Theo bản tổng hợp trả lời kiến nghị của cử tri được Ban Dân nguyện gửi tới đại biểu Quốc hội, người dân ở nhiều tỉnh, thành đã đề nghị Bộ Quốc phòng tham mưu Chính phủ "những biện pháp cụ thể hơn" về tình hình biển đảo.
Trả lời kiến nghị này, Bộ Quốc phòng khẳng định trong những năm qua, tình hình Biển Đông cơ bản ổn định; tuy nhiên, việc đánh bắt hải sản của ngư dân vẫn còn diễn biến phức tạp.
Để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và bảo đảm an toàn cho ngư dân hoạt động trên biển, Bộ Quốc phòng đã tập trung đầu tư, phát triển mạnh một số lực lượng như Hải quân, Cảnh sát biển, Không quân. Trong đó, Bộ đã đầu tư, mua sắm, đóng mới nhiều tàu tuần tra cho một số lực lượng chức năng; đồng thời, ưu tiên đầu tư, xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành ven biển và các công trình phục vụ hoạt động kinh tế biển trên các đảo.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng đã chủ động nắm tình hình, xây dựng phương án bảo vệ chủ quyền và bảo đảm an ninh trật tự trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc; hàng ngày, lực lượng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển thường xuyên duy trì các tàu trực tại khu vực vùng biển trọng điểm, tiến hành tuần tra, kiểm soát dọc theo vùng biển giáp ranh với các nước để nắm tình hình, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc...
Trong thời gian tới, Bộ Quốc phòng tiếp tục thực hiện các giải pháp với quan điểm: Kiên định về chiến lược, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược.
Văn bản trả lời cử tri của Bộ nêu rõ, kiên trì giải quyết vấn đề chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia bằng biện pháp hòa bình; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao và pháp lý với chuẩn bị phương án quân sự; kiên quyết bảo vệ toàn vẹn, thống nhất chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo.
Bộ Quốc phòng cũng khẳng định việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, giữ quan hệ hữu nghị hợp tác với Trung Quốc và các nước để phát triển đất nước; xử trí tình huống ở Biển Đông trên cơ sở Công ước quốc tế về Luật biển 1982, Luật biển Việt Nam, DOC, thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản trong việc giải quyết vấn đề trên biển giữa Lãnh đạo cấp cao Việt Nam-Trung Quốc.
"Giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, không bị lôi cuốn vào cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc", văn bản nêu.
Theo Bộ Quốc phòng, việc xử lý vấn đề chủ quyền cần xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc và tổng thể mối quan hệ Việt Nam với các nước; không kích động tinh thần dân tộc cực đoan, hận thù...
Cử tri Tiền Giang kiến nghị Bộ Quốc phòng có giải pháp "đầu tư trang bị thiết bị hải quân hùng mạnh". Giải đáp vấn đề này, Bộ Quốc phòng cho hay, Bộ Chính trị và Chính phủ đã rất quan tâm, chăm lo đầu tư xây dựng quân đội vững mạnh cả về tổ chức và trang bị; hàng năm dành một nguồn ngân sách đáng kể, đầu tư cho Bộ Quốc phòng mua sắm vũ khí, trang bị nhằm củng cố, duy trì và nâng cao tiềm lực quân sự quốc phòng, hiện đại hóa quân đội.
Theo đó, với nguồn ngân sách được bảo đảm, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư mua sắm vũ khí, trang bị hiện đại hóa cho các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển làm nhiệm vụ trực tiếp trên biển để giữ gìn biên giới biển, đảo, thực thi pháp luật, bảo vệ tính mạng, tài sản của ngư dân Việt Nam khai thác thủy hải sản tại các ngư trường.
Cụ thể, Việt Nam đã đầu tư mua sắm tàu ngầm, tàu hộ vệ tên lửa, tổ hợp tên lửa bờ; đóng mới tàu tên lửa tấn công nhanh có hỏa lực mạnh, có tính răn đe cao; các tàu Cảnh sát biển đa năng thế hệ mới ....
Tuy nhiên, theo Bộ Quốc phòng, do tiềm lực kinh tế của đất nước còn khó khăn, nhu cầu ngân sách bảo đảm cho quốc phòng rất lớn; nhất là, trang bị vũ khí thế hệ mới, có giá thành rất cao, do đó việc đầu tư mua sắm vũ khí trang bị cho Quân đội nói chung, lực lượng Hải quân nói riêng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần phải được huy động tiềm lực của các cấp, các ngành và sự đóng góp của toàn xã hội.
Bộ Quốc phòng cho biết, Đảng và Nhà nước tiếp tục chủ trương đầu tư bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2025, và Bộ đang triển khai xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện theo khả năng bảo đảm ngân sách của Chính phủ.
Cử tri Vĩnh Long cho rằng "việc lấy tên lãnh tụ đất nước để đặt tên cho một loại phương tiện vũ khí (tàu ngầm) là không phù hợp, vì vậy nên cân nhắc kỹ và xem xét lại vấn đề này".
Trả lời nội dung này, Bộ Quốc phòng cho hay, trên thế giới, việc đặt tên dân sự cho tàu chiến đấu của Hải quân (ngoài phiên hiệu quân sự) theo tên của các vị lãnh tụ, các danh tướng có nhiều công lao đóng góp cho công cuộc dựng nước và giữ nước là phổ biến. Hải quân các nước như Nga, Mỹ, ... đều đặt tên cho các tàu theo cách này.
Các tàu ngầm Kilo 636 của Việt Nam được đặt tên theo tên các thành phố lớn như: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hiện lực lượng tàu chiến của Hải quân Việt Nam có 3 tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 mang tên các vị vua: Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Quang Trung; một tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 mang tên danh tướng Trần Hưng Đạo.
"Việc đặt tên cho các tàu mang ý nghĩa tôn vinh các vị tiền nhân, anh hùng dân tộc đã có công lao to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước, khơi gợi niềm vinh dự, tự hào dân tộc trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội. Mặt khác, việc đặt tên tàu cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đối ngoại quân sự trong quá trình hội nhập và phát triển của đất nước", Bộ Quốc phòng nêu.