Đánh giá vết nứt dầm ngang cầu Vàm Cống nối Đồng Tháp với TP Cần Thơ, PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho rằng đây là sự cố nghiêm trọng, không dễ tìm nguyên nhân và cách khắc phục. Bộ Giao thông Vận tải cần kiểm tra lại chất lượng thép, thiết kế, sơ đồ chịu lực, tác động tải trọng tại hiện trường của dầm thép cầu bị nứt để đánh giá nguyên nhân.
"Tôi đánh giá ban đầu vết xé trên dầm thép cầu Vàm Cống có thể do dầm bị vượt quá cường độ, trường hợp này rất hiếm gặp. Các dầm thép thường bị mất ổn định kết cấu dẫn đến bị oằn chứ ít khi bị xé", ông Trần Chủng nói.
Theo ông Chủng, chủ đầu tư đang dừng thi công toàn bộ để kiểm tra dầm thép là biện pháp đúng. Sau khi rà soát các khâu tìm được nguyên nhân mới có thể đưa ra phương án giải quyết, như thay thế dầm thép hư hỏng hay gia cố. Căn cứ kết quả này để quyết định kiểm tra tổng thể các dầm khác hay không.
Ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội kỹ thuật cầu đường, cũng cho rằng đơn vị liên quan cần xem xét khả năng chịu lực của dầm thép vì hiện tượng xé là chịu lực kém trong thi công và bị ảnh hưởng cục bộ. Cùng với đó cần đánh giá chế tạo dầm thép có đúng quy trình, thẩm định chất lượng thế nào.
Ông Long cũng cho rằng không chỉ cơ quan chức năng kiểm tra mà Bộ Giao thông cần tham vấn ý kiến chuyên gia cầu đường trong và ngoài nước để đảm bảo tính chính xác, khách quan.
Nhiều chuyên gia nhận định, vết xé dầm thép cầu Vàm Cống là ít gặp. Vết rách này trong bối cảnh cầu chưa hoàn thành, chưa có tải trọng sử dụng thì nhiều khả năng do thi công sai, không đúng quy trình. Bộ Giao thông cần kiểm tra thiết kế dầm, việc thi công lắp đặt và kiểm định chất lượng dầm thép. Việc nứt dầm đã cho thấy có sai sót ở một hay các khâu nào đó. Ngoài ra, cần xem xét trong quá trình thi công lắp đặt dầm thép này, đơn vị thực hiện có thay đổi thiết kế hoặc phương pháp thi công. Bất cứ thay đổi nào cũng phải đánh giá lại.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng dầm thép cho các công trình cầu khá phổ biến vì tải trọng nhẹ hơn dầm bê tông, có thể vượt những nhịp lớn, thi công nhanh, lắp đặt đơn giản hơn dầm bê tông. Nhiều cầu được thiết kế dầm thép hiệu quả như Nhật Tân, Cần Thơ...
Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), mới được hợp long ngày 29/9. Cầu dài 2,9 km, phần bắc qua sông dài 870 m, trong đó nhịp chính gồm 73 đốt dầm thép có tổng chiều dài 450 m. Các nhịp dầm thép có tổng trọng lượng khoảng 6.600 tấn. Khi lắp đặt, mỗi đốt dầm nặng khoảng 90 tấn được cẩu lên từ sà lan. Dầm ngang bị xé là một trong những thanh dầm trong đốt dầm đó.
Chiều 14/11, trong quá trình thi công khe co giãn tại trụ P29, các đơn vị tư vấn, nhà thầu phát hiện dầm ngang trên đỉnh trụ P29 bị nứt. Vết nứt rộng hơn 4cm, kéo dài ngang dầm khoảng 2m.
Bộ Giao thông đã chỉ đạo Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị dừng ngay hoạt động thi công trên cầu chính Vàm Cống. Tổ công tác của Bộ Giao thông đã yêu cầu nhà thầu, tư vấn giám sát kiểm tra tình trạng kỹ thuật của cầu. Kết quả kiểm tra, đo đạc cho thấy không xuất hiện nứt và các biến dạng bất thường tại vị trí dầm được kiểm tra (trừ vết nứt được phát hiện).
Dự án được đầu tư hơn 270 triệu USD (gần 5.700 tỷ đồng) từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam, được khởi công 4 năm trước, dự kiến hoàn thành cuối năm nay.