Đây là con số được đưa ra trong buổi họp của Bộ Y tế về dự thảo đề án Giảm tải bệnh viện chuẩn bị trình Chính phủ được tổ chức ngày 10/4, tại Hà Nội.
Chưa bao giờ vấn đề quá tải bệnh viện được nói đến nhiều như vậy. Đi bất kỳ bệnh viện nào tại 2 thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những giường bệnh nằm ghép 2, 3, bệnh nhân ung thư truyền hoá chất nhưng không có giường để nằm mà kê giường, kê ghế ngoài hành lang...
Theo Bộ Y tế có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải, do sự thay đổi cơ cấu bệnh tật, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng cao, đầu tư cơ sở hạ tầng cho y tế chưa đáp ứng... Tuy nhiên, thực tế tình trạng quá tải diễn ra không đồng đều giữa các bệnh viện, chuyên khoa. Có nơi quá tải thực sự, có nơi mong quá tải, có nơi thì muốn bệnh nhân đến mà không có.
Nhiều bệnh viện được cho là quá tải ảo. Ảnh: Nam Phương. |
Năm 2011, công suất sử dụng giường bệnh tại Bệnh viện K là 172%, Bệnh viện Bạch Mai là 168%, Bệnh viện Chợ Rẫy là 139%... Đối với chuyên khoa, 100% số bệnh viện ung bướu và 70% số bệnh viện chuyên khoa sản nhi trong tình trạng quá tải.
Thế nhưng, nếu xét theo hệ thống bệnh viện đa khoa thì có gần 37% đang ở trong tình trạng quá tải và có đến gần 29% cần thu hút thêm người bệnh. Nhiều khu vực tỷ lệ sử dụng giường bệnh thấp như Bắc Trung Bộ gần 70%, miền núi phía Bắc 48%, Tây Bắc chưa đến 12%...
Tình trạng tương đối nhiều bệnh viện có công suất sử dụng giường bệnh thấp, cho thấy có sự "quá tải ảo". Vì thế, cần sự tác động để điều chỉnh luồng người bệnh giữa các bệnh viện.
Dự thảo đề án Giảm tải bệnh viện của Bộ Y tế cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân chính dẫn tới quá tải bệnh viện chính là cơ chế tài chính. Các bệnh viện được trao quyền tự chủ về tài chính, đẩy mạnh xã hội hóa trang thiết bị, kỹ thuật y tế nhưng lại không tính đủ chi phí trong cơ cấu giá dịch vụ nên thiếu nguồn nhân lực. Từ đó, dẫn đến các bệnh viện đều có chủ trương tận thu, phần nào dẫn đến tăng nhu cầu cung cấp dịch vụ. Tất cả các nơi đều chủ động mở rộng các loại hình dịch vụ khám chữa bệnh để tăng số lượt bệnh nhân đến khám, bệnh viện tuyến trên làm cả các dịch vụ y tế tuyến dưới.
Điều này góp phần làm tăng thêm quá tải bệnh viện. Công suất sử dụng giường bệnh đã tăng thêm 25% tại các bệnh viện tự chủ toàn phần (từ năm 2005 đến năm 2008).
Ngoài ra, giá thu nhiều dịch vụ không phù hợp thực tiễn, giá dịch vụ cùng một kỹ thuật tại bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh, huyện không chênh lệch hoặc chênh lệch không đáng kể. Trong bối cảnh tự chủ, nhiều bệnh viện phải duy trì công suất giường bệnh ở mức cao nhất có thể để đảm bảo nguồn thu.
Cộng thêm việc người bệnh tự ý vượt tuyến vẫn được thanh toán bảo hiểm y tế, một số lãnh đạo bệnh viện thậm chí còn muốn quá tải... đã tác động làm phá vỡ tuyến điều trị, dồn ép bệnh nhân lên tuyến trên. Ngành y tế cũng chưa có cơ chế giám sát và chế tài đối với các bệnh viện duy trì quá tải hoặc không có biện pháp giảm tải. Một số bệnh viện có dấu hiệu không quan tâm tới tình trạng quá tải, đặc biệt tại khu khám bệnh.
Cũng vì những bất cập trên, dự thảo đề án giảm tải bệnh viện đưa ra rất nhiều giải pháp khác nhau.
Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết 5 nhóm giải pháp được tập trung là: tăng số giường bệnh, tăng cường năng lực tuyến huyện và tuyến tỉnh, sử dụng hệ thống bệnh viện vệ tinh, phát triển bác sỹ gia đình và đào tạo nhân lực, đồng thời quảng cáo bệnh viện tuyến dưới đến người bệnh.
Trong đó, nhóm giải pháp căn bản lâu dài để giảm tải bệnh viện là tăng cường y tế dự phòng và chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Cụ thể sẽ thiết lập hệ thống bác sĩ gia đình để quản lý sức khoẻ ban đầu ngay tại cộng đồng, sàng lọc bệnh, hạn chế tự ý lên tuyến trên khám, điều trị không cần thiết. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu, sàng lọc sớm các bệnh không lây nhiễm, quản lý bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết tại trạm y tế xã...
Tuy nhiên, theo một thành viên tham gia đề án thì "đây mới chỉ là đề án, còn khả năng thực hiện khó lắm. Nhiều bệnh viện tuyến trên đang thực hiện tự chủ tài chính do đó bệnh viện phải dùng mọi cách tăng nguồn thu về. Bệnh nhẹ, bệnh nặng các bệnh viện đều nhận cả. Liệu mở rộng quy mô có giảm quá tải hay lại quá tải thêm?".
Ông Nguyễn Hoàng Long, Vụ phó vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cũng cho rằng, việc tăng giường số giường bệnh đang được chú trọng nhưng cần cảnh giác với các bệnh viện lớn. "Bệnh viện Bạch Mai đưa ra 3.500 giường là quá nhiều. Ngay cả thế giới cũng chưa có viện nào có số giường cao thế", ông Long nói.
Nam Phương