"Anh ta không còn nhớ mặt tôi nhưng tôi thì nhớ rõ lắm. Thì ra tên này không phải bị lỡ đường gì mà chỉ là một trò bịp để xin tiền. Mặc dù số tiền đã cho không nhiều nhưng mình vẫn ấm ức khi biết lòng tốt của mình và nhiều người đi đường đã bị hắn lợi dụng", chị Lệ bức xúc.
Theo phản ánh của một số người dân tại TP HCM, hiện nay trên các tuyến đường như: Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, xa lộ Hà Nội và trước các cổng trường học, chùa chiền, nhà thờ, thường có nhiều người ăn mày đóng kịch để xin tiền như trường hợp trên. Họ vào vai bộ dạng đáng thương của một người khuyết tật hoặc từ miền quê lên thành phố khám bệnh bị lỡ đường, hết xăng, không đủ tiền chữa bệnh cho con... để tranh thủ lòng tốt của mọi người. Cứ như thế kịch bản này vẫn tiếp tục được dùng hết ngày này qua ngày khác.
![]() |
Một thanh niên đeo cặp trên vai (chạy xe máy màu xanh) đi dọc tuyến đường Điện Biên Phủ từ quận 10 đến quận 1, TP HCM, gặp ai cũng xin 5.000 đồng để đổ xăng. Ảnh: Thi Trân. |
Anh Hoàng, nhà ở quận Bình Thạnh cho biết, sáng nào anh cũng thấy một thanh niên chở bà lão trạc 60 tuổi, ăn mặc rách rưới đến trước cổng nhà anh rồi để bà cụ đi bộ dọc theo con đường Xô Viết Nghệ Tĩnh với diễn màn "xin tiền xe về quê".
Bà lão với bộ mặt thất thểu tội nghiệp gặp ai cũng "ra giá" xin 10.000 đồng với lý do lên thành phố bị giật túi không còn tiền đi xe về quê. Nhiều người đi đường thương cảm hoàn cảnh bà lão cũng không ngại giúp đỡ, song nếu ai từ chối cho tiền thì bị bà nói sốc dằn mặt ngay tại trận.
"Tụi tui ở đây nhẵn mặt rồi nên bà ấy chủ yếu xin khách qua đường thôi. Vậy mà ngày nào cũng có cả chục người giúp đỡ từ vài nghìn đến vài chục nghìn, rồi lâu lâu có người từ chối còn bị bà ấy chửi lời lẽ không ra gì", anh Hoàng kể.
Chị Nguyễn Ngọc Thanh Trà (quận 8, TP HCM), một giáo viên cũng cho biết, mỗi buổi chiều khoảng 16-18h đi dạy qua cầu kênh đen quận 2, chị đều gặp một cậu bé ngồi trên cầu khóc sướt mướt trên đống bánh mì đổ tung tóe dưới chân. Hễ có ai lại gần là cậu bé càng khóc to hơn mong gây sự chú ý, song hễ ai động lòng dừng lại hỏi han thì sẽ bị lọt vào bẫy của một nhóm người.
"Hôm đó mình đi từ xa đến, thấy một chị dừng xe lại gần định giúp đỡ đứa bé tội nghiệp kia. Song vừa thấy chị, đứa trẻ hành khất kia sẽ la toáng lên vu cho người đó làm đổ bánh của mình, ngay lập tức một bọn thanh niên bao vậy chị ấy và yêu cầu bồi thường 10.000 đồng. Có lẽ đây là một cái cái bẫy đã được cài sẵn", giáo viên này nhận định.
Theo ghi nhận của một cán bộ công an phường 26, quận Bình Thạnh, những "kịch bản" mà ăn xin giả "diễn" trên vỉa hè, đường phố, chốn đông người để xin tiền lâu nay đang rộ lên rất nhiều. Thậm chí có nhiều đối tượng dẫn theo một đứa trẻ vào thẳng trụ sở công an để xin tiền chữa bệnh cho con, song khi cán bộ yêu cầu xuất trình giấy tờ và hồ sơ bệnh án của con thì không hề có.
"Ngày ngày tôi vẫn thấy những người đi ăn xin mỗi ngày trên đường phố. Dường như mỗi người chúng ta đều cảm thấy thương cảm trước hoàn cảnh của họ. Hầu hết, trong số họ thực sự rất đáng thương, nghèo đói và cần những người khác chia sẻ, giúp đỡ. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có một số khác do lười biếng lao động mà giả dạng đáng thương để lợi dụng lòng tốt của mọi người thì cần phải lên án", cán bộ nói.
Tuy nhiên ông cũng cho biết, đã nhiều lần cơ quan công an địa phương bàn thảo về các phương án xử lý nghiêm đối với những trường hợp ăn mày giả như trên, song dường như rất khó thực hiện. Bởi thực tế rất khó để phân biệt đâu là hành khất thật, giả bởi các đối tượng giả bây giờ rất tinh vi, thậm chí còn "nhập vai" giống hơn cả người thật.
"Ngay cả những người ăn mày với vết thương lở loét đầy máu cũng có thể là vết thương giả với công nghệ tinh vi mà chỉ bằng mắt thường quan sát khó mà phát hiện được", cán bộ này cho hay.
Thi Trân