Ảnh minh họa: Esquire.com. |
Cái chết của người đàn ông nghiện rượu này khiến cả gia đình vô cùng đau đớn. Khi đó, ông đang là giám đốc một công ty xây dựng ở Hà Nội.
Bà Hoa, vợ ông Hoàn cho biết, mấy tháng gần đây, ông hay nói nhảm một mình và chẳng còn tha thiết gì gia đình. Một ngày, người ta còn thấy ông trần truồng chạy ngoài đường và hò hét inh ỏi. Khi gia đình đưa đi khám, các bác sĩ xác định ông đã bị loạn thần do nghiện rượu, kèm xơ gan ở giai đoạn cuối.
Vợ ông kể, từ khi công ty do ông lập ra ăn nên làm ra là khi khi gia đình họ không còn đầm ấm nữa. Số tiền ông đưa cho vợ nhiều hơn, tỉ lệ thuận với số thời gian ông vắng mặt ở nhà. Ông Hoàn triền miên trong các bữa nhậu nhẹt, hết với đối tác, nhân viên lại đến tụ tập bạn bè. Và từ một người không uống được rượu, tửu lượng của ông ngày càng tăng. Mấy năm gần đây, hầu như mỗi ngày ông đều uống tới gần lít rượu, điểm tâm sáng bằng cả cốc cuốc lủi đầy.
Tiến sĩ Bùi Quang Huy, chủ nhiệm khoa tâm thần, Bệnh viện 103, Hà Đông, Hà Nội cho biết, lúc nào trong khoa cũng có gần chục bệnh nhân bị loạn thần do rượu. Họ có thể là bác sĩ, luật sư, doanh nhân, bộ đội hay những người lao động chân tay. Một đặc điểm chung là ai cũng gày yếu, luôn có ảo giác là có tiếng nói bên trong rủa xả mình.
Theo bác sĩ Huy, mấy năm gần đây, số người nghiện rượu và bị loạn thần do rượu tăng nhanh, dù tác hại của nó hầu như ai cũng biết. Chứng nghiện rượu khiến họ bị teo não, suy gan, thận. Bên cạnh ảnh hưởng về sức khỏe, lạm dụng rượu còn khiến những người này bị biến đổi nhân cách, có thể ruồng rẫy vợ con, tha hóa về đạo đức.
Cộng thêm với tác hại bị liệt dương, đa số đàn ông nghiện rượu thường hay nghi ngờ vợ không chung thủy, một số còn hoang tưởng ghen tuông.
Như trường hợp của anh Dũng, 40 tuổi ở Bắc Giang là một ví dụ. Sau một lần làm ăn thô lỗ, anh Dũng tìm tới rượu để giải sầu. Uống nhiều thành quen, anh đâm nghiền rượu lúc nào không biết. Mỗi ngày, anh thường la cà quán xá, về nhà thì bắt con đi mua rượu để uống. Mỗi lúc say, anh thường đánh con, khi vợ ra can thì choảng luôn cả chị.
Một năm trở lại đây, do uống rượu quá nhiều, anh mắc chứng "trên bảo dưới không nghe" nên lúc nào cũng mặc cảm và cho rằng vợ đang có quan hệ với người đàn ông khác. Dù bản thân mình không làm ra tiền, anh cấm luôn chị đi chạy chợ. Ngồi không ở nhà thì chẳng có tiền cho con ăn học, vợ anh nghĩ cách mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Nhưng cứ hễ có đàn ông đến mua hàng, anh Dũng lại nghĩ ngay người này định tòm tem với vợ mình, nên lại ra quát mắng, chửi khách, đánh vợ.
Rồi hai tuần trước, khi đang đi ngoài đường, anh bất ngờ bị ngã, cắn phải lưỡi và ngất ngay tại chỗ. Khi được đưa tới bệnh viện, anh được xác định cũng mắc chứng loạn thần.
Một trường hợp khác hiện vẫn đang nằm trong viện là một sĩ quan quân đội, ở Tây Hồ, Hà Nội. Khi được bác sĩ hỏi, bệnh nhân này nói thản nhiên: thỉnh thoảng uống tí thôi. Nhưng vợ anh cho biết, mỗi ngày anh uống hàng lít rượu. "Các bác làm cùng bảo anh ấy lúc nào cũng 'thủ' trong túi một chai vodka nhỏ, còn ở nhà, anh ấy uống rượu thay nước, và cả cơm luôn. Cứ vợ con ở tầng dưới thì anh ấy lên tầng trên xì xụp uống. Em lên tầng trên thì anh ấy lại lẩn xuống tầng 1", chị Hoài, vợ bệnh nhân chia sẻ.
Chị còn cho biết, trước đây anh vốn là người rất hiền, cũng uống rất ít. Nhưng rồi sau một thời gian đóng quân xa gia đình, hay được rủ uống rượu nên quen, sinh nghiện. Từ khi đó, anh chẳng còn cố gắng phấn đấu gì cho sự nghiệp, cũng chẳng quan tâm đến việc gì trong gia đình, mặc kệ vợ xoay sở với việc nhà và nuôi dạy hai đứa con.
Mới tuần trước, anh đang ở đơn vị huấn luyện thì tự nhiên choáng, ngã lăn ra đất và được đưa vào bệnh viện.
Tiến sĩ Huy cho biết, theo lý thuyết, những người uống từ 300 ml rượu trở nên trong một thời gian dài (khoảng 10 năm) sẽ thành nghiện rượu. Tuy nhiên, rượu ở nước ta thường được đun trực tiếp từ các loại ngũ cốc, chưa được khử các chất độc, nên rất hại sức khỏe. Thêm vào đó, nam giới còn hay có thói quen uống rượu khi bụng đối, uống rượu có độ cồn cao và uống nhiều một lúc khiến sức khỏe và cả tâm trí của họ rất nhanh bị tàn phá.
Ông còn cho hay, việc cai nghiện rượu rất tốn kém và khá khó khăn. Có tới 95% số bệnh nhân tái nghiện. Theo ông, không thể có chuyện dùng lý trí để cai rượu được mà những người này phải được điều trị theo phác đồ đặc biệt của bác sĩ. Ngay cả sau khi đã được cai thành công, họ vẫn phải dùng thuốc củng cố (một loại thuốc khiến họ "sợ" rượu) ít nhất 2 năm.
Nói về những loại thuốc hiện nay được truyền miệng, quảng cáo là có tác dụng chống say rượu, giải rượu, tiến sĩ Huy giải thích, thực ra cũng các thuốc này có tác dụng làm môn vị (một cơ vòng nối liền dạ dày với đoạn đầu của ruột non) đóng lại, không cho rượu xuống ruột non và khiến người uống có cảm giác không say. Nhưng khi về nhà, hay sau một thời gian, môn vị mở ra, toàn bộ lượng rượu và thức ăn sẽ ộc xuống, khiến mức độ ảnh hưởng còn lớn hơn.
Vì vậy, theo bác sĩ, các đấng mày râu nên hạn chế uống rượu, nếu uống thì trước đó nên ăn (nhất là các chất đạm, chất béo) và nếu trót đã uống nhiều thì nên "móc họng" để thải rượu ra ngoài trước khi nó ngấm vào cơ thể.
Khi một người có những dấu hiệu như lúc nào cũng thèm rượu, tay chân run, có ảo giác vọng thanh (tiếng nói trong đầu, hay nói nhảm, lúc nhớ lúc quên...) thì cần tới bệnh viện để được cai nghiện.
Theo ước tính của Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế thì hiện nay tỉ lệ người mắc bệnh loạn thần do lạm dụng rượu chiếm 5-6% bệnh nhân mắc các bệnh tâm thần. Tại một số bệnh viện tâm thần, bệnh nhân điều trị loạn thần do lạm dụng rượu chiếm đến 20% tổng số bệnh nhân nhập viện. Cũng theo Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị bình quân tiêu thụ đồ uống có cồn của một người không vượt quá 9 lít một năm, trong khi đó Việt Nam đã lên mức 19 lít một năm. |
Vương Linh
*Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi