Ngoài truy chất cấm trong thức ăn, lợn cần phải được kiểm tra nghiêm túc trước khi mổ, người tiêu dùng mới yên tâm. Ảnh: Trung Hào |
Thượng tá Đặng Văn Tốt, Phó trưởng phòng 6 Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an (C49) cho hay, hôm 10/4, đoàn kiểm tra ghi nhận tại công ty này có khoảng một tấn thành phẩm thức ăn cho lợn với công dụng được ghi rõ trên bao bì là kích thích tăng trọng, tạo nạc.
"Nghi ngờ sản phẩm có chứa chất cấm, chúng tôi tiến hành lấy mẫu xét nghiệm", ông Tốt cho biết.
Cũng theo ông Tốt, hôm nay C49 sẽ tiếp tục làm việc với công ty này để tìm nguồn gốc nguyên liệu.
Tại Tây Ninh, hôm nay Chi cục Quản lý thị trường Tây Ninh cũng cho biết kết quả kiểm nghiệm mẫu thức ăn lấy từ công ty TNHH Napha phát hiện chất cấm thuộc nhóm Beta - Agonist, loại chất cấm trong sản xuất và kinh doanh thức ăn gia súc.
Trước đó, nghi ngờ các sản phẩm thức ăn gia súc của Công ty Napha có chứa chất cấm, đội Quản lý thị trường số 6 - Châu Thành đã đi kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện mẫu thức ăn "Nở mông, nở vai, chống còi" của công ty này sản xuất có chứa chất cấm Salbutamol.
3 mẫu thức ăn "ONI PIGONE - siêu chống còi" của Công ty Ô Ni (TP HCM); "Nở mông - bung đùi" do Công ty O.T.A.H (TP HCM) sản xuất; "Tạo nạc- bung đùi" của Công ty cổ phần dinh dưỡng thú y ANOVET (Long An); cũng bị quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh phát hiện có chứa chất cấm Salbutamol.
Gần một tuần trước, cũng tại quận Bình Tân, qua điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, các trinh sát C49 đã phát hiện một kho chứa 1,4 tấn nguyên liệu tạo nạc có chất cấm.
Hóa đơn nhập khẩu lô hàng này lên đến 3 tấn. Hóa đơn bán hàng cho thấy chất cấm đã được xuất đến các công ty sản xuất thức ăn gia súc ở Long An, Tiền Giang và Đồng Nai. Tuy nhiên số lượng bán ra ít hơn nhiều so với 1,6 tấn chất cấm không còn trong kho.
C49 vẫn đang tiếp tục làm việc để truy đường dây mua bán và sản phẩm chất tạo nạc. Điều tra ban đầu cho biết, chỉ cần 250-500 gr nguyên liệu tạo nạc có thể chế biến được hàng tấn thức ăn.
Trung Hào - Chế Bắc