Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó viện trưởng Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia, cho biết, bắt đầu từ cuối tháng 12/2008 đã có bệnh nhân nhập viện vì mắc sởi và đến nay mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận thêm 5-6 ca. Bệnh nhân chủ yếu là thanh niên 18-25 tuổi, đa số là sinh viên. Hiện hầu hết các quận huyện ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành lân cận như Hòa Bình, Hưng Yên... đều có người lớn mắc bệnh.
Người lớn nhập viện vì sởi cũng có các triệu chứng như trẻ em, tuy không rầm rộ bằng như: sốt, ho, chảy nước mũi, mắt đỏ, khoảng 3 ngày sau đó thì phát ban những nốt to, đỏ...
Các bác sĩ cũng cho biết tuy bệnh nhân trong đợt dịch này ít mắc các biến chứng về đường hô hấp như viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi hay nhiễm lao như trẻ em khi mắc sởi, nhưng họ lại bị các biến chứng khác nguy hiểm hơn là viêm não, viêm màng não, dễ dẫn đến liệt, động kinh, tỉ lệ tử vong cao (theo y văn là khoảng 15%).
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa điều trị tích cực Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia, đang khám lại cho một bệnh nhân bị biến chứng sau mắc sởi. Ảnh: M.P. |
Trường hợp nặng nhất, hôn mê sâu, rối loạn tri giác, chưa hồi phục hoàn toàn là sinh viên Đại học Y Hà Nội năm thứ 4 Lê Đình Tú. Tú quê ở Thanh Chương, Nghệ An, bị sốt từ hôm 20/12 trong ký túc xá của trường, đến ngày 25 thì phát ban, ngày 29 thì tri giác xấu đi. Đến nay, các chức năng sống của em đã ổn định nhưng thần kinh chưa hồi phục và đang tiếp tục được điều trị.
Một trường hợp khác cũng hôn mê sâu khi vào viện là bác sĩ ở tỉnh Hòa Bình. Những người còn lại hôn mê ở các mức độ khác nhau. Trong số 8 bệnh nhân bị biến chứng nặng do bệnh sởi, một người đã bình phục ra viện.
Dịch sởi này nguy hiểm ở chỗ hiện không có biện pháp khống chế dịch vì virus gây bệnh phân tán trong không khí, nên ai cũng có thể nhiễm, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà nhấn mạnh. Đặc biệt, không biết ai sẽ bị biến chứng và thường biến chứng lại xuất hiện khi triệu chứng sốt giảm đi.
Theo ông, tình trạng khí hậu lạnh, thất thường năm nay chính là một trong những điều kiện thuận lợi cho loại virus này phát triển.
Bác sĩ Hà cũng cho biết thêm, trước đây sởi hay xuất hiện ở trẻ em, thường từ 6 tháng đến 5 tuổi, tỉ lệ có biến chứng chỉ là 1 trên 1.000 ca. Những người đã bị sởi một lần thì hiếm khi mắc lại nữa do cơ thể đã có miễn dịch với bệnh. Từ khi thực hiện tiêm chủng mở rộng, văc xin sởi tỏ ra rất hiệu quả và hầu như gần đây ở nước ta không thấy trẻ bị bệnh này nữa. Bộ Y tế Việt Nam và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hy vọng sẽ thanh toán bệnh này sau năm 2010.
Chính vì vậy, các bác sĩ cho rằng bệnh xuất hiện ở người lớn lần này là một điều bất thường và cần lưu ý. Dù đa số những người mắc bệnh chưa được tiêm chủng và chưa từng mắc sởi, nhưng cũng có những người đã được tiêm ngừa.
Từ năm 2006, do tiên lượng trước việc văcxin sởi không có khả năng miễn dịch mãi mãi nên nước ta đã quyết định tiêm phòng nhắc lại văcxin này cho trẻ 6 tuổi. Tuy nhiên, không ai ngờ lại có dịch lớn như lần này.
Bác sĩ Hà cho biết, thông thường, bệnh nhân không phải dùng kháng sinh, (trừ khi có dấu hiệu bội nhiễm rõ rệt), chỉ cần ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, tránh bị lạnh đột ngột, thì sau vài ngày bệnh sẽ khỏi.
Tuy nhiên, trong điều kiện dịch đang bùng phát như hiện nay, ông khuyến cáo nếu thấy có những dấu hiệu sốt cao, ngủ gà... thì tốt nhất nên đi khám để bác sĩ xác định chính xác bệnh, mức độ nặng nhẹ và có biện pháp điều trị thích hợp. Người bệnh cần được cách ly và đeo khẩu trang để tránh lây cho người nhà.
Các gia đình nên tiêm nhắc lại văcxin sởi cho con em và ngay cả người lớn (dưới 30 tuổi) nếu chưa tiêm hoặc đã tiêm lâu thì nên đi tiêm.
Minh Thùy