Ngày 29/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với TP HCM bàn về các biện pháp giảm tải ở bệnh viện.
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận cho biết, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để giảm tải bệnh viện là xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong năm nay, các kế hoạch xây dựng bệnh viện mới đã được chuẩn bị sẵn nhưng vẫn "giẫm chân tại chỗ" do vướng mắc về chính sách và bồi thường giải phóng mặt bằng.
"Đề nghị Bộ Y tế đồng thuận với TP HCM kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện nghị quyết 11 với những công trình phục vụ dân sinh, trong đó có các bệnh viện được khởi công xây dựng mới. Ngân sách của thành phố đã sẵn sàng", ông Thuận nói.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Tá Lâm. |
Theo kế hoạch của thành phố, đến năm 2015 sẽ có 5 bệnh viện cửa ngõ được xây mới đưa vào sử dụng như Bệnh viện Nhi thành phố (tại Bình Chánh), Cơ sở 2 bệnh viện Ung bướu (tại quận 9), Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình ở phía Nam Sài Gòn... Đồng thời, thành phố cũng sẽ mở rộng các bệnh viện Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn...
Bên cạnh giải pháp xây mới các bệnh viện, Phó chủ tịch thành phố cũng nhấn mạnh đến vấn đề đào tạo đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi. Ông Hứa Ngọc Thuận khẳng định, đến năm 2015, thành phố sẽ đảm bảo tỷ lệ 15 bác sĩ/10.000 dân.
Coi trọng đến việc tập trung đầu tư cho 24 bệnh viện tuyến quận huyện và xem giải pháp luân chuyển cán bộ y tế giỏi về tuyến dưới là một trong những giải pháp giảm tải bệnh viện, ông Thuận yêu cầu các bệnh viện tuyến cuối phải tiếp nhận sự chi viện của các bệnh viện chuyên khoa.
"Nếu như muốn người dân tin tưởng điều trị ở bệnh viện tuyến dưới, thì thành phố phải giải quyết được một công thức: Nguồn nhân lực bao gồm các bác sĩ giỏi cộng với trang thiết bị tốt và thương hiệu của các bệnh viện trung tâm thì mới giải quyết được vấn đề quá tải ở bệnh viện", ông Thuận tính toán.
Ông Hứa Ngọc Thuận khẳng định, các bệnh viện ở các quận huyện chưa sử dụng hết công suất. Hầu hết ở các bệnh viện này chỉ mới sử dụng tốt đa 60% công suất sử dụng giường bệnh. "Vậy 40% còn lại tại sao không sử dụng?", ông Thuận đặt vấn đề.
Liên quan đến việc các bệnh viện chuyên khoa có đến 60% bệnh nhân nội trú đến từ các tỉnh, Phó chủ tịch thành phố kiến nghị với Bộ Y tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và đội ngũ y bác sĩ giỏi cho các tỉnh phía Nam, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long để giảm tải cho TP HCM.
Hầu hết bệnh viện tại TP HCM đều xảy ra tình trạng quá tải bệnh nhân. Ảnh: Thiên Chương |
Đồng tình với những giải pháp mà Phó chủ tịch UBND TP HCM đưa ra, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp mời ông Hứa Ngọc Thuận tham gia vào Ban chỉ đạo quá tải bệnh viện.
Theo lộ trình, trước mắt sẽ xây dựng đề án giảm tải tại hai thành phố lớn là TP HCM và Hà Nội. Sau đó, mới đến các bệnh viện ở các tỉnh thành. "Trước mắt, chúng ta sẽ mua thêm số giường cho bệnh nhân. Chúng ta không thể để hình ảnh bệnh nhân nằm dưới gầm giường tái diễn nữa", bà Kim Tiến nói.
Sau khi có đề án giảm tải, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định sẽ cho nghỉ việc nếu giám đốc ở các bệnh viện đó đã thực hiện các giải pháp mà vẫn để xảy ra tình trạng quá tải ở bệnh viện.
Đổi mới cơ chế tài chính và tăng cường cơ sở khám chữa bệnh cho tuyến tỉnh cũng là hai giải pháp được Bộ trưởng nhấn mạnh đến nhằm giảm tải bệnh viện.
Trước đó, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Phạm Việt Thanh đã trình bày các giải pháp giảm tải bệnh viện như:
- Triển khai cải tiến thủ tục hành chính như hoàn thiện việc kê đơn thuốc qua mạng, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hồ sơ bệnh nhân... Đầu tư nâng cấp, sữa chữa và cải tạo cơ sở vật chất cho các bệnh viện.
- Xây dựng đề án cử cán bộ y tế phải đến các bệnh viện quận huyện để hỗ trợ giúp nâng cao chất lượng cho các bệnh viện này.
- Đào tạo mới, đào tạo lại nguồn nhân lực cho ngành Y tế. Đồng thời phải mở rộng trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tăng chỉ tiêu đào tạo, mở thêm khoa Dược, Y tế cộng đồng. Đẩy nhanh tiến độ các cụm y tế cửa ngõ...
Sở Y tế TP HCM cũng kiến nghị thành phố và Bộ Y tế đổi mới chế độ chính sách về hệ số lương cho cán bộ y tế, cấp kinh phí cho các bệnh viện, đẩy nhanh tiến độ bảo hiểm y tế toàn dân và có xây dựng quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo và diện chính sách.
Tá Lâm