- BS cho em hỏi là em chuẩn bị mang thai, có đi tư vấn ở Viện Paster. BS ở đó nói là trước khi mang thai phải tiêm viêm gan siêu vi B, trái rạ, quai bị- sởi - rubella, cúm. Em đi xét nghiệm siêu vi B, và rubella thì bác sĩ nói đã có kháng thể cao nên không phải tiêm thêm. Nhưng trong gói tiêm rubella lại có quai bị - sởi mà em lại chưa tiêm quai bị, còn sởi thì em bị rồi. Vậy em có cần tiêm 2 loại này không? Em xin cám ơn. (Nga Le Thi Phi, 27 tuổi, TP HCM)
- Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Trưởng phòng khám bệnh và tiêm ngừa Viện Pasteur: Các bệnh lý trên rất cần phải phòng ngừa cho người phụ nữ chuẩn bị mang thai vì nó có thể ảnh hưởng lên thai nhi hoặc lây nhiễm cho em bé sau khi sinh. Bạn đã có kháng thể viêm gan B và rubella thì không cần thiết phải tiêm ngừa hai loại bệnh này. Đối với người phụ nữ chuẩn bị mang thai thì việc phòng ngừa rubella là cần thiết hơn hai bệnh sởi và quai bị. Tuy nhiên do không có vắc xin ngừa rubella đơn giá nên vắc xin ngừa rubella hiện giờ là phối hợp cả 3 bệnh sởi, quai bị và rubella. Trường hợp của bạn không cần thiết phải tiêm loại vắc xin này.
- Xin cho em biết dấu hiệu chi tiết về bệnh thủy đậu, rubella và quai bị, sự khác và giống nhau giữa những bệnh trên. Em xin cảm ơn (Lê Thị Thu Hà, 21 tuổi, HN)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1: Chào bạn. Nhìn chung 3 bệnh này cũng không khó nhận biết.
Thủy đậu: triệu chứng chính là nổi bóng nước, thường xuất hiện rất nhanh và nổi toàn thân. Trẻ nhỏ thường ít kèm theo sốt, trong khi trẻ trên 7 tuổi và người lớn thường kèm theo sốt cao, mệt mỏi, biếng ăn. Các nốt bóng nước này thường nổi từng đợt, xen kẽ bóng nước cũ và bóng nước mới. Nếu triệu chứng như trên thì gần như là bệnh thủy đậu, đặc biệt là xung quanh, trong trường học có người bệnh tương tự.
Rubella: thường nổi ban (những chấm đỏ) rải rác toàn thân, xuất hiện rất nhanh, đôi khi chỉ vài giờ đã nổi khắp người. Cũng tương tự thủy đậu, trẻ trên 7 tuổi và người lớn, đặc biệt là phụ nữ thường kèm theo mệt mỏi, đau khớp. Đa số các trường hợp sẽ xuất hiện những hạt nhỏ, sau tai và dọc phần sau của cổ. Nếu triệu chứng nổi ban như trên, nguyên nhân chủ yếu do rubella, các bệnh khác rất hiếm có những triệu chứng như thế.
Quai bị: triệu chứng chính là sưng vùng tuyến mang tai hai bên, có thể kèm theo đau nhức, khó nhai. Vùng sưng này không đỏ, nếu đỏ hoặc lan rộng thì nên nghĩ tới bệnh khác như: viêm tuyến mang tai do vi trùng, viêm hạch vùng mang tai. Để xác định rõ, cần đến khám bác sĩ chuyên khoa.
![]() |
Các bác sĩ đang tư vấn trực tuyến tại tòa soạn VnExpress về phòng trị bệnh thủy đậu, sởi, quai bị và rubella. Ảnh: Thiên Chương |
- Tôi chuẩn bị mang thai nhưng được biết là chỉ tiêm hai mũi thủy đậu và rubella trước khi mang thai từ 1-3 tháng. Vậy tôi có nên tiêm cả 4 mũi phòng bệnh thuỷ đậu, sở, quai bị và rubella và có thể tiêm trước 5-6 tháng thì còn tác dụng nữa không? Trong thời gian mang thai thì tôi cần thiết phải tiêm thêm những mũi phòng bệnh gì nữa không và tiêm như vậy thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của thai nhi trong bụng? Vì tôi được biết là tiêm như vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi. (Le Thanh Hoa, 30 tuổi, TP HCM)
- BS Khanh: Trước khi mang thai 3 tháng, chị có ý thức tiêm một số bệnh để phòng ngừa cho bản thân và thai nhi là rất tốt. Tiêm 5-6 tháng trước khi mang thai đã đủ miễn dịch để phòng ngừa. Khi mang thai, chị nên khám thai và tiêm thêm uốn ván theo hướng dẫn tại nơi khám thai để phòng ngừa uốn ván cho bé lúc mới sinh. Ngoài ra, chị không nên tiêm thêm vacxin gì khác.
- Tôi có thai 10 tuần, sức khỏe tương đối yếu. Tôi hiện công tác tại Tòa nhà 8 tầng, tuy nhiên hiện tại Tòa nhà tôi đang có dịch cúm rubella, rất nhiều người đã bị bệnh trên. Do tính chất công việc nên tôi phải thường xuyên tiếp xúc với mọi người nên khả năng lây bệnh cúm rubella là rất cao, sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Tôi đang băn khoăn phương án mua khẩu trang để tránh lây qua đường hô hấp. Tuy nhiên tôi không biết nên mua khẩu trang Kissy hay khẩu trang y tế màu xanh. (Le Thi Lan Phuong, 30 tuổi, TP HCM)
- BS Tuấn: Nếu bạn đã được tiêm ngừa rubella rồi thì bạn có thể hoàn toàn yên tâm trước tình hình trên, còn trong trường hợp bạn chưa tiêm ngừa rubella, bạn có thể đi làm xét nghiệm xem mình đã có kháng thể phòng bệnh rubella chưa. Nếu đã có kháng thể rồi thì bạn không cần lo lắng gì.
Trong trường hợp bạn chưa có kháng thể hoặc chưa tiêm ngừa thì để phòng bệnh, bạn cần hạn chế tiếp xúc với những người bị bệnh hoặc nghi ngờ mang mầm bệnh. Khi đến cơ quan, bạn chỉ cần mang khẩu trang y tế là an toàn. Ngoài ra bạn cần thiết phải giữ sức khoẻ tốt, ăn uống đủ dinh dưỡng và bổ sung thêm nhiều vitamin.
- Con trai tôi được 17 tháng, nặng 10,6 kg. cháu chưa đi nhà trẻ nên ít bị bệnh vặt như sổ mũi, ho. Tôi chưa cho cháu đi chích ngừa mũi 3 trong 1, sởi, quai bị, rubella. Tôi có thể bỏ mũi chích này được không? Nếu không thì thời điểm này cháu đang mọc răng có chích được không? Mỗi khi đi tiêm về cháu hay quấy khóc, biếng ăn rồi sút cân, tôi phải làm sao để cải thiện tình hình này? Chích ngừa sởi xong thì tháng sau có chích luôn được thủy đậu? (Tamnguyen, 29 tuổi, TP HCM)
- BS Khanh: Chích ngừa vacxin 3 trong 1 (sởi, quai bị, rubella) không nên bỏ vì đây là 3 bệnh rất dễ mắc phải, nhất là khi vào mùa bệnh và khi em bé tiếp xúc với môi trường đông người (nhà trẻ, mẫu giáo...). Chị có thể chích cho bé khi bé không còn nóng sốt, nhưng đừng bỏ quên. Chích ngừa không gây biếng ăn cho trẻ vì thuốc ngừa trước khi đưa ra thị trường đã có sự nghiên cứu về độ an toàn cho trẻ. Sau chích ngừa, trẻ hơi quấy khóc là điều tốt, vì lúc này cơ thể trẻ chuẩn bị sản xuất ra kháng thể chống lại bệnh. Kháng thể này sẽ duy trì trong tương lai, khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, trẻ sẽ không mắc bệnh.
Sau khi chích ngừa 3 trong 1, nếu muốn chích thêm thủy đậu thì chị phải chờ một tháng.
- Vợ tôi đang mang thai 15 tuần, hôm qua tôi thấy người cô ấy nổi những vết màu đỏ li ti khắp người, tôi cho vợ đi thử máu vì nghi sốt xuất huyết, kết quả ghi là hồng ban, nhưng tôi lại thấy sau 2 gáy vợ tôi bị sưng đau, tôi nghi bệnh rubella, và sợ ảnh hưởng đến thai. Xin bác sĩ cho lời khuyên.(Finance, 33 tuổi, TP HCM)
- BS Tuấn: Chào bạn! Nếu bạn nghi ngờ vợ mình đang mắc bệnh rubella, bạn có thể cho chị ấy đi xét nghiệm rubella để xem kết quả như thế nào. Sau khi có kết quả, các bác sĩ sẽ giải thích cụ thể vợ bạn có bị nhiễm rubella hay không và phải theo dõi thai nhi như thế nào.
- Tôi dự định có bầu vào cuối năm nay, đầu tháng 3 tôi có tới Viện Pasteur thử máu và chích ngừa rubella, nhưng khi xét nghiệm bác sĩ cho kết quả dương tính bảo là đã có kháng thể. Vậy đến lúc dự định mang thai tôi có cần phải đi thử máu và chích rubella lại không? Xin cảm ơn. (Nguyễn Thị Thanh Xuân, 33 tuổi, TP HCM)
- BS Tuấn: Bạn đã có kháng thể với rubella thì bạn đã được bảo vệ cho nên bạn hoàn toàn yên tâm mà không cần phải đi thử máu hay chích ngừa rubella lại.
- Kính gửi tòa soạn! Vợ tôi đang mang thai được 1 tháng, vì là giáo viên nên thường xuyên tiếp xúc với học sinh của mình. Vì đang sống trong vùng dịch rubella nên rất nhiều học sinh đang mang bệnh. Xin bác sĩ hay cho tôi lời khuyên tốt nhất để phòng tránh rubella. Tôi xin chân thành cảm ơn! (Nguyen Dang Hai Thien, 35 tuổi, Vũng Tàu)
- BS Khanh: Tốt nhất là vợ bạn nên tránh tiếp xúc trong vòng 3 tháng đầu khi mang thai. Ngoài ra, nên phát hiện sớm trẻ bị rubella trong lớp học và cho trẻ nghỉ học 5-7 ngày để tránh lây lan. Nên giữ khoảng cách ít nhất 1,5 m, mang khẩu trang khi tiếp xúc với người nghi mắc bệnh, thường xuyên rửa tay, nhất là nghi ngờ tay mình có tiếp xúc với những vật có thể có virus như: bàn ghế, đồ chơi của trẻ. Hiện nay, vợ bạn đang mang thai thì không thể chích ngừa rubella được. Nên nhớ rằng sau này khi chuẩn bị có thai lần nữa, vợ bạn sẽ phải chích ngừa rubella và thủy đậu.
![Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM. Ảnh: Thiên Chương](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2011/03/04/bskhanh4-1351674647.jpg?w=500&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FoDYRJWyaB7N7OrwrwwuNA)
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM. Ảnh: Thiên Chương
- Em hiện định cư ở Mỹ. Khi đi khám sức khỏe định kỳ, em có hỏi bác sĩ về chích ngừa trước khi có kế hoạch có baby, nhưng bác sĩ lại không khuyến khích (?) Vậy hiện giờ em đang dự định có con, và không muốn chích ngừa lúc này vì phải chờ sau 3 tháng nữa mới có con được. Như vậy có cách nào phòng bệnh rubella nếu như em có thai hay không (lúc nhỏ em đã bị bệnh quai bị rồi, nhưng không nhớ là đã bị sởi và thủy đậu hay chưa) (Nhi, 29 tuổi, Mỹ)
- BS Tuấn: Rất tiếc là chúng tôi không có kết quả khám sức khỏe của bạn nên không biết là bạn đã có xét nghiệm các bệnh như viêm gan siêu vi B, Rubella hay chưa nên không thể trả lời cụ thể được. Nếu bạn không muốn tiêm ngừa thì cách phòng bệnh cho bạn khi mang thai là hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh hoặc mang mầm bệnh, mang khẩu trang khi đến những nơi công cộng. Để có sức khỏe tốt phòng chống các loại bệnh này, bạn cũng cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung nhiều vitamin.
- Tôi hiện là giáo viên huyện miền núi. Vợ tôi dang mang thai , hiện ở tuần 17. Khoảng một tuần gần đây vợ tôi phát ban , do điều kiện đi lại khó khăn nên không thể đi xét nghiệm có đúng là Rubella hay không. Vợ tôi có triệu chứng phát ban từ sáng thức hai (28/02), sốt nhẹ và xuất hiện nốt đỏ toàn thân, (trừ lòng bàn chân , lòng bàn tay) , từ hai ngày nay có triệu chứng ngứa, đêm qua nổi hạch ở sau gáy và tai. Xin Bác sĩ tư vấn giúp : có ảnh hưởng đến thai nhi hay không và cách điều trị như thế nào . (Nguyễn Văn Thiện Quân, 32 tuổi, BT)
- BS Khanh: Vợ bạn mang thai 17 tuần nghĩa là trên 12 tuần, nên dù có mắc rubella thì khả năng ảnh hưởng tới thai rất thấp, không cần thiết phải điều trị gì. Tuy nhiên, khi vợ bạn khám thai, nếu được nên siêu âm, theo dõi thai nhi. Đa số các bà mẹ bị rubella vào tuần thứ 12 trở lại mới có những ảnh hưởng đến thai nhi.
- Kính thưa Bác Sĩ, Con tôi 19 tháng tuổi, đã thực hiện lịch tiêm chủng mở rộng, nay tôi muốn cho cháu đi tiêm phòng rubella và viêm não Nhật Bản có được không? Có muộn quá không? (Nguyễn Thị Bích Huệ, 29 tuổi, TP HCM)
- BS Tuấn: Viêm não Nhật Bản và rubella có thể tiêm ngừa cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Con của bạn đã 19 tháng tuổi hoàn toàn có thể tiêm ngừa được hai loại bệnh này. Việc tiêm ngừa để phòng bệnh thì không bao giờ muộn, bất cứ lúc nào có điều kiện chúng ta đều có thể thực hiện.
- Em mang thai tháng thứ 7. Lúc thai được 3 tháng xét nghiệm máu kết quả là: Rubella IgG: 222,1 UI/ml và Rubella IgM: 0,298COI. BS kết luận em bị nhiễm rubella, phải theo dõi các hiện tượng trong quá trình thai kỳ. Hiện tại em rất lo lắng. Với chỉ số như thế thì có ảnh hưởng gì đến bào thai? Khi em bé được sinh ra thì có bị nhiễm virut từ trong bụng mẹ hay không? Cách phòng ngừa cho em bé? Em bé có dễ bị mắc các bệnh sởi, thủy đậu hay rubella không? Sau khi sinh mẹ có thể làm gì để chữa trị khỏi virus này? (Hongct, 34 tuổi, TP HCM)
- BS Khanh: Với kết quả xét nghiệm này, Rubella IgG dương tính cao mà rubella IgM âm tính, có thể em đã mắc rubella từ lâu nên bây giờ còn tồn tại kháng thể phòng bệnh (IgG). Để chắc chắn, 1-2 tuần sau em nên làm lại xét nghiệm IgG để so sánh. Nếu IgG không tăng hơn lần trước thì hiện tại em không mắc rubella. Nếu xét nghiệm lần 2 cho thấy em không mắc rubella thì thai nhi không bị ảnh hưởng.
Khi em bé sinh ra, em nên có kế hoạch chủng ngừa theo hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa mới bảo vệ bé tránh những bệnh có vacxin phòng ngừa.
- Thưa bác sĩ, hai bé nhà em, một 10 tuổi và một 12 tuổi, sau Tết âm lịch đều bị sốt nhẹ một ngày và phát ban khắp toàn thân. Sau đó một tuần thì các nốt ban bay gần hết. Vậy xin bác sĩ cho biết các cháu có bị biến chứng gì về sau không có phải tiêm phòng nữa không ạ? (Nguyễn Lâm Quỳnh Hương, 32 tuổi, Hà Nội)
- BS Khanh: Nếu hiện nay trẻ bình thường thì không còn biến chứng, nhưng việc tiêm phòng vẫn nên thực hiện vì với triệu chứng này không chắc là trẻ bị rubella.
- Em gái tôi dự tính sinh từ 04/3-:-14/3/2011 nhưng hiện đang bị nhiễm rubella, hiện em tôi không sốt, không thấy mệt mỏi mà chỉ phát ban khắp người, vậy tôi xin hỏi một số ý như sau: - Có phải nhập viện không? - Có ảnh hưởng đến cháu bé không? - Chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc như thế nào? Rất mong các bác sĩ sớm trả lời câu hỏi của tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn (Hoale, 31 tuổi, TP HCM)
- BS Khanh: Hiện nay, thai đã lớn, gần sinh nên rubella sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi. Nên cho mẹ nghỉ ngơi, uống nhiều nước, nếu không quá mệt mỏi hay ho, khó thở thì em gái bạn không cần nhập viện. Bệnh sẽ ổn định sau một tuần khởi phát, nên em gái bạn không cần phải lo lắng.
- Trước đây em chưa bị thủy đậu và hình như cũng chưa chích ngừa. Sau đó có người nhà bị thủy đậu, em sợ bị lây nên đi chích ngừa - lúc này em khoảng 24 tuổi. Các bác sĩ nói nếu đang gần người bệnh thì có thể virus đã vào cơ thể nhưng chưa phát bệnh. Chích ngừa không chắc chắn sau này tránh được bệnh. Việc chích ngừa như vậy có đảm bảo không, hay phải làm xét nghiệm để biết. Có phải ai trong đởi cũng bị 1 lần không? (Hồng Thắm, 27 tuổi, TP HCM)
- BS Tuấn: Trước khi phát bệnh khoảng 3 - 4 ngày, người bệnh thủy đậu đã có thể lây lan cho người khác. Do đó nếu người nhà bạn bị bệnh thì bạn cũng có thể đã bị lây bệnh. Tuy nhiên trong những trường hợp như thế này thì người nghi ngờ mang mầm bệnh cần phải đi tiêm ngừa càng sớm càng tốt vì nếu chưa có mầm bệnh thì vắc xin sẽ kịp có tác dụng bảo vệ. Trong trường hợp đã bị lây mà chưa có biểu hiện bệnh thì sau khi được tiêm vắc xin dù bệnh có phát thì cũng nhẹ hơn. Thông thường mỗi người có thể bị mắc bệnh thủy đậu chỉ một lần trong đời, nhưng nếu được tiêm ngừa thì chúng ta hoàn toàn không bị bệnh này.
![Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Trưởng phòng khám và tiêm ngừa Viện Pasteur TP HCM. Ảnh: Thiên Chương](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2011/03/04/bstuan5-1351674647.jpg?w=500&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MW1H1YbzWt9mtXVPioZujQ)
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Trưởng phòng khám và tiêm ngừa Viện Pasteur TP HCM. Ảnh: Thiên Chương
- Từ nhỏ đến lớn em chưa bị bệnh (trái rạ), em rất sợ vì da em rất độc. Em sợ nếu xui bị nổi thì sẽ không đi đứng làm việc bình thường và để lại vết thẹo rất lớn. Vậy bây giờ em đi chích ngừa để không bị nổi đúng không BS. Nếu bị bệnh đó em phải làm thế nào để cho mau hết và ít sẹo. Em nghe nói lấy gốc rạ tắm sẽ mau hết có đúng hay không? Xin BS cho em lời khuyên. Em cảm ơn rất nhiều (Nguyễn Thùy, 21 tuổi, Hà Nội)
- BS Khanh: Chích ngừa trái rạ là nên làm, vì đây là phương pháp phòng ngừa chủ động, còn các phương pháp khác như: cách ly, không tiếp xúc với người mắc bệnh, đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi thì lúc nào đó cũng sẽ phải tiếp xúc với virus thủy đậu. Những người có da nhạy cảm, dễ nhiễm trùng và dễ để lại sẹo thì càng phải chích ngừa thủy đậu. Chính vì vậy, em nên đi chích ngừa ngay.
Khi mắc bệnh, muốn tránh để lại sẹo thì phải biết chăm sóc nốt rạ, cần phải vệ sinh thường xuyên, không kiêng tắm. Nếu nốt rạ không nhiễm trùng sẽ không để lại sẹo trên da. Gốc rạ không có tác dụng chữa bệnh hay ngừa sẹo, chỉ cần tắm xà bông như bình thường là được. Khi nghi ngờ nốt rạ nhiễm trùng (đỏ, có mủ bên trong, lan rộng ra vùng da xung quanh) thì nên đến bác sĩ để cho chỉ định dùng kháng sinh, giảm khả năng thành sẹo.
- Em sinh cháu trai được 5 tháng tròn, đã tiêm phòng 4 mũi (một mũi lao và 3 mũi tổng hợp trong 3 tháng tiếp theo đó) theo chương trình tiêm phòng quốc gia. Vậy để phòng bệnh sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, em có cần phải tiêm phòng nữa không? Nếu có phải tiêm ở đâu. Em ở TP Vinh, Nghe An ah. (Kim Chi, 30 tuổi, Nghệ An)
- BS Tuấn: Hiện nay các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng không có ngừa các bệnh quai bị, rubella và thủy đậu. Để phòng ngừa các bệnh trên, cháu bé cần phải được tiêm ngừa và lứa tuổi bắt đầu để tiêm là từ 12 tháng tuổi trở lên. Bạn có thể đưa cháu đi tiêm ngừa các loại bệnh này tại các trung tâm y tế dự phòng tỉnh, trung tâm y tế dự phòng các quận huyện hoặc các điểm tiêm ngừa dịch vụ khác.
- Bác sĩ cho em hỏi. Năm 26 tuổi em bị quai bị, từ ngày đó em thấy hai bi của em một viên to, viên nhỏ. Cho em hỏi có bị ảnh hưởng gì sau này không, em xin cảm ơn. (Võ Văn Thi, 28 tuổi, 36/52/1 đường d2, p25, q bình thạnh)
- BS Khanh: Người bình thường cũng viên to viên nhỏ. Nếu lúc em bị quai bị mà không bị sưng đỏ vùng bìu thì chắc chắc em không bị biến chứng viêm tinh hoàn nên không ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Nếu em bị sưng đau đỏ vùng bìu một bên thì chỉ bị viêm tinh hoàn một bên. Nếu viêm tinh hoàn một bên cũng không ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.
- Con tôi sau khi tiêm phòng thủy đậu (13 tháng) được khoảng 5 tiếng thì bị nôn ói và bắt đầu bỏ ăn. 2 ngày sau cháu bị sốt cao (khoảng 39,5 độ ), qua 2 ngày nữa thì cháu bắt đầu trổ ban đỏ. Xin 2 BS cho tôi biết có phải cháu bị sởi không? (cháu nhà tôi đã được tiêm phòng sởi từ tháng thứ 9) (Nguyễn Đỗ Quyên, 29 tuổi, 52 Lê Văn Quới - Phường Bình Hưng Hòa A -Quận Bình Tân)
- BS Tuấn: Rất tiếc chúng tôi không trực tiếp khám cho bé nên không thể trả lời cụ thể được. Các triệu chứng bạn nêu trên có thể là biểu hiện của bệnh sởi hoặc một bệnh lý nào khác. Trong trường hợp này bạn nên đưa cháu đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và có kết luận chính xác.
- Chào bác sĩ, em được biết là bệnh thủy đậu đang là dịch ở TP HCM. Bác sĩ có thể cho biết làm cách nào để phòng ngừa bệnh thủy đậu? Và nếu mắc thì phải chăm sóc và điều trị như thế nào? (Caro, 20 tuổi, TP HCM)
- BS Khanh: Bệnh thủy đậu đang vào mùa và năm nào cũng vậy, đến mùa này số người mắc thủy đậu nhiều hơn, khả năng lây lan cao hơn. Để phòng ngừa thủy đậu, em nên chủng ngừa đúng theo lịch. Việc chăm sóc và điều trị khi mắc bệnh, em có thể tham khảo ở những câu trả lời trước đó.
- Cách đây 2 ngày em có vô tình đứng gần một người bị bệnh thủy đậu (chấm thuốc tím xung quanh). Em giờ muốn đi chích ngừa bệnh này nhưng không biết đã bị lây bệnh chưa? Và nếu tiêm phòng bây giờ thì thuốc có tác dụng nữa không? Cám ơn bác sĩ. (Phạm Minh Hoàng, 22 tuổi, Q3)
- BS Tuấn: Như tôi đã trả lời ở câu hỏi trên, trong trường hợp này nếu bạn chưa từng mắc bệnh thủy đậu hoặc chưa được tiêm ngừa thì bạn nên đi tiêm càng sớm càng tốt.
- Tôi xin hỏi: tôi nay năm nay 24 tuổi, tôi vừa bị rubella khoảng 1 tuần truớc, hiện nay tôi đã khỏi rồi nhưng không hiểu sao tai trái tôi lại bị ù và vang khoảng 4 ngày nay rồi (sau khi bị rubela 1 tuần), bác sĩ cho tôi hỏi đây có phải triệu chứng sau khi bị bệnh rubella không? Và cách chữa trị thế nào! Tôi xin cám ơn bác sĩ. (Phạm Văn Quân, 24 tuổi, 360 Phố Huế, Hà Nội)
- BS Tuấn: Thông thường rubella là căn bệnh lành tính và tự giới hạn, tuy nhiên đôi khi bệnh cũng có thể để lại một vài biến chứng như bạn mô tả ở trên. Trường hợp của bạn nên đi khám để các bác sĩ có chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị thích hợp.
- Xin chào Bác sĩ, Xin cho em hỏi em bé bao nhiêu tháng thì có thể chích ngừa các loại bệnh trên, và phản ứng của trẻ như thế nào sau khi chích ngừa, cách chăm sóc trẻ sau khi chích ngừa, chích một liều duy nhất? Hiện giờ trẻ hay bị dị ứng khi chích ngừa nên em không muốn cho con đi chích ngừa, vậy nếu không đi chích ngừa thì cách phòng bệnh cho trẻ như thế nào, con em đang đi nhà trẻ. Xin cám ơn bác sĩ và tòa soạn rất nhiều. Nguyễn thị lan (Nguyễn Thị Lan, 24 tuổi, TP HCM)
- BS Khanh: Ngay từ lúc trẻ mới sinh ra đã phải chích ngừa, từ 2 tháng trở đi sẽ có từng đợt chích ngừa (vì có nhiều loại bệnh có vacxin phòng ngừa). Hiện nay đã có một số vacxin phối hợp phòng ngừa nhiều bệnh và giảm mũi chích. Việc có trẻ bị dị ứng khi chích ngừa là đúng, nhưng tỷ lệ rất thấp. Hiện đã có những quy định, hướng dẫn để bảo đảm an toàn cho trẻ khi chích ngừa. Em không nên có suy nghĩ không chích ngừa cho bé vì như vậy rất nguy hiểm. Càng lớn, bé càng tiếp xúc với nhiều người thì khả năng tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh sẽ nhiều hơn, nhất là các bệnh có điều chế vacxin là những bệnh rất nguy hiểm.
- Xin bác sĩ cho biết cách phòng ngừa thủy đậu, sởi, rubella cho phụ nữ đang mang thai và sắp mang thai. Tôi đã kiểm tra ở Pasteur vào tháng 4/2010 và biết mình có kháng thể rubella. Vậy nếu tôi có ý định mang thai trong năm 2011, tôi có cần đi kiểm tra lại không? Hong Hai (Hong Hai, 28 tuổi, TP HCM)
- BS Khanh: Đang mang thai, nhất là 3 tháng đầu, muốn phòng 3 bệnh này chỉ có cách tránh tiếp xúc với người mắc bệnh, không nên đến chỗ đông người khi không cần thiết và thường xuyên mang khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, vệ sinh, rửa tay thường xuyên. Lúc mang thai không thể chích ngừa, còn nếu có dự định mang thai, bạn nên tiêm ngừa trước đó một tháng. Nếu bạn đã có kháng thể kháng rubella thì không cần xét nghiệm máu lại. Bạn có thể chích thêm một mũi vacxin rubella nếu nồng độ kháng thể lần trước thấp.
- Thưa Bác sĩ, con trai cháu năm nay 9 tuổi, chiều qua đi học về cháu phát hiện có nhiều mụn đỏ mọc khắp người ở bụng, lưng, mặt và chân tay. Họng bị đau và có mụn mọc bên trong miệng. Trước đây cháu đã tiêm phòng sởi - quai bị - rubella khi được 9 tháng tuổi rồi. Vậy hiện tượng trên có phải là do sởi không ạ, cháu đã tiêm phòng rồi sao lại còn mắc bệnh nữa ạ? Xin bác sĩ cho biết cách phòng chống và chữa trị cho cháu. Cám ơn bác sĩ! (Dinh Hong Nhan, 31 tuổi, 57 Hang Chuoi, Hai Ba Trung, Ha noi)
- BS Tuấn: Để phòng ngừa hiệu quả các bệnh sởi, quai bị, rubella thì sau khi tiêm mũi vắc xin đầu tiên (lúc trẻ 12 tháng tuổi), trẻ cần phải được tiêm nhắc lại liều thứ hai lúc trẻ từ 4 đến 6 tuổi. Trường hợp trên, chị nên đưa cháu đến các cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán chính xác và điều trị.
![Bác sĩ Khanh:](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2011/03/04/bskhanh5-1351674647.jpg?w=500&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jVeMYyi4Q0r4wkH5F-v-MQ)
Bác sĩ Khanh: "Các bà mẹ, phụ nữ đến tuổi sinh sản nên chủ động tiêm ngừa vacxin phòng các loại bệnh trên ít nhất là một tháng trước khi mang thai. Điều này có vẻ dễ thực hiện nhưng đa số phụ nữ và gia đình các bé gái đều không chú ý". Ảnh: Thiên Chương
- Trước tình hình dịch đang bùng phát như hiện nay, phụ nữ đang mang thai chưa đến 12 tuần đã cần thiết nên ở nhà, không đi làm để tránh dịch chưa? Vì ở công ty có một số người đã phát bệnh rubella, mà những phụ nữ này chưa được tiêm phòng vacxin, vậy ngoài việc ăn cam chanh tăng cường vitamin, rửa tay xà phòng diệt khuẩn... Thì liệu đã phòng tránh được bao nhiêu %. Tóm lại, tình hình đã đủ mức nghiêm trọng để những phụ nữ mang thai cách ly và nên ở nhà chưa? Xin cám ơn. (Vũ Thị Thùy Trang, 27 tuổi, Thanh Xuân)
- BS Khanh: Việc nghỉ ở nhà để phòng bệnh trong khi mang thai chưa đến 12 tuần là cần thiết, nhưng nó còn phụ thuộc vào nơi bạn làm việc có người mắc bệnh hay không. Nếu trong công ty bạn có nhiều người mắc rubella thì bạn nên ở nhà, chờ qua đợt dịch hãy đi làm. Ngoài việc chích ngừa, những biện pháp như bạn nói: rửa tay, vệ sinh... cũng góp phần phòng ngừa bệnh.
- Em chào các bác sĩ. Em muốn hỏi một chút em mới tiêm thủy đậu, sởi, và rubella, để chuẩn bị có em bé đầu lòng, em tiêm tại phòng tiêm chủng các bác sĩ có tư vấn phải sau 3 tháng mới được có em bé - Vậy nếu "chẳng may" em có em bé trước thời gian đấy thì có ảnh hưởng gì tới sức khỏe của em bé không ạ. (Nguyen Lan Hien, 27 tuổi, Hà Nôị)
- BS Tuấn: Theo những khuyến cáo trước đây, người phụ nữ chuẩn bị mang thai cần thiết phải được tiêm các loại vắc xin này trước khi mang thai 3 tháng. Tuy nhiên theo những khuyến cáo mới nhất, bạn chỉ cần tiêm trước khi mang thai 1 tháng là được. Trường hợp lỡ mang thai trong vòng 1 tháng sau khi tiêm, bạn cần phải được sự tư vấn của bác sĩ về những ảnh hưởng đến thai nhi cũng như việc theo dõi thai nhi như thế nào.
- Kính gửi Bác sĩ! Hiện đang có dịch sởi, rubella, thủy đậu. Em đang mang thai tuần thứ 9 làm thế nào để phòng tránh lây nhiễm bệnh, làm thế nào để tăng cường sức đề kháng, khi nghén em ăn không được nhiều Cảm ơn Bác sĩ (Nguyễn Thị Đào, 31 tuổi, Hà Nội)
- BS Khanh: Nhìn chung, phụ nữ đến tuổi sinh sản, trước khi lập gia đình hay trước khi mang thai nên có chuẩn bị phòng ngừa các bệnh ảnh hưởng tới thai nhi bằng cách tiêm ngừa vacxin, trong đó có 2 bệnh cần chú ý là rubella và thủy đậu. Nếu đã mang thai thì không thể chích ngừa 2 vacxin này. Khi mang thai 12 tuần đầu, nếu mắc 2 bệnh trên sẽ có ảnh hưởng đến thai nhi. Còn sau 12 tuần thì khả năng ảnh hưởng đến thai nhi rất ít. Do vậy, nếu chưa thể chích ngừa mà đã mang thai thì phải phòng ngừa một cách thụ động, nhất là trong 12 tuần đầu: bảo đảm vệ sinh (nhất là rửa tay), không nên đến chỗ đông người (nhất là những tháng có dịch, tháng 12 tới tháng 6 hàng năm), mang khẩu trang khi ra đường, nếu nghi ngờ nơi nào có người bệnh thì không nên đến đó.
- Bác sĩ cho em hỏi, từ nhỏ tới giờ em bé đi chích ngừa về không có nóng sốt hay quấy khóc vậy thuốc có tác dụng không ạ, em nghe y tá bệnh viện (Đại học Y Dược- Hoàng Văn Thụ) nói do thuốc nhập khẩu và là dạng mô cầu nên vậy, mong bác sĩ trả lời giúp em, bé được 2 tuổi ạ. (Huỳnh Phương Linh, 25 tuổi, TP HCM)
- BS Tuấn: Tất cả các loại vắc xin đều có thể gây ra những tác dụng phụ như: nóng sốt, sưng đau chỗ chích... Việc có hay không những biểu hiện này và mức độ nhiều hay ít là tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Khi vắc xin đi vào cơ thể sẽ phát huy tác dụng mà không nhất thiết phải có hay không những tác dụng phụ trên, vì thế ở đây bạn hoàn toàn có thể yên tâm.
- Bác sĩ cho tôi hỏi: 1. Hiện con tôi 8 tuổi, đang lên thủy đậu sang ngày thứ 5, ngày đầu cháu có sốt nhẹ dưới 38 độ, sau đó giảm dần đến ngày thứ 4 thì các vết phồng rộp cơ bản khô đóng vẩy, nhưng có khoảng gần chục vết phồng không xẹp mà đỏ quanh vùng. Tôi đã dùng thuốc cho cháu: - Tắm lá đông y ngày 1 lần - Bôi xanh ty len - Kiêng gió, nước lạnh, ăn kiêng các chất tanh 2. Cháu lớn 15 tuổi, đã lên thủy đậu lúc 8 tuổi thì có nguy cơ lây nhiễm không? Xin cảm ơn bác sĩ (Anh Vũ, 46 tuổi, Tỉnh Quảng Ninh)
- BS Khanh: Theo mô tả của bạn, vết rạ đã bị nhiễm trùng. Do đó, con bạn phải uống kháng sinh để giảm nhiễm trùng. Vì nếu nhiễm trùng nặng hơn sẽ gây nhiễm trùng máu và khả năng để lại sẹo tại nốt rạ sẽ nhiều hơn. Bạn không nên kiêng gió, nước vì làm như vậy con bạn sẽ cảm thấy ngứa và gãi khiến nốt rạ dễ nhiễm trùng hơn. Bạn nên tắm rửa cho con như trước lúc bệnh, nếu làm như vậy thì khả năng nhiễm trùng nốt rạ sẽ ít hơn.
Việc kiêng ăn chất tanh chỉ đúng nếu trước khi mắc bệnh trẻ ăn những chất này có bị dị ứng, còn nếu trước đây trẻ ăn chất tanh mà không dị ứng thì không nên kiêng.
Cháu lớn của bạn đã bị thủy đậu rồi thì không sợ bị thủy đậu lần nữa.
- Khi mang thai vợ tôi đã tiêm phòng rubella. Xin hỏi nay con tôi 14 tháng tuổi có thể tiêm mũi 3 trong 1 (sởi, quai bị, rubella) được không? (Nguyễn Xuân Đô, 31 tuổi, Tân Thới Hiệp, Q.12)
- BS Tuấn: Kháng thể rubella trong cơ thể của người mẹ có thể sẽ truyền cho con và bảo vệ trẻ trong khoảng 9 tháng đầu đời, sau đó lượng kháng thể này sẽ mất đi và không còn tác dụng bảo vệ cơ thể trẻ nữa. Con bạn 14 tháng tuổi thì có thể đi tiêm ngừa các bệnh này được.
- Tháng 1/2011 tôi có chích ngừa MMR loại thuốc PRIORIX ở viện Pasteur. Vậy sau 1 tháng rưỡi tôi có thai được không ạ? Tôi có đọc thông tin của nhà sản xuất là tránh có thai trong vòng 1 tháng sau khi chích, còn bác sĩ VN thì khuyên là sau 3 tháng mới được có thai. Vậy sau 1 tháng rưỡi chích ngừa tôi có thai thì có ảnh hưởng gì không? Cám ơn bác sĩ. (Lê Quyên, 30 tuổi, Bình Dương)
- BS Khanh: Lời khuyên thường thấy là sau khi chích ngừa 1-3 tháng không nên mang thai. Tuy nhiên, đa số các chuyên gia cho rằng sau khi chích ngừa một tháng đã đủ an toàn cho thay nhi. Do vậy, bạn có thể mang thai sau 1,5 tháng chích ngừa.
- Chào bác sĩ ! Bác sĩ cho hỏi, tôi chưa tiêm phòng rubble khi mang thai. Hiện giờ tôi đang mang thai tuần thứ 14, vậy xin bác sĩ cho biết về xét nghiệm xem mình có kháng thể phòng bệnh rubella chưa. Kháng thể này do cơ thể tự có hay mình có thể mua thuốc về uống. Xin bác sĩ giải đáp. Cảm ơn bác sĩ (Phạm Thu Hiền, 26 tuổi, 174 Khâm Thiên)
- BS Tuấn: Kháng thể rubella chỉ có thể có được sau khi chúng ta mắc bệnh và đã hồi phục hoặc do tiêm ngừa. Vì thế nếu muốn biết có kháng thể chưa, bạn nên đi xét nghiệm xem kết quả như thế nào.
![]() |
Bác sĩ Tuấn: "Khi dịch bệnh xảy ra mới đổ xô đi tiêm ngừa thì việc tiêm phòng đôi khi mang lại hiệu quả thấp và vô tình gây ra tình trạng quá tải, khan hiếm vacxin giả tạo. Hãy chủ động tiêm ngừa, đừng để các bệnh lý trên trở thành nỗi lo lắng cho mỗi gia đình". Ảnh: Thiên Chương |
- Em đọc phỏng vấn trực tuyến thấy bác sĩ trả lời khi mang thai trên 12 tuần thì thai nhi sẽ không bị ảnh hưởng gì nếu mẹ bị mắc bệnh rubella. Tuy nhiên, chị bạn của em mang thai trên 4 tháng và bị mắc bệnh rubella nhưng các bác sĩ đã chỉ định bỏ thai cách đây 2 ngày. Vậy cho em hỏi có trường hợp ngọai lệ hay không? Đó là những trường hợp như thế nào ? (Linh Nguyễn, 33 tuổi, TP HCM)
- BS Khanh: Nhiều nghiên cứu cho thấy, sau 12 tuần thì tỷ lệ phụ nữ mang thai bị rubella ảnh hưởng đến thai nhi rất thấp. Tuy nhiên, để xác định chính xác có thai bao nhiêu tuần cũng không phải dễ. Việc khuyên bỏ thai lúc 16 tuần (4 tháng) còn phụ thuộc vào xác định tuổi thai, mức độ bệnh, siêu âm theo dõi thai nhi. Từ đó, các bác sĩ mới đưa ra quyết định cuối cùng.
- Thưa bác sĩ tôi muốn hỏi: Trước khi mang thai tôi muốn đi tiêm các loại vacxin trên, nhưng hiện nay do chưa biết mình đã từng tiêm loại gì vậy tôi cần phải đi khám. Tôi muốn biết cụ thể mình cần phải khám những gì để biết được mình cần tiêm loại nào? Trân trọng cảm ơn bác sĩ! (Mai Lan, 26 tuổi, Hà Nội)
- BS Khanh: Bạn không cần phải khám để quyết định chích ngừa hay không. Nếu bạn chắc chắn đã từng mắc bệnh thủy đậu và rubella thì không cần phải chích ngừa nữa. Nếu chưa mắc thủy đậu thì nên đi tiêm ngừa. Còn bệnh rubella thì rất khó rất định bạn đã từng bị mắc bệnh này hay chưa. Bởi một số dấu hiệu của rubella khá giống với các bệnh phát ban khác. Chính vì vậy, bạn nên tiêm ngừa rubella cho chắc.
- Làm ơn cho tôi hỏi bé con nhà tôi bị thủy đậu ngày hôm nay là thứ 4 rồi... Xin hỏi bác sĩ về ăn uống hay sinh hoạt phải kiêng cữ những gì, và uống thuốc gì để mau lành bệnh... Những nốt phỏng nổi lên rất lâu xẹp thì phải làm sao? (Trần Thị Huệ, 36 tuổi, 207 lưu chí hiếu, Vũng Tàu)
- BS Tuấn: Bạn nên đưa cháu đến cơ sở y tế khám để được các bác sĩ tư vấn và điều trị cụ thể. Đối với người bị thủy đậu cần ở trong phòng thoáng và hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh để tránh lây lan, đồng thời phải giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ (tắm rửa bình thường). Bạn cần lưu ý không nên làm vỡ nốt rạ. Trong chế độ ăn uống, không nhất thiết phải kiêng cữ quá nhiều mà chỉ cần hạn chế thực phẩm dễ gây dị ứng da. Bạn cần cho cháu ăn những loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, có nhiều vitamin.
- Thưa các bác sĩ! Em có chị dâu đang bị bệnh quai bị, em được biết quai bị có thể là nguyên nhân của bệnh vô sinh, hiện tại chị em 24 tuổi bị quai bị, đã có uống thuốc và quai bị cũng giảm được phần nào. Nhưng em muốn hỏi để tránh vô sinh cũng như các bệnh khác do quai bị gây nên phải làm thế nào? (Đào Thị Qui, 22 tuổi, 18a.Nguyễn Kim q5)
- BS Tuấn: Biến chứng gây vô sinh của bệnh quai bị chỉ xuất hiện ở nam giới, còn ở nữ thì hoàn toàn không có.
- Chào Bác Sĩ; cho em hỏi một chút là: Con em cháu được 7 tháng tuổi đã bị thủy đậu cách đây 2 tuần. Em đã cho ra Viện nhi khám và uống thuốc theo bác sĩ kê. Về nhà cháu uống thuốc kết hợp với tắm là chè xanh thì thấy cháu đã dỡ và các nốt đã siu dần. Nhưng sau khi không dùng thuốc nữa thì mấy hôm nay em thấy cháu nổi những nốt như muỗi cắn (sưng và đỏ sung quanh không nổi phồng mụn nước như thủy đậu) Vậy bác sĩ cho em biết có phải cháu bị dị ứng với thuốc không ạ. Em cảm ơn bác sĩ. (Nguyễn Phú Khánh, 26 tuổi, Từ Liêm Hà Nội)
- BS Khanh: Đa số người bệnh thủy đậu sau 2 tuần dù có uống thuốc hay không thì nốt rạ sẽ không nổi lên nữa, vì bệnh sẽ khỏi sau 2 tuần. Những nốt đỏ mới nổi lên có khả năng là do nhiễm trùng da hoặc do trẻ có cảm giác ngứa nên gãi và gây những vết sần như thế. Muốn chắc chắn có bị dị ứng thuốc hay không, bạn cần đưa trẻ đi khám bác sĩ. Tuy nhiên, theo tôi bạn nên vệ sinh cho bé sạch sẽ, đừng trùm kín gây đổ mồ hôi ẩm ướt những vùng có nốt đỏ.
- Tôi vừa mắc bệnh rubella hôm mùng 5 tết, như vậy tôi có được miễn nhiễm với bệnh này chưa, nếu muốn mang thai thì khoảng bao lâu sau là được? Cám ơn Bác sĩ. (Cúc, 26 tuổi, Tân Bình)
- BS Tuấn: Nếu bạn chắc chắn đã bị nhiễm rubella thì bạn đã được miễn nhiễm với bệnh này. Để biết cơ thể đã có kháng thể rubella chưa, bạn nên đến cơ sở y tế để được làm xét nghiệm kiểm tra. Trong trường hợp muốn mang thai thì chỉ cần một tháng sau khi khỏi bệnh là bạn có thể mang thai được.
- Con em được 19 tháng, ngày 23/2 có lịch hẹn chích mũi thứ 3 viêm màng não mủ Hip, tuy nhiên em đã cho bé chích thủy đậu do bệnh đang vào mùa và hẹn 23/4 đến chích mũi thứ 2 thuỷ đậu và 23/3 đến chích mũi 3 của viêm màng não mủ. Vậy cho em hỏi, ngày 23/3 em chích sởi quai bị rubella và đến ngày 23/5 chích mũi 3 của VMNM có ảnh hưởng gì không ạ? Bé hiện đã chích 2 mũi sởi lúc 9 tháng và tại địa phương, liệu chích thêm mũi sởi - quai bị - rubella có làm sao không bác sĩ? (Thiên, 28 tuổi, Vũng Tàu)
- BS Tuấn: Trong mô tả của bạn ở trên, bé hoàn toàn có thể tiêm ngừa các bệnh trên theo như lịch hẹn mà không ảnh hưởng gì. Trường hợp bé đã được tiêm ngừa đủ vắc xin sởi vẫn có thể tiêm vắc xin sởi - quai bị - rubella mà không ảnh hưởng gì.
- Bác sĩ cho em hỏi, em vừa sinh bé được 10 ngày, hiện nay em đang bị thủy đậu nổi khắp người. Bác sĩ có thể tư vấn cho em cách điều trị hợp lý khi em đang trong thời gian cho con bú được không ạ. Xin cám ơn bác sĩ. (Hồng Nhung, 26 tuổi, Hà nội)
- BS Khanh: Điều quan trọng nhất là bạn có thể lây thủy đậu cho bé qua tiếp xúc, qua những nốt rạ của bạn. Bạn vẫn có thể cho bé bú sữa mẹ, nhưng tốt nhất bạn nên vắt sữa ra bình và cho bé bú. Bạn cần chú ý mang khẩu trang thường xuyên, đừng để phát tán virus ra xung quanh, rửa tay trước khi tiếp xúc hay khi chuẩn bị pha sữa cho bé. Theo dõi sát trẻ, nếu thấy trẻ có nổi bóng nước thì đưa đến bác sĩ ngay, vì nếu trẻ nhỏ mà mắc thủy đậu lây từ mẹ thì dễ có những triệu chứng nặng.
- Con trai tôi sinh ra tại Australia. Cháu đã thực hiện tiêm phòng đúng theo lịch của Australia: bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan B, Hib 1 (Infanrix Hexa) vào các lúc 2 tháng, 4 tháng, 6 tháng, 12 tháng tuổi - Sởi, quai bị, rubella lúc 12 tháng tuổi. Cháu về Việt Nam khi 13 tháng tuổi. Nay cháu đã 40 tháng tuổi. Xin bác sĩ tư vấn, cháu cần tiêm phòng thêm những loại vắc xin ngừa bệnh gì và như thế nào? (Nguyễn Phương Anh, 31 tuổi, Hà Nội)
- BS Tuấn: Ngoài những bệnh kể trên, hiện tại bé cần phải được tiêm ngừa: thủy đậu, viêm não Nhật Bản, viêm màng não mủ do mô cầu, phế cầu, cúm... và tiêm nhắc lại mũi sởi - quai bị - rubella. Bạn nên đưa trẻ đến các cơ sở tiêm ngừa để được tư vấn thêm. Khi đi cần mang theo phiếu tiêm ngừa các loại vắc xin trước đây của bé để bác sĩ có cơ sở tư vấn chính xác.
- BS xin cho hỏi, tôi có con gái 29 tháng tuổi. Vì mỗi lần chích ngừa về là bé bị ói, tiêu chảy suốt mấy tuần liền, có lần phải nhập viện tới 11 ngày nhất là chích mũi sởi, quai bị nên tôi không dám cho bé đi chích ngừa nữa. Xin hỏi các mũi chích của bé lớn lên có phải đi chích lại hay không? Và nếu chích rồi thì có nguy cơ bị nhiễm bệnh hay không? Nếu có thì trong trường hợp nào? Xin cảm ơn. (Lê Thị Kim Nga, 30 tuổi, 1305/9 Phạm Thế Hiển F5, Q8)
- BS Khanh: Thuốc chích ngừa thông thường chỉ có tác dụng không mong muốn là đau nơi chích và sốt nhẹ, chứ không có tác dụng phụ là nôn ói và tiêu chảy. Trường hợp của con bạn có thể là do trùng hợp. Theo tôi, bạn đừng vì lý do này mà không chích ngừa cho bé hay chờ khi bé lớn lên mới chích vì như vậy sẽ nguy hiểm. Bạn có thể chờ cho bé lớn mới chích ngừa, nếu như bạn có thể chăm sóc tốt trẻ, ngừa bệnh cho trẻ bằng những biện pháp như: giữ vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc với chỗ đông người (nhất là vào mùa bệnh).
- Thưa bác sĩ, dịp Tết vừa rồi em có về Hà Nội ăn Tết. Khi vô lại trong này em bị sốt và ho khoảng 1 tuần. Hiện em có bầu 2 tháng. Bác sĩ cho em làm xét nghiệm rubella, khi em lấy kết quả thì không bị mắc rubella. Và bác sĩ cho em uống Panadol Vtm c mỗi ngày 2 viên và uống trong 3 ngày, Obimin ngày 1 viên. Sau đó thì em không thấy sốt nữa. Cơ thể em hơi ốm hiện tại em 41 ký, thi thoảng chảy máu cam. Xin hỏi bác sĩ em nên làm gì để phòng bệnh rubella? (Nguyễn Thị Quỳnh Trang, 26 tuổi, Lê Văn Khương, Thới An, Q12, tp HCM)
- BS Khanh: Nếu đã làm xét nghiệm rubella và cho kết quả không mắc bệnh thì bạn không cần phải lo lắng. Hiện nay, bạn nên đi khám thai định kỳ, thực hiện đúng lời khuyên của bác sĩ sản khoa. Bạn nên chích ngừa uốn ván để phòng uốn ván cho con.
- Đang cho con bú mà bị rubella thì ảnh hưởng gì đến cháu bé không ạ? Cách phòng tránh thế nào? (Hoàng Yến, 29 tuổi, Hà Nội)
- BS Tuấn: Rubella là bệnh lây qua đường hô hấp. Do đó người mẹ đang cho con bú mà bị bệnh rubella thì có thể truyền sang con. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng lên em bé ít và không gây nguy hiểm. Để hạn chế lây bệnh, người mẹ cần mang khẩu trang trong suốt thời gian bị bệnh và từ 3 đến 5 ngày sau khi khỏi bệnh.
- Thưa bác sĩ, cháu bé nhà tôi được 27 tháng tuổi, tôi định mai cho cháu đi chích ngừa thủy đậu nhưng mấy ngày gần đây cháu húng hắng ho vào ban đêm (ban ngày không ho), xin hỏi bác sĩ như vậy cháu có thể chích ngừa thủy đậu được hay không? Cám ơn bác sĩ. (Trần Hương Ly, 29 tuổi, 15/43/122 Đình Đông, Hải Phòng.)
- BS Khanh: Ho húng hắng vài tiếng vẫn có thể chích ngừa thủy đậu được. Hiện nay, đa số các cơ sở chích ngừa đều có đánh giá trẻ có đủ điều kiện chích ngừa hay không.
- 1. Xin hai bác sĩ tư vấn cho các mũi tiêm phòng cần thực hiện cho phụ nữ trước khi mang thai. Tôi có tìm kiếm trên mạng và tới cả phòng tiêm chủng SAPRO tại Hà Nội nhưng vẫn chưa được tư vấn đầy đủ. 2. Tôi có người bạn đã mang thai đến tháng thứ 5 nhưng chưa tiêm phòng bất cứ loại bệnh gì, xin hai bác sĩ cho biết trường hợp này có thể thực hiện các mũi tiêm phòng nào? Xin chân thành cảm ơn. Dư Trí Tuấn Công ty chống thấm Hưng Phát (Dư Trí Tuấn, 29 tuổi, Hà Nội)
- BS Khanh: Trước khi mang thai, hoặc phụ nữ trước khi lấy chồng nên chích ngừa thủy đậu và rubella, còn khi mang thai thì phải chích ngừa uốn ván.
- Chồng tôi đi khám, bác sĩ xét nghiệm máu và nước tiểu, kết luận chồng tôi sưng amiđan; hạch phản ứng với lời chỉ định là đề nghị cách ly. Nhưng hiện tại chồng tôi không cảm thấy đau họng sưng amiđan, dưới hai mang tai sưng lên quai bị. Tôi xin hỏi trong trường hợp này chồng tôi đã bị quai bị và cần cách ly bao lâu? Khi nào thì có thể khỏi quai bị? Tôi có con nhỏ thì cần cách ly cho con như thế nào? Chân thành cảm ơn bác sĩ! (Hằng, 27 tuổi, 746 Tân Mai, Hà Nội)
- BS Tuấn: Quai bị là bệnh lây qua đường hô hấp, người bị bệnh này có thể lây cho người khác từ khi phát bệnh đến 3-5 ngày sau khi khỏi. Do đó chồng chị cần phải hạn chế tiếp xúc với cháu bé trong suốt thời gian kể trên.
- Vợ tôi năm nay 27 tuổi, chúng tôi kết hôn đã hơn 3 năm, T6/2010 quyết định có con. Song lúc thai đã 13 tuần tuổi, khám định kỳ xét nghiệm máu phát hiện bị nhiễm Rubella. Các bác sĩ yêu cầu phải phá vì xét nghiệm 2 lần đều dương tính (trước đó đi khám định kỳ vợ tôi khỏe mạnh không bị sốt nhưng tôi có bị cảm cúm 1 lần uống thuốc vài ngày là hết). Chúng tôi đã quyết định bỏ thai. Nay muốn tiếp tục có em bé thì việc đầu tiên cần khám, xét nghiệm những gì để đảm bảo an toàn sau này? (Nguyễn Văn Dũng, 31 tuổi, TP HCM)
- BS Tuấn: Bạn nên đưa vợ đến các cơ sở y tế để được được xét nghiệm xem lại kháng thể với Rubella như thế nào. Khi có kết quả chính xác, các bác sĩ sẽ có tư vấn cụ thể hơn.
- Em đang mang thai ở tuần 24, gần đây ở công ty em có nhiều người mắc dịch sốt phát ban. Xin cho hỏi sốt phát ban có phải rubella không, em chưa tiêm phòng rubella trước khi có thai, vậy em làm cách nào để phòng tránh, ở giai đoạn này có còn nguy hiểm cho con không (Hoa, 25 tuổi, TP HCM)
- BS Khanh: Đa số các trường hợp phát ban, đặc biệt là xuất hiện hàng loạt ca thì tác nhân gây bệnh là do rubella, tuy nhiên, để xác định chắc chắn cần phải xét nghiệm. Bạn đã có thai 24 tuần thì khả năng bệnh gây ảnh hưởng cho thai rất thấp. Công ty của bạn có nhiều người mắc sốt phát ban nên bạn hãy tránh tiếp xúc với họ và tốt nhất là những người này nên ở nhà cho đến khi hết bệnh. Nếu không nghỉ làm được thì phải mang khẩu trang trong suốt thời gian làm việc.
- Thưa bác sĩ, Ngày 2/3/2011, tôi có kết quả xét nghiệm rubella: IgG = 9.29 U/ml, IgM = 0.297 COI. Như vậy hiện tại tôi không bị nhiễm rubella phải không? Chỉ số IgG bao nhiêu thì an toàn? Hiện tại tôi không thể tiêm phòng vì đang mang thai, nhưng có cách nào để chỉ số IgG tăng đến ngưỡng an toàn? Nếu có nhiễm virus rubella nhưng không phát thành bệnh (sốt, phát ban...) thì có ảnh hưởng đến thai nhi không? Xin cảm ơn bác sĩ. (Hoa Le, 37 tuổi, Cau Giay - Ha Noi)
- BS Tuấn: Theo những thông số bạn kể trên thì bạn đã có kháng thể phòng bệnh rubella, nhưng hiệu giá kháng thể rất thấp và có thể không đủ để bảo vệ cơ thể của bạn với bệnh rubella sau này. Hiện tại bạn đang mang thai nên không thể tiêm ngừa được, do đó bạn chỉ phòng bệnh bằng cách đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng và hạn chế tiếp xúc với người bệnh, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và bổ sung vitamin.
- Xin chào bác sĩ! Em xin được hỏi: cách đây 1 tháng em có đi chích ngừa rubella, sởi và quai bị. Sau khi chích ngừa vài ngày em thấy người đau mỏi, đầu hơi choáng váng, xuất hiện những nốt mẩn đỏ to như hạt ngô. Vậy em muốn biết đó có phải là tác dụng phụ của vacxin không? Sau khi chích ngừa rubelle 1 tháng em có thể tiếp tục chích ngừa thủy đậu không? Và sau khi chích ngừa thủy đậu mũi thứ 2 bao lâu thì có thể chích ngừa cúm? Em xin cảm ơn và mong được bác sĩ tư vấn! (Vũ Hường, 22 tuổi, TP HCM)
- BS Khanh: Sau chích ngừa bị sốt nhẹ, toàn thân hơi đau nhức là điều bình thường vì đây là giai đoạn cơ thể tiếp cận với vacxin và huy động tế bào sản xuất ra kháng thể. Một số trường hợp có thể nổi mẩn nhẹ, bạn không cần chú ý đến các triệu chứng này vì nó sẽ hết trong vài ngày. Sau một tháng chích ngừa rubella thì bạn có thể chích ngừa thủy đậu được. Thông thường, mũi thủy đậu thứ 2 nên chích cách mũi đầu từ 1 tháng (nếu là người lớn) hay 1,5-3 tháng (nếu là trẻ em).
Có một số trường hợp muốn chích thủy đậu và rubella cùng ngày thì nên chích 2 mũi ở 2 tay.
- Nhà tôi có 2 cháu trai, cháu lớn tháng 11-2011 tròn 5 tuổi, cháu bé 9-2011 tròn 3 tuổi. Cháu lớn lười ăn nên rất còi, hiện cháu được 14 kg, hay bị ốm vặt, nhất là cảm cúm, ho. Xin các bác sĩ tư vấn cho tôi cách phòng ngừa và điều trị tốt nhất các bệnh thủy đậu, sởi, quai bị, rubella. Tôi muốn cho cháu đi tiêm phòng để phòng ngừa cho các cháu tránh các bệnh nêu trên có được không và thời gian tiêm như thế nào cho phù hợp? Mong các Bác sĩ tư vấn giúp, tôi xin chân thành cảm ơn!. (Đăng, 33 tuổi, TP HCM)
- BS Tuấn: Biện pháp phòng ngừa tốt và hiệu quả nhất với các bệnh thủy đậu, sởi, quai bị, Rubella là chủ động tiêm ngừa vắc xin. Các loại vắc xin này sử dụng cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Bạn nên đưa cháu đi tiêm ngừa càng sớm càng tốt để phòng các loại bệnh trên.
- Vợ tôi đang có bầu, từ khi được 11-12 tuần thì vợ tôi bị sốt và sau đó nổi những vết đỏ ở chân (rất ngứa) mà ở mặt lại không phát ban. Sốt chừng 3-4 ngày thì hết và thường ở mức 38-38,5 độ. Cũng vì thiếu hiểu biết nên chưa đi tiêm phòng rubella sớm (trước khi có thai). Siêu âm, xét nghiệm thì thai hoàn toàn bình thường, hiện tại Vợ tôi đã ở tháng thứ 8 của thai kỳ. Vậy BS có thể tư vấn cho vợ chồng tôi làm cách nào để hạn chế cho con bị rubella bẩm sinh không ạ? Hiện tại vợ tôi khỏe, thai nam được gần 3kg (Nguyễn Huy Hoàng, 33 tuổi, TP HCM)
- BS Khanh: Với những triệu chứng trên (chỉ nổi đỏ ở chân và ngứa, không thấy phát ban toàn thân) thì khả năng mắc rubella là rất thấp. Vợ của bạn không chích ngừa rubella trước khi mang thai cũng không phải là hiếm. Cách giải quyết hiện nay là vợ bạn phải phòng ngừa bệnh bằng cách: tránh tiếp xúc với người mang bệnh rubella, tránh nơi đông người, vệ sinh cá nhân.
Đa số các câu hỏi xoay quanh việc làm sao bảo đảm an toàn cho thai nhi trước các virus thủy đậu, rubella... Muốn thực hiện điều này, các bà mẹ, phụ nữ đến tuổi sinh sản nên chủ động tiêm ngừa vacxin phòng các loại bệnh trên ít nhất là một tháng trước khi mang thai. Điều này có vẻ dễ thực hiện nhưng đa số phụ nữ và gia đình các bé gái đều không chú ý. Đến lúc có thông tin về dịch bệnh hay thông tin về những dị tật với thai nhi trong lúc mang thai thì nỗi lo lắng còn nhiều hơn nữa.
Do vậy, việc tiêm ngừa 2 bệnh này ở phụ nữ và các bé gái tới tuổi trưởng thành là rất quan trọng.
- BS Tuấn: Để việc phòng bệnh sởi, quai bị, rubella, trái rạ có hiệu quả, chúng ta cần phải chủ động tiêm ngừa trước khi dịch bệnh xảy ra. Khi dịch bệnh xảy ra mới đổ xô đi tiêm ngừa thì việc tiêm phòng đôi khi mang lại hiệu quả thấp và vô tình gây ra tình trạng quá tải, khan hiếm vacxin giả tạo. Hãy chủ động tiêm ngừa, đừng để các bệnh lý trên trở thành nỗi lo lắng cho mỗi gia đình.
Do thời gian có hạn nên tôi không thể chia sẻ hết băn khoăn của bạn đọc VnExpress.net về những loại bệnh này. Hẹn gặp lại các bạn ở các dịp khác.
Đời Sống