Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố chương trình đào tạo "Thạc sĩ luật học về Quản trị Nhà nước và Phòng chống tham nhũng". Đây là chương trình đào tạo cấp độ thạc sĩ về vấn đề này đầu tiên ở Việt Nam và sẽ bắt đầu từ năm 2018.
PGS Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm Khoa Luật cho biết, chương trình được xây dựng với mục tiêu đào tạo chuyên gia có kiến thức toàn diện, chuyên sâu cho cơ quan có nhu cầu về lĩnh vực này ở Việt Nam, như: Đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cơ sở học thuật, cơ quan truyền thông...
Diện tuyển sinh được mở rộng gồm những người có bằng tốt nghiệp đại học Luật, bằng tốt nghiệp các ngành liên quan mật thiết đến quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng.
GS Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo đại học và sau đại học Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, từ năm 2013 đơn vị đã có giáo trình về phòng, chống tham nhũng. Nhưng sau mấy năm cân nhắc, thảo luận, trường mới ra mắt chương trình riêng. Theo ông, hiện nhiều người chỉ nhìn thấy những biểu hiện tham nhũng là làm sai luật, lấy cắp của công thành tư. Còn những hình thức tinh vi hơn như tham nhũng chính sách, cấu kết với doanh nghiệp..., thì không phải ai cũng nhận biết được.
“Sẽ rất tốt nếu những người tham gia đào tạo Thạc sĩ phòng, chống tham nhũng làm ở các ngành như kiểm soát, công an, toà án... Họ có kinh nghiệm thực tiễn, được tham gia chương trình sẽ trở thành những người góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam”, ông Đức bày tỏ.
GS Đức cũng khẳng định, ngành đào tạo này trên thế giới đã có nên Việt Nam không ngoại lệ; ngành học cũng không chồng chéo với ngành Luật, trong đó có Luật hình sự.
"Phòng, chống tham nhũng không chỉ cần sự quyết tâm"
Ủng hộ chương trình trên, TS Đinh Văn Minh - Viện trưởng Chiến lược và Khoa học Thanh tra cho biết, hiện Việt Nam đã có chương trình đào tạo về phòng, chống tham nhũng trong nhà trường, ở cấp phổ thông trung học, các trường đại học, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề...
"Từ năm 2009, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng. Mỗi cấp học một hình thức phù hợp với đặc điểm về đối tượng, chương trình học. Các em trung học phổ thông thì lồng ghép vào môn giáo dục công dân. Đại học lồng ghép vào môn pháp luật đại cương", ông Minh nói và khẳng định việc đưa nội dung này vào nhà trường đã bước đầu đi vào nề nếp, góp phần nâng cao nhận thức của giới trẻ.
Viện trưởng Thanh tra nhấn mạnh, đến lúc này, việc đặt vấn đề đào tạo ở trình độ cao về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng là phù hợp. "Bởi vì phòng, chống tham nhũng không chỉ cần sự quyết tâm mà phải có những biện pháp, giải pháp tích hợp, hiệu quả, trên cơ sở các nghiên cứu toàn diện và khoa học", ông nói.
Nêu ví dụ về vụ sửa điểm thi ở Hà Giang và một số nơi khác, ông Minh cho rằng khi có chương trình đào tạo trên thì các vụ như vậy là cơ hội tốt để tổng kết lý luận từ thực tiễn; giúp nâng cao nhận thức về tính minh bạch trong hoạt động công quyền.
"Liên quan đến việc sửa điểm thi, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn nằm trong nhóm tội về tham nhũng. Người ta sửa điểm có thể vì tiền hoặc vì các quan chức. Tại sao công luận và cơ quan chức năng phát hiện được? Đó chính là nhờ sự minh bạch. Vì có công khai điểm thi nên chỉ cần dùng thuật toán đặt điểm thi ở Hà Nội cạnh Hà Giang, TP HCM thì tất cả mọi người đều thấy rất bất hợp lý", ông Minh phân tích.
"Nên thiết kế chuyên đề thay vì mở chương trình đào tạo"
Bên cạnh ý kiến ủng hộ, việc lần đầu tiên ở Việt Nam có chương trình đào tạo Thạc sĩ phòng chống tham nhũng cũng nhận được quan điểm trái chiều.
Ông Lưu Bình Nhưỡng - Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội nêu vấn đề, bất cứ cơ quan nào tham gia vào công cuộc phòng, chống tham nhũng đều đáng khuyến khích. Nhưng mở chương trình đào tạo Thạc sĩ phòng chống tham nhũng thì “có vẻ là mượn cái lạ để phô trương”.
Ông lý giải, nội dung đào tạo phòng chống tham nhũng đã được đưa vào chương trình giáo dục công dân ở cấp phổ thông với nội dung giảng dạy về đạo đức, lối sống, pháp luật. “Do vây, nên có các chuyên đề, chứ không cần thiết phải có chương trình đào tạo riêng về Thạc sĩ phòng chống tham nhũng. Những ai học ngành Luật đều sẽ hiểu tội phạm tham nhũng là thế nào, hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật biểu hiện ra sao”, ông Nhưỡng chia sẻ.
Trong khi đó, theo ông Đinh Văn Minh, chống tham nhũng không chỉ "bắt ông nọ, bắt ông kia, tù tội, tử hình" mà là vấn đề lớn và phức tạp, đòi hỏi phải có hệ thống các giải pháp được nghiên cứu thấu đáo.
Theo ông Minh, trong thực tế đôi khi có những giải pháp được thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp, nên không ít người thiếu sự tin tưởng vào các nỗ lực liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng. Đơn cử với giải pháp về kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, người dân từng kỳ vọng sẽ giúp phát hiện vụ việc tham nhũng, nhưng vì các điều kiện hạn chế của pháp luật, quản trị nên "chưa làm được như mong muốn".
"Vạn sự khởi đầu nan, cái gì mới đều chưa thể mong tất cả chấp nhận và ủng hộ. Đó cũng là điều bình thường và trách nhiệm của cơ sở đào tạo cũng như người học là bằng kết quả trong thực tiễn để thuyết phục", ông Minh nói.