Không chỉ rau trồng dưới nước mà rau trên cạn cũng nhiễm ký sinh trùng. Ảnh: N.P. |
Đây là kết quả nghiên cứu mới của Phó giáo sư Nguyễn Văn Đề, Chủ nhiệm khoa Ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội cùng các cộng sự. Nhóm nghiên cứu đã lấy 330 mẫu rau tại mỗi thành phố, với 6 loại rau: muống, ngổ, cần, cải xanh, diếp, cải xoong (rau trồng trên cạn và dưới nước).
Kết quả cho thấy, rau cải xanh là loại nhiễm ấu trùng giun sán nhiều nhất. Tại Nam Định, tỷ lệ này lên tới gần 13%, trong khi đó tại Hà Nội là hơn 5% và Hòa Bình là gần 4%.
Đặc biệt, tỷ lệ rau nhiễm các loại đơn bào gây bệnh đường tiêu hóa như Ecoli... tại khu vực thành thị ở Nam Định cao nhất - hơn 50%, sau đó là Hà Nội - hơn 30% và Hòa Bình là gần 24%. Khu vực nông thôn cao hơn rất nhiều, có nơi lên đến gần 73% như ở Nam Định, tại Hà Nội cũng lên đến gần 50%.
Theo phó giáo sư Đề, nhiều người cho rằng chỉ các loại rau trồng dưới nước mới nhiễm ký sinh trùng. Tuy nhiên, thực tế rau trồng trên cạn cũng nhiễm.
"Tập quán tưới rau bằng nước thải sinh hoạt vẫn rất phổ biến tại Việt Nam. Đây chính là nguyên nhân khiến các loại rau được trồng trên cạn nhưng vẫn nhiễm ký sinh trùng", phó giáo sư Đề nói.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng lấy 250 mẫu cá gồm: cá chép, mè, trắm, trôi, rôphi. Kết quả, tỷ lệ nhiễm ấu trùng sán lá ở nông thôn cao hơn thành thị. Chẳng hạn, ở Nam Định nơi có tỷ lệ nhiễm ấu trùng sán lá cao nhất thì ở nông thôn là hơn 30% trong khi thành thị là 10%.
Phó giáo sư Đề cho biết "Những người có thói quen ăn cá không nấu kỹ rất dễ bị lây truyền bệnh từ cá như sán lá ruột nhỏ, loại này sống rất lâu trong điều kiện môi trường, ngay cả khi ngâm ướp vài giờ đồng hồ".
Đặc biệt là ăn gỏi cá nguy cơ mắc bệnh giun sán rất cao. Cá đã chế biến làm gỏi xét nghiệm thấy 95% ấu trùng còn sống. 13 loại lá hay dùng ăn gỏi cũng được xay ra xét nghiệm thì 93% ấu trùng vẫn còn sống sau 4 giờ.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng lấy cả lươn, cua, ếch để xét nghiệm. Kết quả phát hiện ấu trùng của giun đầu gai trên lươn, của sán lá phổi trên cua và ấu trùng sán nhái. Trên cua đã nướng vàng vỏ, 65% ấu trùng sán lá còn sống, còn cua nướng cháy vỏ, tỷ lệ này là 23%.
Phó giáo sư Đề cũng cho biết, việc ngâm rau bằng nước muối cũng không diệt được trứng ấu trùng mà chỉ rửa nhiều lần cho trôi bớt. Dùng thuốc sát trùng như thuốc tím cũng chỉ diệt được vi khuẩn còn ký sinh trùng thì không thể. Vì thế, điều quan trọng là người tiêu dùng không nên ăn sống mà ăn chín, uống sôi, dùng nước sạch.
Nam Phương