Theo China Daily, ngay sau khi có thông tin cho rằng 1/10 số bữa ăn của người dân được nấu bằng dầu bẩn, Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Trung Quốc đã có thông báo khẩn với các nhà hàng khuyến cáo về việc sử dụng dầu ăn cũ.
Theo thông báo này, những người kinh doanh dịch vụ ăn uống sẽ bị xử lý nếu họ sử dụng dầu ăn bẩn hoặc không có nguồn gốc rõ ràng. Nghiêm trọng hơn họ có thể bị tước giấy phép.
Một cơ sở chế biến dầu bẩn tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Chinadaily. |
Ông He Dongping, chuyên gia về khoa học thực phẩm thuộc Đại học bách khoa Wuhan cho biết, trong 22,5 triệu tấn dầu ăn người dân Trung Quốc tiêu thụ hàng năm thì có khoảng từ 2 đến 3 triệu tấn là dầu ăn đã qua sử dụng.
Những dầu ăn này thường là dầu ăn thải loại từ các nhà bếp đã được tinh chế. Chúng chứa chất độc hại có thể gây ung thư được gọi là "aflatoxin".
Đây là kết quả của một nghiên cứu mà ông đang tiến hành cùng với 9 sinh viên của mình nhằm tìm ra một cách hiệu quả để phát hiện việc sử dụng dầu ăn lại trong sản xuất thực phẩm. Cho đến nay, chưa có cách nào để phát hiện.
Theo nghiên cứu của He, việc kinh doanh dầu ăn bất hợp pháp này mang lại lợi nhuận rất lớn.
"Chi phí để làm ra một tấn dầu bẩn chỉ khoảng 300 tệ (khoảng 800.000 đồng). Một thùng dầu ăn như thế này có thể lãi khoảng 70-80 tệ. Như vậy, dù chỉ bán bằng một nửa giá dầu ăn bình thường, bạn vẫn có thể kiếm được khoảng 10.000 tệ một tháng", ông He cho biết.
Phương Trang