Quyết định trên được đưa ra sau khi có thông tin ít nhất 432 trẻ sơ sinh Trung Quốc bị sỏi thận do uống sữa Sanlu.
Ông Trung cho biết, từ ngày 15 đến 20/9, đoàn thanh tra của Bộ Y tế (gồm thanh tra, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Viện Dinh dưỡng) sẽ kiểm tra sữa và các sản phẩm từ sữa tại một số khu vực trên địa bàn Hà Nội. Sau khi kiểm tra 15 cơ sở trong ngày 15/9, đoàn chưa phát hiện các loại sữa bột không rõ nguồn gốc, đặc biệt không thấy sữa Sanlu.
Ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết, ông không thể khẳng định "trên thị trường có hay không tồn tại một sản phẩm sữa nhập khẩu từ Trung Quốc" bởi sữa là một trong những mặt hàng trọng điểm phải kiểm tra nhưng cán bộ thị trường chỉ thu giữ khi sản phẩm quá "đát", hình thức không rõ ràng. Việc kiểm nghiệm chất lượng lại thuộc trách nhiệm của cán bộ y tế. Theo ông Ngọc, để phòng ngừa và kiểm soát sữa có chất lượng kém, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) phải đưa sữa vào nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cấp visa (kiểm định chất lượng rồi mới cho lưu hành) giống như visa cho mỹ phẩm.
Một cặp trẻ song sinh bị sỏi thận do uống sữa Tam Lộc tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Hãng sữa Sinlu đã bị cấm sản xuất sau khi nhà chức trách Trung Quốc phát hiện thấy số trẻ em bị bệnh lên tới 432 em. Xét nghiệm sữa của hãng cho thấy có chất Melamine - hợp chất cao phân tử của cyanuramide, là hóa chất độc được sử dụng trong công nghệ sản xuất bao bì ni lông.
Trước thông tin này, các bà mẹ có con nhỏ ở Việt Nam cảm thấy lo lắng bởi tập đoàn Fonterra của New Zealand - nhà cung cấp nguyên liệu cho nhiều công ty sữa lớn tại Việt Nam và đang bán ra thị trường các sản phẩm sữa lon ngoại nhập có tác dụng chống loãng xương, cung cấp dưỡng chất cho bà mẹ mang thai - lại là một phần trong liên doanh của tập đoàn Sanlu.
Bà Lê Thị Vân, giám đốc công ty Đại Tân Việt, nhà phân phối độc quyền sữa nguyên liệu Fonterra tại Việt Nam, khẳng định: "Chúng tôi không cung cấp nguyên liệu để sản xuất sữa dành riêng cho trẻ em tại Việt Nam mà cung cấp bột sữa béo và sữa gầy dùng để sản xuất sữa tươi, làm bánh, làm kem, dùng trong chế biến thực phẩm. Toàn bộ sữa nguyên liệu đều nhập từ New Zealand, đạt tiêu chuẩn thế giới và tiêu chuẩn Việt Nam theo CODEX về hàm lượng các chất cần thiết".
Giám đốc kinh doanh của một công ty sữa có tiếng cho biết, tất cả nguyên liệu sữa ngoại nhập, nếu theo đúng đường chính ngạch, chịu sự kiểm soát gắt gao của các cơ quan quản lý nhà nước thì đều đạt tiêu chuẩn. Nhưng không ai có thể kiểm soát được sữa nhập theo đường phi mậu dịch.
Theo kết quả khảo sát sơ bộ thị trường bán lẻ ở các chợ tại TP HCM như Kim Biên, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Thông, Cách Mạng Tháng Tám ... thì sữa Sanlu chưa xuất hiện tại các nơi này. Các chủ cửa hàng sữa đều khẳng định không hề có sữa Trung Quốc đóng lon bày bán ở TP HCM. Muốn mua sữa rẻ, người tiêu dùng có thể tới cửa hàng của các cơ sở tư nhân đóng gói nguyên liệu nhập từ châu Âu.
(Theo Khoa học & Đời sống, SGTT)