Lạm dụng kháng sinh gây nên những hậu quả khôn lường. Ảnh: canadiannetmall.com. |
Lạm dụng kháng sinh đã tạo ra những vi khuẩn kháng thuốc và những đứa trẻ kháng thuốc ở Trung Quốc.
Khi cô con gái một tháng tuổi của Yu Liya bị chẩn đoán viêm phổi, cô miễn cưỡng đồng ý khi bác sĩ đề nghị cho bé dùng kháng sinh thế hệ ba cephalosporin.
Mặc dù là dược sĩ được đào tạo, ý thức được hệ lụy của kháng sinh và tác dụng phụ của nó, như tiêu chảy, nôn mửa, song cô không dám liều lĩnh với sức khỏe của con mình.
"Bác sĩ nói họ không chắc chắn nguyên nhân của đợt ốm là do nhiễm khuẩn", Yu, 27 tuổi, nói. Cô đã nhẹ người đi, song đồng thời cũng tức giận khi các xét nghiệm một tuần sau đó cho thấy bé không hề có dấu vết nhiễm khuẩn. "Con gái tôi có thể đã khỏi mà không cần dùng kháng sinh", cô bực tức nói.
Với tỷ lệ sử dụng kháng sinh chiếm khoảng 70% số ca bệnh trên toàn quốc, cao hơn hai lần so với đề nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, Trung Quốc giờ đây là một quốc gia "nghiện" kháng sinh.
Các chuyên gia y tế cho biết sự lạm dụng lan tràn này không chỉ làm tăng sự nguy hiểm của các vi khuẩn siêu kháng thuốc, như dòng NDM-1 được phát hiện tháng trước, mà còn dẫn tới việc ngày càng nhiều em bé ra đời không đáp ứng với các biện pháp y học mạnh.
Tại Bệnh viện tây nam Trùng Khánh (Tứ Xuyên), nơi Yu làm việc, các bác sĩ nhi khoa cho biết họ đã tìm thấy nhiều trường hợp trẻ sơ sinh không đáp ứng được thuốc kháng sinh - loại thuốc chữa những bệnh do vi khuẩn gây ra.
"Trong sách y học có nói chủng vi khuẩn streptococcus pneumoniae - gây bệnh viêm phổi - nhạy cảm với kháng sinh penicillin. Nhưng loài vi khuẩn này từ lâu đã 'đánh bại' penicillin, vì thế chúng tôi phải kê những loại kháng sinh thế hệ mới cho trẻ", bác sĩ Wang Yang cho biết.
Shi Yuan, trưởng khoa nhi tại Bệnh viện Daping Trùng Khánh, bổ sung rằng ông đã nhận thấy xu hướng tương tự ở các trẻ nhỏ được sinh ra từ các bà mẹ quá lạm dụng kháng sinh khi mang thai, cho thấy khả năng bé đã bị nhiễm trùng trong tử cung.
Những trường hợp kháng thuốc kháng sinh ở trẻ lớn còn phổ biến hơn nữa, dẫn đến việc ngay cả những nhiễm trùng đơn giản cũng trở nên khó chữa.
"Tôi biết ở Mỹ các bác sĩ nhi khoa thường tránh cho trẻ dùng kháng sinh. Đó là bởi vì họ có một môi trường trong lành", Zhou Zhongshu, trưởng khoa nhi tại Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật ở Bắc Kinh cho biết. "Chúng tôi buộc phải sử dụng kháng sinh và thậm chí kháng sinh thế hệ mới cho trẻ nhỏ bởi môi trường của chúng ta chứa các vi khuẩn kháng thuốc".
Tình trạng này, theo các chuyên gia, là đáng báo động, đặc biệt khi nhiều mầm bệnh giờ đây có thể chống lại các loại thuốc diệt khuẩn.
Gan Xiaoxie là nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm lâm sàng, Bệnh viện ung bướu Trùng Khánh, thực hiện các xét nghiệm nhạy cảm thuốc trên máu và các mẫu đờm dãi.
Cô cho biết, 15 năm trước, khuẩn gây nhiễm trùng da staphylococcus aureus kháng lại kháng sinh Methicillin, nhưng bị thuốc penicillin trị. "Giờ đây, chúng tôi phải diệt vi khuẩn này bằng một nhóm các kháng sinh mới nhất".
"Ba thập kỷ trước, thuốc kháng sinh thành công trong việc giảm tỷ lệ tử vong do viêm phổi, nhưng sau đó nó không còn hiệu quả nữa", Tang Taiqin, giáo sư dược học tại Bệnh viện Số 1 Đại học Tế Nam ở Quảng Đông, tỉnh Quảng Châu, cho biết.
Nhưng tại sao lại có trào lưu "nghiện" kháng sinh này?
Trong một số trường hợp, bệnh nhân cũng góp phần gây nên tội. Các bác sĩ tại một vài bệnh viện cho China Daily biết họ thường bị áp lực bởi những người yêu cầu "chữa khỏi nhanh nhất".
"Ngày nay, các bệnh nhân đã mất kiên nhẫn", Wu Shuai, một bác sĩ tại bệnh viện do Hội chữ thập đỏ ở Triệu Khánh (tỉnh Quảng Đông) quản lý, nhận xét. "Nhiều người đến và yêu cầu dùng kháng sinh luôn. Họ hy vọng sẽ nhìn thấy tác dụng ngay tức khắc".
Trong những tình huống như vậy, nhiều bác sĩ đã kê kháng sinh mạnh không cần thiết.
Triệu Khánh chỉ cách Hong Kong 2 giờ đi xe, và bác sĩ Wu cho biết nhiều người trong số bệnh nhân của ông là các thương gia và phụ nữ từ Hong Kong tới đây để chữa bệnh bởi kháng sinh được quản lý nghiêm ngặt ở đặc khu hành chính này.
Mặc dù vậy, thỏa mãn với tốc độ chữa bệnh có thể dẫn đến hậu quả tàn khốc. Liu Jianmin là một ví dụ, ông chưa bao giờ đến bệnh viện trước khi được chẩn đoán ung thư phổi.
"Bất cứ khi nào ốm, tôi chỉ ra hiệu thuốc và mang về thuốc kháng sinh mà người bán tự kê cho", người đàn ông 58 tuổi nói.
Ông nông dân từ hạt Luobei (tỉnh Hắc Long Giang) giờ đây đang phải điều trị ở Bắc Kinh, nơi các bác sĩ cho biết việc điều trị trở nên khó khăn vì xét nghiệm mẫn cảm cho thấy ông đã kháng nhiều loại kháng sinh.
Tuy nhiên, bệnh nhân không phải là chuyên gia và nhiều người trong giới y tế khẳng định bác sĩ phải chịu trách nhiệm chính trong việc lạm dụng kháng sinh.
"Thêm một người dùng là thêm một cách để họ kiếm tiềm cho phòng khám và thêm tiền hoa hồng", Wan Ruijie, bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân số 1 Trùng Khánh, giải thích tại sao thuốc kháng sinh lại được kê thường xuyên đến vậy.
Nhưng tiền cũng không phải là vấn đề duy nhất, ở đây còn có sự hạn chế trong kiến thức của giới y khoa.
"Ở Trung Quốc, chừng nào bạn còn là bác sĩ, bạn còn có thể kê kháng sinh" - bác sĩ Tang từ Bệnh viện Số 1 Đại học Tế Nam, nhận xét - "Nhưng không có nhiều bác sĩ thực sự hiểu dùng kháng sinh thế nào là đúng".
Bản hướng dẫn chính thống duy nhất nói về cách sử dụng kháng sinh do Bộ Y tế Trung Quốc ban hành lại quá sơ sài. "Chúng ta cần một bản hướng dẫn chi tiết về cơ chế sử dụng thuốc. Và quyền được kê thuốc kháng sinh phải làm rõ", Tang nói thêm.
Giống như người nông dân Liu thừa nhận, việc tiếp cận quá dễ dàng với thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc cũng là một yếu tố góp phần quyết định gây kháng thuốc. Mặc dù chính phủ đã cấm bán thuốc khi không có đơn bác sĩ, song quy định này thường bị phớt lờ.
Sự khác biệt trong sử dụng thuốc kháng sinh giữa các bệnh viện nhà nước và bệnh viện quốc tế tại Trung Quốc cũng là một điểm nổi bật.
Tại Bệnh viện Gia đình Thống nhất Bắc Kinh - cơ sở liên doanh giữa Trung Quốc và Mỹ, việc sử dụng kháng sinh được hạn chế ở mức 12 đến 15% số ca bệnh.
"Chúng tôi không kê kháng sinh cho những trường hợp bị cảm lạnh", Andy Wang, bác sĩ tại bệnh viện này, từng làm ở Mỹ 5 năm trước khi về Trung Quốc, cho biết. "Chúng tôi chỉ sử dụng khi thấy có bằng chứng là bạch cầu tăng lên - báo hiệu nhiễm khuẩn".
Nhận thức được tình hình này, một số bệnh viện đã thắt chặt hơn trong việc sử dụng kháng sinh, như kiểm tra ngẫu nhiên các đơn thuốc, cắt thưởng nếu phát hiện bác sĩ sử dụng thuốc không hợp lý.
Tuy nhiên, nỗ lực của một nhóm thiểu số các bệnh viện không đủ sức làm xoay chuyển vấn đề.
Thuận An