Kể từ đó đến nay đã hai năm qua, ngôi nhà của ông Lương Trung Hoàng, nguyên giám đốc một công ty lớn tại tỉnh Đồng Nai, ngày càng có nhiều người bệnh, người già yếu và không có người thân nương tựa. Đã hơn 200 trường hợp được ông Hoàng nuôi dưỡng hoặc giúp đưa về đoàn tụ với gia đình. Trong đó gần 100 người già, tâm thần, trẻ em mồ côi... sống hẳn trong nhà của ông và trở thành một đại gia đình. Nhà không đủ chỗ, ông còn thuê nhà cho họ ở.
Trong căn nhà bốn gian đơn sơ rộng chừng 150m2, những người bệnh nhẹ thì tự giác giúp nhau chăm sóc nhà cửa và hỗ trợ người ốm nặng hơn. Những người bị tâm thần, khuyết tật, Down chia nhau nấu cơm, quét dọn nhà cửa; người sức khỏe kém hơn một chút thì nhận trách nhiệm rót nước, đút cơm, thay quần áo cho người phải nằm một chỗ...
"Con tôi đấy, Mỹ Hạnh, cháu ngoan lắm", ông Hoàng vui vẻ giới thiệu với VnExpress.net đứa con gầy gò bị não úng thủy có cái đầu nặng gần 15 kg. Hạnh bị bố mẹ bỏ rơi, được ông đưa về nuôi hơn bốn tháng nay.
Ông Hoàng (đeo kính) đang nuôi dưỡng gần 100 bệnh nhân tại nhà mình. Ảnh: Ngoan Ngoan |
Là giám đốc doanh nghiệp, nhưng vì yêu thích công tác từ thiện, được đi khắp nơi chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh, năm 2008 ông Hoàng quyết định dừng công việc, ở nhà mở phòng trọ cho thuê để lấy kinh phí và tự tay chăm sóc cho những bệnh nhân tâm thần, bại liệt, câm, điếc vốn không nơi nương tựa.
Thu nhập 20 triệu đồng một tháng từ cho thuê phòng trọ được ông dốc toàn bộ cho "ngôi nhà tứ xứ" để chi phí ăn uống, thuốc men, quần áo, tã giấy... Thỉnh thoảng người thân và các nhà hảo tâm quen biết gửi tiền, quà bánh, gạo, đồ ăn, thức uống để chung tay với ông lo cho những mảnh đời bất hạnh.
"Ban đầu, vợ và bốn đứa con tôi phản đối dữ dội vì lo tôi không thể chăm sóc chu đáo cho những người ốm đau. Tuy nhiên sau một thời gian, họ đã xiêu lòng và ủng hộ bằng cả vật chất và tinh thần để tôi toàn tâm lo công việc", ông Hoàng tâm sự.
Ông cũng cho biết, sắp tới sẽ kiếm thêm những công việc thủ công đan lát nhẹ nhàng cho mọi người làm tại nhà, để có thêm thu nhập trang trải cho những sinh hoạt hàng ngày.
Trong số những người được ông Hoàng đưa về nhà nuôi có bà Hai, 80 tuổi. Bà bị bệnh tâm thần, hàng ngày lang thang ăn xin, tối về ở một mình trong căn nhà hoang dột nát tại xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất.
Chứng kiến cảnh người đàn bà bằng tuổi mẹ mình, đi khắp nơi và ăn mọi thứ mà người khác cho hoặc nhặt được, ông Hoàng kể: "Lúc ấy tôi không cầm được nước mắt nên ngỏ ý đưa má Hai về nhà chăm sóc".
Tay run run lau giọt lệ lăn trên đôi má nhăn nheo, bà Hai nghẹn ngào thổ lộ: "Đi khỏi nhà mấy chục năm nay, tôi không còn nhớ quê hương và người thân của mình ở đâu. Được chú Hoàng đưa về nuôi và gọi mình là mẹ, lại tự tay tắm rửa, giặt giũ quần áo cho nữa, tôi biết ơn và quý chú ấy lắm".
Được ông Hoàng đưa về nuôi, trông bà Hai khỏe mạnh và hồng hào hẳn lên. Ảnh: Ngoan Ngoan |
Một lần, trên đường từ nhà đến TP HCM, ông Hoàng nhìn thấy hai khúc gỗ lớn ai đó làm rơi giữa đường. Khi dừng xe lại để nhặt khúc gỗ đưa vào lề, ông phát hiện trong bụi cây gần đó có một đứa bé ăn mặc rách rưới, mặt mũi bẩn thỉu, toàn thân bốc mùi hôi thối đang nhai ngấu nghiến những thức ăn ôi thiu và trái cây mà người ta bỏ đi.
Cậu bé cho biết do sợ bị bố đánh vì đã ăn cắp tiền của gia đình và cô giáo nên bỏ nhà đi gần hai năm nay. Người đàn ông này đưa em đi ăn cơm và mua quần áo mới rồi đích thân đưa cậu bé về nhà ở Tây Ninh trong sự vui mừng cảm kích của cả gia đình em.
Kể từ đó, ông Hoàng có thói quen, đi đến đâu cũng quan sát ở những bụi cây bên đường. Hễ thấy người nào ăn mặc rách rưới, nằm vật vờ là ông dừng lại mua cơm nước và quần áo mới cho họ rồi khuyên nhủ họ trở về nhà. Những người không còn mái ấm nương tựa mà già cả, bệnh nặng, thì ông đưa về nuôi, còn người khỏe mạnh thì ông giúp họ kiếm việc làm để ổn định cuộc sống.
Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người biết đến "gia đình tứ xứ" này của ông Hoàng. Trong đó có nhiều người lặn lội từ miền Bắc hoặc Campuchia xuống nhờ ông Hoàng nhận nuôi dùm những người có hoàn cảnh thương tâm.
Người chủ gia đình lớn này chia sẻ với VnExpress.net: "Được giúp đỡ những con người nghèo khổ bé nhỏ, tôi thấy cuộc sống thật đẹp và bình an. Vì thế tôi sẽ dùng cả cuộc đời còn lại của mình để chăm sóc cho họ".
Người bệnh nhẹ đang giúp ông Hoàng nấu ăn cho những người bệnh nặng hơn. Ảnh: Ngoan Ngoan |
Không chỉ là người già, người bệnh, ông Hoàng còn giúp đỡ cả những người cơ nhỡ, như Nguyễn Minh Trí, từng là thành viên của một băng cướp ở ngã ba Tam Hiệp (Đồng Nai). Bị bố đánh, Trí bỏ nhà đi, gia nhập băng cướp trấn lột khách qua đường, đêm đến cạy cửa đột nhập vào nhà dân để trộm xe và tài sản. Lúc bị công an bắt, Trí vô tình gặp được vị mạnh thường quân này. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân phạm tội của cậu thanh niên, ông nhận bảo lãnh và đưa về nhà nuôi.
Trong tình yêu thương của ông Hoàng, những người mà ông đưa về nuôi giờ ai nấy đều tươi tắn, khỏe mạnh hơn xưa. Riêng Trí - tên cướp khét tiếng ngày nào giờ trở thành thợ mộc tại một công ty chế biến gỗ gần nhà. Với tiền lương mỗi tháng hơn một triệu đồng, Trí tình nguyện ở lại để chung tay với ông Hoàng lo cho gia đình này.
Trao đổi với VnExpress.net, Trí nói: "Em cám ơn bố Hoàng nhiều lắm vì bố thương yêu và lo cho em như con ruột vậy. Em hứa với lòng sẽ chuyên chăm làm việc để trở thành người tốt và giúp bố chăm sóc các anh chị em trong nhà."
Bà Vương Thị Là, mẹ của Trí thì không bao giờ quên được cái ngày mà ông Hoàng đưa đứa con trai trở về khi bà đang bán rau ngoài chợ. "Cả nhà tôi không tin được thằng Trí còn sống. Chúng tôi mang ơn ông Hoàng vì nghĩa cử cao đẹp đã cứu giúp con tôi và nhiều con người đáng thương khác", bà Là nói trong niềm hạnh phúc. Giờ đây đứa con của bà không còn nghiện game và ăn trộm nữa mà chí thú làm ăn lương thiện.
Ông Hoàng Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Gia Tân 2 cho biết xã rất khuyến khích việc làm nhân đạo của ông Hoàng. Tuy nhiên cơ sở vật chất của nơi nuôi dưỡng chăm sóc người bệnh, lang thang cơ nhỡ này chưa đáp ứng đủ điều kiện về năng lực, kinh tế, chuyên môn... Chính quyền địa phương đã quyết định phân công Chủ tịch hội chữ thập đỏ xã tiếp quản cơ sở từ ông Hoàng để quản lý, chăm sóc, tiếp nhận người cơ nhỡ đủ tiêu chuẩn do Phòng Lao động thương binh xã hội quy định.
Ông Bình cũng cho biết, chính quyền đã lên kế hoạch xây dựng một cơ sở mới khang trang hơn, để thay thế ngôi nhà của ông Hoàng, dùng làm nơi ở, tiếp nhận những người lang thang cơ nhỡ.
Ngoan Ngoan
Địa chỉ liên hệ: Ông Lương Trung Hoàng, xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Điện thoại: 0939.669.276