Tại cuộc họp báo sáng 28/9, ông Bùi Trường Giang - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, Hội nghị Trung ương 8, khóa XII sẽ diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 2 đến 6/10 để xem xét nhiều nội dung quan trọng. Trong đó có quy định trách nhiệm nêu gương của đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Giới thiệu nội dung trên, ông Vũ Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, quy định này được chuẩn bị từ đầu năm 2018, qua nhiều công đoạn như tổ chức hội thảo, tham vấn ý kiến, đến nay đã cơ bản hoàn thiện dự thảo và sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét trình Hội nghị Trung ương tới đây.
Theo ông Sơn, quy định về trách nhiệm nêu gương được soạn thảo ngắn gọn, có tính khái quát và trọng tâm rõ ràng với khoảng hơn 3 trang, 4 điều.
"Nội dung cụ thể thì phải chờ hội nghị Trung ương, tuy nhiên tôi có thể nói tinh thần của quy định là đảng viên phải chấp hành cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của Đảng, cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu", ông Sơn cho biết.
Điều một quy định chung cho các đảng viên. Điều 2 và điều 3 dành riêng cho các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban bí thư và Ủy viên Trung ương Đảng dựa trên nguyên lý "có xây, có chống và xây trước, chống sau".
Cụ thể, điều 2 gồm 9 điểm, quy định những vấn đề mang tính "xây" mà mỗi cán bộ cấp cao phải gương mẫu thực hiện, từ trách nhiệm nêu gương trong quan hệ với tổ chức Đảng, với Tổ quốc, nhân dân và đối với chức trách, nhiệm vụ, gia đình...
Điều 3 nêu rõ mỗi cán bộ cấp cao phải nghiêm khắc với bản thân mình và kiên quyết "chống" các biểu hiện suy thoái, tình trạng quan liêu, tiêu cực, tham nhũng... "Cá nhân đảng viên không được vi phạm và khi phát hiện ra thì cũng có trách nhiệm không để người khác vi phạm", ông Sơn nói. Điều 4 là về tổ chức thực hiện.
Trả lời câu hỏi quy định trên có đề ra chế tài với trường hợp thực hiện thiếu nghiêm túc hay không, ông Vũ Thanh Sơn cho hay "đây là quy định về nêu gương, do vậy mang tính khuyến khích, răn đe và cảnh báo; còn các chế tài mang tính kỷ luật của Đảng và quy định pháp luật thì vẫn thực hiện theo hiện hành".
"Cá nhân nào vi phạm thì đã có pháp luật điều chỉnh, còn chế tài của quy định nêu gương là gắn với công tác kiểm điểm cá nhân hàng năm và bình xét thi đua”, ông Sơn cho biết thêm.
Theo đại diện Ban Tổ chức Trung ương, trên đây là quy định mới nhằm đề cao trách nhiệm nêu gương của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban bí thư, Trung ương.
Các quy định đã có, cụ thể như quy định 155 về "những điều đảng viên không được làm"; quy định 101 (năm 2012) về "trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"... tiếp tục có hiệu lực.
Cùng với quy định về "trách nhiệm nêu gương", Hội nghị Trung ương 8, khóa XII sẽ xem xét báo cáo kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển năm 2019; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; việc thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng; xem xét công tác nhân sự và một số nội dung quan trọng khác.
Tổng số đại biểu tham dự Hội nghị là 223 người, trong đó có 176 Ủy viên Trung ương chính thức, 20 Ủy viên dự khuyết và một số thành phần khác.