Chiều 25/10, Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Người có mức tín nhiệm thấp nhất là Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ, kế đó là Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể.
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng bày tỏ sự chia sẻ với hai Bộ trưởng Giáo dục, Giao thông. Ông cho rằng đây là những lĩnh vực rất khó, vì yêu cầu của xã hội với sự phát triển của lĩnh vực này rất cao. Xã hội đòi đường sá phải mở mang, giao thông phải đỡ ùn tắc, người dân đòi hỏi chất lượng giáo dục phải nâng cao, đổi mới phải mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, nguồn lực của quốc gia thì có hạn nên mức đầu tư cho các lĩnh vực này cũng hạn chế, tỷ lệ phần trăm đáng kể nhưng số tiền tuyệt đối không nhiều.
"Ngành Giáo dục và Giao thông phải giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu của xã hội và nguồn lực có hạn. Áp lực nặng nề như vậy nhưng nguồn lực lại có hạn nên kết quả của ngành không đáp ứng được kỳ vọng của xã hội, của đại biểu, của nhân dân", ông Thắng phân tích.
Cùng ý kiến với đại biểu Thắng, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhận thấy kết quả tín nhiệm lần này đã cơ bản phản ánh được những vấn đề bức xúc của từng lĩnh vực.
"Tư lệnh các lĩnh vực như giáo dục, giao thông, y tế... chưa đạt số phiếu tín nhiệm cao cũng phản ánh rõ thực tế từng ngành, chẳng hạn như giao thông thì có vấn đề BOT", ông Lợi nhận xét.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói hàng loạt sự cố của ngành giáo dục gần đây đã khiến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phải nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp. Đó là những bê bối trong kỳ thi THPT quốc gia ở một số địa phương, thứ hai là lĩnh vực sách giáo khoa, trích dẫn những tài liệu tham khảo quá lạc hậu.
Ông Lợi thì mong giáo dục cần giảm tải, thi cử phải chặt chẽ, giám sát tốt không để xảy ra sự cố...
Các đại biểu cũng cho rằng, "không phải tất cả tồn tại đó là do trách nhiệm của tư lệnh ngành mà là bức xúc, yêu cầu, đòi hỏi khách quan của cử tri". Theo ông, thời gian tới, không chỉ riêng tư lệnh ngành phải cố gắng mà Chính phủ, Quốc hội cũng phải quan tâm, hỗ trợ các lĩnh vực mà cử tri, đại biểu còn đòi hỏi.
"Tôi không bênh ai cả nhưng cái đó phải đánh giá khách quan, trong thâm tâm khi bỏ phiếu các đại biểu cũng thể hiện điều ấy. Đại biểu đặt vấn đề đó lên vai các bộ trưởng để các bộ trưởng chú tâm giải quyết tốt hơn", ông nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, không đạt được tín nhiệm cao không có nghĩa là thiếu phẩm chất làm bộ trưởng. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Theo ông, lá phiếu tín nhiệm thể hiện sự gửi gắm về việc bộ trưởng phải thực sự chèo lái con thuyền vượt qua sóng gió.
Đánh giá việc lấy phiếu tín nhiệm chính là một hình thức giám sát tối cao, chỉ ra những nhạy cảm, khó khăn để các tư lệnh ngành giải quyết, ông Nhưỡng nêu lại dẫn chứng kỳ trước có những tư lệnh ngành mức tín nhiệm rất thấp, nhưng sau đó họ đã chú tâm giải quyết và giành được tỷ lệ tín nhiệm cao rất tốt.
"Tôi tin rằng, các Bộ trưởng có nhiều phiếu tín nhiệm thấp sẽ làm tốt hơn nhiệm vụ của mình chứ không vì thế mà giảm sức cống hiến", ông Nhưỡng nói.
Lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên năm 2013, năm người tín nhiệm thấp nhất lần lượt là Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Năm 2014, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục nhận số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất, sau đó đến Bộ trưởng Văn hóa Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Tài nguyên Nguyễn Minh Quang.
Năm 2018, đứng cuối bảng về tín nhiệm có Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà và Bộ trưởng Văn hoá Nguyễn Ngọc Thiện. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cải thiện được vị trí, nhưng vẫn nằm trong top 10 người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất.
Như vậy, qua ba lần lấy phiếu tín nhiệm, top những người bị tín nhiệm thấp nhiều nhất đều là thành viên Chính phủ, phụ trách những mảng "nóng" như giáo dục, y tế, văn hoá.