Tính đến sáng nay, đã có hai vụ nổ ở hai lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima I (Daiichi) của Nhật Bản. Cả hai vụ đều do không có điện để làm mát và công nhân đang phải bơm nước biển vào để hạ nhiệt.
Tờ Kyodo cho biết điều đáng lo ngại nhà máy điện Fukushima II (Daini) ở gần đó cũng thông báo gần như không thể làm mát được 3 trong số 4 lò phản ứng của họ.
Các đốm vàng là vị trí của các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản. Vùng trong dấu sao là hai nhà máy Fukushima I (Daiichi) và Fukushima II (Daini), rất gần nhau và đều chịu ảnh hưởng nặng từ cơn sóng thần. Tại nhà máy Daiichi, đã xảy ra sự cố nổ hai lò phản ứng 1 và 3, ở lớp ngoài, chưa đến lõi. Người dân đã được sơ tán trong bán kính 20 km kể từ nhà máy này. Ảnh: NRC. |
Mặc dù chính quyền xác nhận cả hai vụ nổ đều xảy ra ở lớp bên ngoài, chưa làm tan chảy các thanh nhiên liệu hạt nhân ở trong lõi, song quan chức Lầu Năm Góc (Mỹ) hôm chủ nhật cho biết các trực thăng bay cách nhà máy này hơn 100 km đã thu được một lượng nhỏ các bụi phóng xạ, được đoán là có chứa Cesium-137 và Iodine-121, đồng thời dự báo ô nhiễm môi trường đã lan rộng.
Sơ tán vì nguy cơ phóng xạ
Cơ quan an toàn hạt nhân của Nhật cho biết sau vụ nổ đầu tiên, số người tiếp xúc với phóng xạ từ nhà máy có thể lên đến 160. Nhiều người khác đang sơ tán đến các trung tâm trú ẩn cũng được kiểm tra sự phơi nhiễm phóng xạ.
Khoảng 140.000 người trong vòng bán kính 20 km quanh nhà máy Daiichi và cơ sở hạt nhân gần đó đã được sơ tán, trong khi giới chức đã chuẩn bị để phân phát iodine cho mọi người ở các vùng phụ cận (giúp họ hạn chế tối đa việc hấp thụ phóng xạ Iodine và ngăn ngừa nguy cơ ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, loại thuốc này không bảo vệ họ khỏi tất cả các loại ung thư).
Mức độ nguy hiểm của sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Daiichi
Trước khi có tin tức về sự cố nổ ở lò thứ hai, Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản đánh giá sự cố tại Nhà máy Daiichi là ít nghiêm trọng hơn so với sự cố hạt nhân năm 1979 tại nước này và thảm họa Chernobyl năm 1986.
Cụ thể, họ xếp loại sự cố ở nhà máy điện Daiichi nguy hiểm cấp 4, trong khi sự cố hạt nhân năm 1979 ở mức điểm 5 và Chernobyl là 7 điểm trong thang nguy hiểm từ 1 đến 7.
Nguy cơ của người dân khi tiếp xúc phóng xạ
Giả định các thanh nhiên liệu trong lò đã tan chảy hoàn toàn và giải phóng chất phóng xạ Cesium-137. Đây là nguyên tố được sinh ra trong quá trình phân rã của urani và pluton. Với thời gian bán rã lên đến 30 năm, và lại dễ xâm nhập vào môi trường, việc làm sạch nguyên tố này là khá khó khăn.
Người dân khi dẫm trên đất nhiễm xạ sẽ tiếp xúc ngoài với các tia gamma, hoặc họ sẽ nuốt phải chúng nếu ăn thực phẩm và nước nhiễm xạ. Quá trình này sẽ làm tăng nguy cơ ung thư. Nếu tiếp xúc với cường độ lớn, người ta sẽ bị bỏng da, thậm chí có thể tử vong.
Người dân quanh một nhà máy điện hạt nhân bị ảnh hưởng bởi động đất được kiểm tra nguy cơ nhiễm xạ. Ảnh: AP. |
Mối nguy lớn hơn
Theo New York Times, các lò phản ứng ở Nhật giờ đây có rất ít sự chọn lựa ngoài việc định kỳ giải phóng hơi phóng xạ, trong quá trình làm mát khẩn cấp lõi lò phản ứng, và quá trình này có thể tiếp diễn trong vòng một năm hoặc lâu hơn sau khi quá trình phân rã hạt nhân ngừng lại.
Khi đó, người vận hành nhà máy buộc phản liên tiếp bơm nước biển vào trong lò, để rồi giải phóng dòng hơi nước mang phóng xạ vào khí quyển. Điều đó cũng có nghĩa là hàng nghìn người đã được sơ tán có thể sẽ không được trở về nhà trong một thời gian dài, và gió có thể mang theo hơi phóng xạ đến các thành phố nằm xa hơn chứ không chỉ là ra biển.
Một nguy cơ tiềm năng khác là một vài lò phản ứng ở Nhật (cũng như ở Pháp và Đức) sử dụng các nhiên liệu hỗn hợp, hay còn gọi là mox, trong đó chứa pluton tái chế. Nếu là loại này, thì hơi nước mà chúng giải phóng ra trong quá trình làm mát còn độc hại hơn nhiều.
Đây là trận động đất mạnh thứ 5 xảy ra trên toàn thế giới trong thế kỷ qua.
Hiện Nhật Bản có 55 lò phản ứng thuộc 18 nhà máy điện hạt nhân, cung cấp 29% sản lượng điện trên toàn quốc.
Bích Hạnh