Chị Nga vừa sinh đôi tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, xuất viện ngay trước khi xảy ra vụ bắt cóc trẻ em tại đây.
"Tôi thấy an ninh bệnh viện rất lỏng lẻo, khách ra vào, đặc biệt là người có bế bé sơ sinh, không hề bị hỏi han kiểm soát gì cả", người nhà chị Nga nhận xét.
Mẹ tròn con vuông xong, chị Nga và bé nằm ở bệnh viện 2 ngày. Lọt lòng mẹ, bé đã được đeo dây có gắn số vào cổ, còn mẹ thì đeo dây vào tay với cùng số để xác định là con của sản phụ nào. Trường hợp chị Nga sinh thường nên bé nằm cùng với mẹ ngay chỉ sau vài tiếng đồng hồ chào đời.
Nếu đẻ mổ, bé sẽ được đưa xuống khoa sơ sinh ở tầng 2, nhà G Bệnh, để chăm sóc, còn mẹ sau thời gian ở phòng hồi sức được đưa đến khoa sau sinh trên tầng 6 cùng tòa nhà G của bệnh viện. Bao giờ sức khỏe mẹ ổn định thì bé sẽ được trả về cho mẹ.
Mỗi sáng đều có nhân viên y tế đẩy xe đến các giường, đón bé đưa đi tắm, thay băng rốn…, xong lại mang trả về cho mẹ căn cứ theo số đeo trên tay mẹ và cổ bé để tránh nhầm con. Có hôm thì nhân viên thực tập đến bế cháu đi làm các quy trình này. Trẻ nào có chỉ định xét nghiệm, tiêm… thì nhân viên y tế cứ theo danh sách thực hiện.
Tất cả quy trình trên đều do nhân viên y tế bế trẻ đi làm, người nhà ngồi đợi ở ngoài cửa khoa. Cũng chính vì thế mới xảy ra chuyện sản phụ Thơm đưa con cho một nhân viên y tế giả danh bế đi mà không hề nghi ngờ, đến nay sau 4 ngày vẫn chưa tìm thấy tông tích bé.
“Từ trước đến nay quy trình ở đây đều như thế, ai ngờ lại có kẻ mạo danh nhân viên y tế bắt cóc bé nên mới chủ quan. Bây giờ thì chắc tất cả rút kinh nghiệm rồi, gia đình sản phụ sẽ để ý kỹ hơn đến bé kể cả khi nhân viên y tế mang đi chích ngừa, xét nghiệm”, đây là lần thứ hai chị Nga sinh ở Bệnh viện Phụ sản trung ương nên tỏ ra quen thuộc với quy trình.
Các sản phụ đang nằm ở phòng sau sinh. Ảnh: P.T. |
Bệnh phụ sản Trung ương nằm trên phố Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây cũng là khu vực tập trung một số bệnh viện lớn như Việt - Đức, K… nên lượng người qua lại rất lớn. Sáng 3/11 tại khoa sản 2 Bệnh viện phụ sản Trung ương, bé trai mới 3 ngày tuổi được một phụ nữ mặc áo blouse trắng, quần bò, đầu đội mũ giấy xanh, đeo thẻ bệnh viện, đeo khẩu trang bế đi để làm xét nghiệm máu từ hơn 10h sáng nhưng đến chiều vẫn chưa thấy trả lại. Em bé mang số 16672, con của sản phụ Trần Thị Thơm (34 tuổi, Hưng Yên).
Khoa sản 2 (phòng sau sinh) - nơi xảy ra vụ bắt cóc ở tầng 6, nhà G của bệnh viện, có 4 cửa và đều thường xuyên được khóa. Chỉ nhân viên y tế mới có chìa khóa, tuy nhiên không hề có nhân viên bảo vệ.
Sáng thứ bảy 5/11, còn hơn 30 phút nữa mới đến giờ vào thăm buổi trưa nhưng tại hai đầu của khoa đã rất đông người nhà sản phụ đứng đợi. Nhiều người thậm chí phải trực trường kỳ nên mang cả chiếu đi nằm, ngồi ở ngoài hành lang. Phía trong một số sản phụ được kê giường nằm ngay ngoài hành lang, có giường đến 2 sản phụ nằm ghép với nhau.
Đúng 10h30, một nhân viên y tế ra mở cửa (mở một trong 4 cửa), tất cả người nhà đổ xô vào khoa qua cánh cửa sắt rộng hơn một mét. Khu vực bên ngoài khoa đang ồn ào, nhìn đâu cũng chỉ thấy người ngồi, nằm, đứng thì chỉ trong vài phút trở nên yên tĩnh vì tất cả đã đổ xô hết vào trong. Cả khoa kẹt cứng người. Thời điểm này, người ra vào tự do, không giới hạn cũng như không hề có bất kỳ sự kiểm soát nào. Nhân viên y tế trong khoa cũng tất tả chạy ngược xuôi chăm sóc sản phụ và bé. Vì thế, trong lúc lộn xộn này, nếu có người lén bế trẻ ra khỏi khoa cũng không bị ai để ý.
Vào giờ thăm sản phụ buổi trưa, khoa sản 2, Bênh viện Phụ sản Trung ương luôn đông nghịt người. Ảnh: P.N. |
Một khi trẻ đã được bế ra khỏi khoa thì rất dễ được đưa ra khỏi bệnh viện. Bệnh viện Phụ sản Trung ương có 3 cổng, một ở phố Tràng Thi và 2 cổng ở phố Triệu Quốc Đạt, đều là những con đường người qua lại tấp nập. Tại các cổng đều có nhân viên bảo vệ (khoảng 2-3 người). Song khi một người bế bé đi ra khỏi viện, không bảo vệ nào chặn lại hỏi hay bắt xuất trình bất kỳ giấy tờ nào. Thực tế, bệnh viện cũng đã ghi nhận những trường hợp tự ý bỏ viện trong khi chưa được phép.
Về vấn đề này, bác sĩ Trần Thị Tuyết Lan, Trưởng khoa sản 2, Bệnh viện Phụ sản Trung ương thừa nhận, sự việc mất bé sơ sinh xảy ra cũng một phần do chủ quan từ bệnh viện. Lâu nay bệnh viện cũng không có quy định kiểm tra giấy tờ xuất viện khi đưa bé ra cổng. “Quy trình này, chúng tôi làm bao nhiêu năm rồi mà đây là lần đầu tiên xảy ra mất bé”, bà Lan nói.
Luật sư Cao Bá Trung, Công ty Luật Hợp danh INCIP, đại diện gia đình sản phụ mất con cho rằng, hậu quả của vụ việc trên là đặc biệt nghiêm trọng, mà nguyên nhân chủ yếu là các y bác sĩ trong ca trực hôm đó đã thiếu trách nhiệm để một người lạ mặt được vào phòng sản phụ trong khoảng thời gian cấm thân nhân thăm hỏi. Vì vậy, hành vi trên của các y bác sĩ trong ca trực ngày 3/11 có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự.
Phương Trang