Kiểm tra ớt bột tại cơ sở chế biến ở xã Trung Chánh, Phù Mỹ, Bình Định. Ảnh: Hằng Nga |
Những mẫu này do các tỉnh như Hải Phòng, Huế, Hà Nội, Bắc Ninh... gửi về vì nghi ngờ có Rhodamine B, các mẫu còn lại do Viện tự lấy trên thị trường trong một tháng qua, có mẫu có nhãn mác, có mẫu không.
Tiến sĩ Hảo cho biết Rhodamine B là phẩm màu công nghiệp dùng để nhuộm vải, có tính chất phát quang. Những thực phẩm có màu sắc sặc sỡ, đặc biệt thiên về màu cánh gián thì nguy cơ nhiễm Rhodamine B rất cao.
Cũng theo bà Hảo, chất này có thể vào thực phẩm qua hai nguồn. Thứ nhất là từ phân bón, thuốc trừ sâu (cây, hoa quả thu hái vẫn còn dính nếu không xử lý tốt) nhưng lượng này không đáng kể, chỉ là vết. Điều đáng lo là nguồn thứ 2, do những người sản xuất và kinh doanh dùng để nhuộm màu thực phẩm.
Tiến sĩ Hảo cũng cho biết, phẩm màu công nghiệp nói chung, Rhodamine B nói riêng đều độc hại, bị cấm sử dụng trong thực phẩm vì khó phân hủy. Tùy từng cơ thể mà ảnh hưởng đến gan, thận hoặc tồn dư lâu ngày, gây độc hại cho cơ thể. Còn thực sự chúng có gây ung thư hay không hiện vẫn chưa chắc chắn.
Trong ngày 16/1, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu một gian hàng tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội dừng bán hàng 3 ngày vì bán 5 cân hạt dưa đỏ không rõ nguồn gốc. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: "Đến nay, Sở Y tế chưa cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho cơ sở sản xuất kinh doanh hạt dưa đỏ nào ở địa bàn Hà Nội". Ngoài ra, nhiều chủ gian hàng khi mua thực phẩm đóng gói trong bao bì lớn về tự sang chiết vào các túi nhỏ nhưng không làm thủ tục công bố chất lượng sản phẩm. |
"Phẩm màu thực phẩm và tự nhiên có độ bền kém hơn, lại đắt hơn phẩm màu công nghiệp. Do vậy, nhiều người kinh doanh đã lạm dụng phẩm màu công nghiệp dù chất này từ lâu đã bị cấm sử dụng. Vì thế, chỉ cần biết là thực phẩm sử dụng phẩm màu công nghiệp, không cần biết chất gì đã phải tiêu hủy", tiến sĩ Hảo nói.
Bà Hảo cũng khuyến cáo, để loại bỏ thực phẩm dùng Rhodamine B và những phẩm màu công nghiệp khác, người dân nên hạn chế chọn thực phẩm có màu sắc sặc sỡ. Chỉ chọn thực phẩm có màu tự nhiên, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng.
Ngoài ra, cũng theo tiến sĩ, vì ớt bột có chứa Rhodamine B nên những thực phẩm khác sử dụng ớt bột cũng có nguy cơ chứa chất hóa học độc hại này. Vì thế, trong thời gian tới, Viện sẽ tập trung lấy mẫu một số nhóm mặt hàng có nguy cơ cao, phục vụ Tết, không chỉ tìm chất Rhodamine B, mà bất kỳ phẩm màu công nghiệp nào khác.
Nam Phương