Trao đổi với VnExpress, ông Trần Châu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa đồng ý xây hầm đường bộ quốc lộ 1A nối hai tỉnh Bình Định và Phú Yên xuyên đèo Cù Mông.
"Kinh phí đề xây hầm đường bộ qua đèo Cù Mông được trích từ nguốn vốn còn dư trong quá trình thi công hầm đường bộ Đèo Cả (nối hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên)", ông Châu nói.
Hiện Sở Giao thông Vận tải Bình Định, Tổng Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (đơn vị thi công hầm Đèo Cả) và công ty tư vấn nghiên cứu, khảo sát lập dự án đầu tư hầm đường bộ qua đèo Cù Mông.
Theo ông Châu, việc xây hầm đường bộ qua đèo Cù Mông không chỉ rút ngắn quãng đường, giảm khoảng 45 phút đi lại trên đèo như hiện nay mà còn góp phần giảm tai nạn giao thông trên cung đường nguy hiểm này.
Lãnh đạo Công ty CP đầu tư đèo Cả cho biết thêm, theo quyết định phê duyệt dự án hầm đường bộ qua đèo Cả của Bộ Giao thông Vận tải năm 2012, tổng mức đầu tư của dự án hơn 15.600 tỷ đồng. Dự án dài hơn 13,4 km, trong đó phần hầm đèo Cả dài hơn 4 km và hầm Cổ Mã dài hơn 500 m (nối hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) theo hình thức BOT và BT.
Sau khi tính toán, rà soát lại các hạng mục đầu tư, điều chỉnh lại đơn giá vật liệu, nhân công, ca máy, thiết kế kỹ thuật, tổng mức đầu tư dự án hầm đường bộ đèo Cả giảm xuống còn 11.978 tỷ đồng ( tiết kiệm 3.626 tỷ đồng) so với mức phê duyệt ban đầu. Chi phí tiết kiệm từ hầm đèo Cả, nhà đầu tư đề xuất Bộ sử dụng để đầu tư hầm đường bộ qua đèo Cù Mông dài gần 6,5km, trong đó chiều dài hầm gần 2,5km, đường dẫn hơn 4km. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến hơn 4.900 tỷ đồng, không lập thêm trạm thu phí mới.
Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư với quy mô hai làn xe, xây dựng một ống hầm và đoạn đường dẫn với tổng mức đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng. Giai đoạn 2, cân đối vốn tiếp tục đầu tư ống hầm song song với giai đoạn 1 và hoàn thiện đường dẫn với quy mô bốn làn xe.
Trí Tín