Ngày 8/4, tại chương trình Lắng nghe và Trao đổi về chủ đề quá tải bệnh viện do Hội đồng nhân dân TP HCM tổ chức, đại diện nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố thừa nhận đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng vẫn không thể giảm tải.
Quá tải bệnh viện đến nỗi nhân viên bảo vệ cũng phải vào để trả kết quả xét nghiệm máu thay bác sĩ. Ảnh chụp tại bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Tá Lâm. |
Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cho biết, mỗi ngày trung bình có hơn 1.600 lượt khám và gần 1.700 bệnh nhân nội trú đã làm cho bệnh viện quá tải 4-5 lần, tức là đến 3-5 bệnh nhân nằm một giường bệnh.
"Mỗi năm bệnh nhân đến khám tại bệnh viện Ung Bướu đều tăng 10%. Số bệnh nhân ở các tỉnh chiếm 70%, trong khi đó cơ sở vật chất không được mở rộng nên không thể đáp ứng khám, điều trị được", bác sĩ này nói.
Clip Bệnh nhân nằm gầm giường, hành lang bệnh viện
Theo bác sĩ Minh, một số giải pháp đã và đang được thực hiện như tăng giờ khám, điều trị ngoài giờ, đưa bác sĩ xuống tuyến dưới, triển khai điều trị bệnh nhân tại gia đình... nhưng vẫn không thể giảm tải. "Trong năm nay, bệnh viện Ung Bướu đề ra mục tiêu giảm bệnh nhân nội trú từ 10% đến 20%. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ", bác sĩ Minh cho biết.
Trước mắt, bác sĩ Minh kiến nghị UBND TP HCM có cơ chế để lấy những bệnh viện quận, huyện ít bệnh nhân như bệnh viện quận 9, quận 12 làm bệnh viện ung bướu vệ tinh. Còn về lâu dài, vị giám đốc bệnh viện Ung Bướu thành phố đề nghị tháo gỡ những vướng mắc để khởi công xây cơ sở 2 bệnh viện Ung bướu (ở quận 9) với 1.000 giường bệnh, khu điều trị kỹ thuật cao ở 47 Nguyễn Huy Lượng (quận Bình Thạnh).
Tương tự, bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình thành phố cũng cho biết, đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng không thể giảm tải. Vị bác sĩ này mô tả bệnh viện của ông "quá tải từ lối ra vào".
"Những ngày đầu tuần, 2.000 đến 3.000 bệnh nhân chen chúc trong 14 phòng khám bệnh. Đặc điểm riêng của bệnh viện là không thể nằm ghép giường nên đành kê băng ca cho bệnh nhân nằm. Băng ca ở khắp mọi nơi, chỗ nào kê được là kê. Có các khoa bệnh nhân chờ mổ 2-3 tuần. Cao điểm mùa hè, có những bệnh nhân chờ mổ lên đến 6-8 tuần”, bác sĩ Mỹ nói.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở hầu hết các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi đồng 2... Thậm chí, Bệnh viện Nhi Đồng 2 còn áp dụng biện pháp bác sĩ luân phiên làm việc cả ngày đêm không nghỉ nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu người bệnh.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận cho biết, trong thời gian tới sẽ thực hiện đồng bộ 5 giải pháp mới mong giảm tải được bệnh viện. Các giải pháp này gồm nâng cao năng lực khám và điều trị ở tuyến cơ sở bằng cách đưa bác sĩ xuống tuyến dưới; đào tạo nhân lực; đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị; củng cố mạng lưới y tế dự phòng và triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình.
Hơn 10h sáng 28/11, hàng trăm người ngồi chờ khám ở Bệnh viện chấn thương chỉnh hình. Ảnh: Thiên Chương. |
Theo vị phó chủ tịch thành phố, trong năm nay sẽ triển khai thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình ở 5 quận, huyện gồm quận 10, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức và huyện Hóc Môn. Theo các bác sĩ, mô hình bác sĩ gia đình là những bác sĩ đa khoa có trình độ tương đối toàn diện, được đào tạo bài bản, có thể giải quyết được những vấn đề sức khỏe ban đầu. Những bác sĩ này cũng có kỹ năng tư vấn tâm lý, quản lý xã hội để có thể khám, chẩn đoán và tiên lượng hướng dẫn cho người bệnh...
"Với 5 cách làm này, TP HCM đặt mục tiêu trong năm 2015 sẽ giảm được 70-75% tình trạng quá tải ở bệnh viện", ông Thuận kết luận.
Theo quy hoạch của ngành y tế TP HCM, đến năm 2015 sẽ đạt các chỉ tiêu: 42 giường bệnh trên 10.000 dân, 15 bác sĩ phục vụ cho 10.000 dân, giảm 50% quá tải... UBND TP HCM cũng đã có chủ trương triển khai 7 dự án xây dựng bệnh viện trọng điểm ở 4 cửa ngõ thành phố. Cửa ngõ phía Bắc bao gồm Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi và Hóc Môn (quy mô 1.000 giường). Cửa ngõ phía Nam bao gồm Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình và Trung tâm Xét nghiệm Y khoa thành phố (quy mô 500 giường). Cửa ngõ phía Đông bao gồm Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức và Bệnh viện Ung Bướu (quy mô 1.000 giường). Cửa ngõ phía Tây bao gồm Bệnh viện Nhi Đồng thành phố (quy mô 1.000 giường). Tổng vốn đầu tư cho 7 dự án này là 13.000 tỷ đồng, trong đó dự kiến vốn ngân sách 8.000 tỷ đồng, vốn xã hội hóa 5.000 tỷ đồng. Trong năm 2012, kế hoạch cấp vốn cho các dự án là 93 tỷ đồng. 7 bệnh viện trên hoàn thành sẽ giúp TP HCM tăng thêm 5.500 giường bệnh và có được một trung tâm xét nghiệm hiện đại tiêu chuẩn quốc tế. |
Tá Lâm