan sinh lý liên quan như vú, cơ quan sinh dục và những triệu chứng khác của tuổi dậy thì.
Ngoài ra, cũng theo các bác sĩ, việc xem TV hoặc sử dụng máy vi tính nhiều cũng có thể thúc đẩy quá trình dậy thì. Ngoài ra, đồ ăn nhanh, nhiều chất bổ, hình ảnh bạo lực, tình dục xuất hiện dày đặc trên TV cũng đẩy nhanh quá trình này.
Bác sĩ Dũng cũng khuyến cáo, dù là dậy thì sớm thật hay dậy thì sớm giả, cha mẹ cần đưa con đi khám để được điều trị sớm. Mục đích là dùng thuốc để hãm tạm thời các biểu hiện dậy thì và để giảm tốc độ trưởng thành của xương. Lý do là xương trưởng thành nhanh có thể làm cho chiều cao của các em không đạt được như tiềm năng của nó. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cắt bỏ khối u.
Trong quá trình điều trị, trẻ cũng phải được theo dõi để điều chỉnh liều lượng thuốc. Chụp xương để đánh giá tuổi xương ít nhất mỗi năm 1 lần, định kỳ kiểm tra nồng độ hoóc môn.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề tâm lý và kiến thức cho trẻ, đặc biệt là trẻ gái như cách giữ vệ sinh hằng ngày trong kỳ kinh. Các em dậy thì sớm có thể có biểu hiện bối rối vì những thay đổi về thể chất vì thế cần giải thích để bé không hoang mang. Đồng thời, cũng cần giáo dục giới tính để trẻ biết cách tránh bị lạm dụng tình dục và mang thai ngoài ý muốn.
Mới đây, vụ việc 3 bé gái sơ sinh ở Hồ Bắc, Trung Quốc có biểu hiện dậy thì sớm nghi do uống sữa gây xôn xao dư luận. Các nhà chức trách đã phải tiến hành lấy mẫu sữa tại nhà 3 bé và trên thị trường để kiểm tra. Tuy nhiên, kết luận khẳng định chưa đủ cơ sở để nói rằng sữa là thủ phạm. Dù vậy các chuyên gia vẫn khuyến cáo, thực phẩm không an toàn (gia cầm, gia súc nuôi tăng trọng, các loại rau, quả... nhiều chất kích thích) là một trong những yếu tố gây dậy thì sớm ở trẻ.
Hải Phong