Ngày 4/4, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) công bố kết quả lấy ý kiến nhân dân về Quy hoạch tổng thể mặt bằng ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) với 90% số người được hỏi đồng ý, 7% phản đối và 3% không có ý kiến.
Lãnh đạo MRB cho hay, việc lấy ý kiến được tiến hành từ ngày 9 đến 31/3; trong thời gian trưng bày Quy hoạch trên, có bàn ghi nhận ý kiến tại chỗ và tiếp thu đóng góp qua email, khảo sát trực tuyến.
Là người tham gia góp ý trong ngày đầu khảo sát, KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Hà Nội) cho biết ông không đồng tình với quy hoạch trên. "Một số kiến trúc sư đã nhiều lần bày tỏ quan điểm ga ngầm đường sắt đô thị phải lùi xa Hồ Gươm", ông nói.
Trước kết quả công bố "90% người được hỏi đồng ý với quy hoạch ga C9" (ga ngầm gần Hồ Gươm), KTS Ánh cho rằng: "Ý kiến khác nhau về một vấn đề là bình thường, tôi tôn trọng kết quả đó, tuy nhiên với tôi thì tỷ lệ đồng thuận cao không mang nhiều ý nghĩa do cách tổ chức lấy ý kiến thiếu khoa học, không đi vào trọng tâm vấn đề. Có cảm giác việc lấy ý kiến chỉ mang tính đối phó, trấn an dư luận".
Đây không phải lần đầu Hà Nội có các cuộc khảo sát ý kiến gây tranh cãi.
Lát vỉa hè Hồ Gươm bằng đá tự nhiên hay nhân tạo?
Cùng thời gian MRB lấy ý kiến về ga C9, Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm còn diễn ra việc lấy ý kiến cộng đồng bằng phiếu về phương án chỉnh trang quanh Hồ Gươm, trong đó có việc lát vỉa hè bằng đá hoa cương Bình Định (từ ngày 2 đến 14/3). Kết quả được quận Hoàn Kiếm công bố với trên 93% người tham gia đồng tình gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng.
Ông Phạm Thế Minh - nguyên Thứ trưởng Xây dựng cho rằng, thành phố còn nhiều việc phải làm, nên dùng ngân sách cho các công trình dân sinh cấp thiết khác. Vỉa hè Hồ Gươm có thể sử dụng vật liệu nhân tạo và giám sát chặt chẽ từ mua nguyên liệu, thi công sẽ cho chất lượng công trình tốt, không nhất thiết dùng đá tự nhiên.
Gần một tháng khảo sát, chỉ 15 ý kiến tham gia
Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội cuối năm 2017, 100% đại biểu có mặt đã nhất trí thông qua nghị quyết bổ sung quy định thu phí, lệ phí trong đó có tăng phí trông giữ phương tiện tại các khu vực trung tâm. Trước khi nghị quyết được thông qua, giải trình một số vấn đề liên quan, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện nêu: "Khi đưa ra Mặt trận tổ quốc đánh giá tác động, đưa lên cổng thông tin điện tử thành phố thì thấy đa số người dân và các cơ quan đồng tình ủng hộ".
Nhưng theo báo cáo của UBND gửi HĐND thành phố ngay trước kỳ họp, chỉ có 15 ý kiến tham gia đóng góp sau khoảng 25 ngày dự thảo nghị quyết được đăng tải trên cổng giao tiếp điện tử thành phố (https://hanoi.gov.vn). Trong 15 ý kiến trên, có 9 ý kiến đồng tình với nội dung dự thảo, 2 ý kiến phản đối và 4 ý kiến đề nghị giữ nguyên mức phí hiện hành.
Cũng trong năm 2017, Hà Nội lấy ý kiến nhân dân về đề án quản lý phương tiện cá nhân theo phương pháp chọn mẫu. Kết quả, trên 80% người dân ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân khi có phương tiện công cộng thay thế. Thời điểm này, nhiều người dân sử dụng xe máy cho rằng họ không được hỏi, nếu được hỏi thì có thể kết quả sẽ khác.
Trước những thắc mắc về kết quả khảo sát, ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải (đại diện cơ quan soạn thảo đề án quản lý phương tiện cá nhân) khẳng định: "Chúng tôi không khai man, không bốc thuốc. Cán bộ khảo sát đưa phiếu đến từng hộ gia đình chứ không gặp ngẫu nhiên ngoài đường. Trên mẫu phiếu có chữ ký của từng người được hỏi, của tổ trưởng tổ dân phố, cảnh sát khu vực".
Khảo sát về loa phường gặp "sự cố"
Cuộc khảo sát được nhiều người quan tâm nhất trong năm 2017 của Hà Nội là lấy ý kiến nhân dân về loa phường. Sau ý kiến "loa phường đã hoàn thành sứ mệnh" của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, từ ngày 25/1, thành phố tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên cổng giao tiếp điện tử. Tuy nhiên, tối 6/2, hệ thống lấy ý kiến bất ngờ gặp sự cố.
Trước khi gặp sự cố, riêng phần lấy ý kiến nhân dân về loa phường thể hiện số lượt tham gia bình chọn gần 100.000. Trong đó, gần 80% chọn phương án cần thiết duy trì hệ thống loa phường và chỉ hơn 20% bình chọn không nên duy trì hệ thống loa phường. Kết quả bình chọn này trái ngược hoàn toàn với số liệu những ngày trước đó, khi đa số cho rằng không nên duy trì loa phường.
Cuối cùng, cuộc khảo sát kết thúc vào ngày 25/2 với trên 3.000 người tham gia. Đa số cho hay thông tin từ loa phường không có ích (gần 90%) và không nên duy trì loa phường như hiện nay (khoảng 90%).
Cần tổ chức độc lập thực hiện khảo sát
Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam Phạm Thanh Tùng cho rằng, việc TP Hà Nội lấy ý kiến nhân dân về các vấn đề quan trọng, trong đó có cải tạo hạ tầng khu vực Hồ Gươm, quy hoạch ga ngầm C9 là cách làm hay, đáng biểu dương. Tuy nhiên, theo ông, nếu việc lấy ý kiến được kéo dài và tuyên truyền rộng rãi thì số người đóng góp sẽ cao và hiệu quả hơn.
Ở góc nhìn khác, PGS.TS Phạm Bích San - chuyên gia xã hội học cho hay, kinh nghiệm các nước như Anh, Pháp cho thấy tổng số phiếu tham gia không quá quan trọng. "Quan trọng là cách thức tổ chức, quy trình chọn mẫu, câu hỏi, quá trình tổng hợp ý kiến", TS San nói.
Để việc lấy ý kiến nhân dân được minh bạch, TS Phạm Bích San cho rằng nên để các tổ chức độc lập đứng ra làm thay vì chỉ một cơ quan vừa triển khai dự án vừa khảo sát ý kiến.
TS San dẫn chứng một số kết quả khảo sát uy tín hiện nay như Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng thương mại và Công nghiêp Việt Nam (VCCI); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) đều do một số tổ chức phối hợp thực hiện và tiến hành độc lập.
Hà Nội ở nhóm thấp nhất về chỉ số công khai minh bạch Chỉ số PAPI 2017 được công bố ngày 4/4/2018 cho thấy, TP Hà Nội nằm trong nhóm trung bình thấp về chỉ số Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Tham gia quyết định về các công trình công cộng (chỉ số này đo lường ý thức công dân về quyền tham gia và việc chính quyền tạo điều kiện cho người dân thực hiện). Với chỉ số công khai minh bạch thông tin nhằm đáp ứng quyền được biết của người dân về những chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của họ, TP Hà Nội nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất (5,27 điểm trong thang điểm 10). Tương tự, chỉ số Trách nhiệm giải trình với người dân; Chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công của TP Hà Nội cũng bị xếp vào nhóm cuối cùng... |
Võ Hải