Đây là một trong những nội dung được trình bài tại Hội nghị Phẫu thuật nội soi châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Hà Nội.
Phó giáo sư Trần Bình Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, đến nay, Bệnh viện đã phẫu thuật cho gần 50 trường hợp, trong đó người trẻ nhất mới 16 tuổi, còn lớn tuổi nhất đã là 53. Cân nặng của các bệnh nhân từ 79 đến 168 kg.
Qua phẫu thuật, các bệnh nhân đều đạt được hiệu quả tốt, cân nặng trung bình giảm xuống còn 77kg sau 6 tháng. Bình quân mỗi tháng đầu giảm được gần 10 kg, thậm chí có trường hợp giảm tới 15-20 kg.
Một bệnh nhân trước và sau khi phẫu thuật đặt đai dạ dày. Ảnh bác sĩ cung cấp. |
Trường hợp của anh Hà, 30 tuổi, ở TP HCM là một ví dụ. Sau 2 năm đặt đai giảm béo, anh đã giảm từ 162 xuống còn 77 kg.
Ngày trước anh Hà ăn chục bữa mỗi ngày vẫn không thấy no thì sau mổ anh chỉ ăn được 2 bữa. Mỗi bữa chỉ ăn lưng chén cơm vì nếu ăn cố một chút thì sẽ nôn ngay. Mới đầu không quen với chế độ ăn uống ít ỏi lại phải vận động nhiều nên anh bị đuối sức. Nhưng về sau khi đã quen, cân nặng giảm rất nhanh, có tháng giảm được 12 kg. Khi cân nặng còn 85 kg, anh được các bác sĩ nới đai để dạ dày trở lại mức bình thường.
Theo phó giáo sư Giang, có nhiều phương pháp khác nhau để chữa béo phì như: cắt bớt dạ dày hoặc làm ruột ngắn lại, đặt bóng trong dạ dày... Tất cả đều dựa trên nguyên lý đơn giản là giảm hấp thu thức ăn. Tuy nhiên, nhược điểm là phải động dao kéo, nhiều nguy cơ tai biến trong phẫu thuật.
"Đây cũng là những phẫu thuật không thể đảo ngược. Phần ruột, dạ dày đã cắt là 'một đi không trở lại', bệnh nhân muốn thay đổi cũng đành chịu", phó giáo sư Giang nói.
Bên cạnh đó, một nhược điểm nữa là phẫu thuật viên không định lượng được phần bị cắt trước khi phẫu thuật. Lý do là cùng một lượng dạ dày hoặc ruột cắt đi, với người này là hợp lý nhưng với người khác có thể lại không, khiến bệnh nhân không thể giảm cân hoặc giảm cân quá mức cần thiết.
Trong khi đó, phẫu thuật nội soi đặt đai giảm béo là một kỹ thuật hết sức đơn giản. Các bác sĩ sẽ dùng một chiếc đai đặt ở phần trên của dạ dày, tạo thành một "túi" nhỏ đựng thức ăn. Bệnh nhân sẽ thấy ăn nhanh no hơn và không muốn ăn nữa. Trong khi cơ thể vẫn cần năng lượng để tồn tại, nên lượng mỡ dư thừa lúc này sẽ được sử dụng, khiến trọng lượng cơ thể giảm nhanh chóng, phó giáo sư Giang lý giải.
Không những thế, khi cân nặng của bệnh nhân đã về mức bình thường, các bác sĩ nới vòng ra vừa đảm bảo duy trì cân nặng vừa đảm bảo sức khỏe cho người bệnh.
"Điều cần lưu ý là kỹ thuật này để chữa béo phì chứ không phải thẩm mỹ. Nhiều bệnh nhân trước khi mổ có kèm theo bệnh lý như huyết áp cao, tiểu đường, mỡ máu cao.. nhưng sau đó các bệnh này đã giảm hẳn", phó giáo sư Giang cho biết.
Cũng theo ông, đến nay kỹ thuật ghi nhận 4 trường hợp bị biến chứng. Trong đó một người bị biến chứng suy hô hấp, phải thở máy một ngày sau mổ, tuy nhiên đây là do thành ngực bệnh nhân quá dày, khiến việc thở gặp khó khăn. Ngoài ra, một người không rõ đai chui vào dạ dày, 2 trường hợp phải tháo vòng do sau khi mổ thì có thai nên bị nôn nhiều.
Những trường hợp được chỉ định đặt đai giảm béo là những bệnh nhân bị béo phì nặng có chỉ số BMI trên 35 (được tính bằng cân nặng chia cho bình phương chiều cao), không thể giảm cân được bằng các biện pháp khác hoặc bệnh béo phì đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Ngoài ra, những người có chỉ số BMI từ 27,5 trở lên nhưng bị các bệnh đái tháo đường, tim mạch... cũng có thể được chỉ định. Tuy nhiên, phương pháp này không áp dụng với trẻ em dưới 18 tuổi (trừ những trường hợp quá đặc biệt).
Hội nghị phẫu thuật nội soi quốc tế lần đầu được tổ chức tại Việt Nam có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nội soi. Tại đây, nhiều tiến bộ mới sẽ được trình bày như: phẫu thuật sử dụng người máy, phẫu thuật một lỗ và thông qua lỗ tự nhiên (trước phải tạo 3 lỗ trên thành bụng) hay phẫu thuật sửa dị tật cho thai nhi qua bụng mẹ... Hội nghị diễn ra từ 25 đến 27/11. |
* Tên nhân vật đã được thay đổi.