Ngày 10/4, thành phố Đà Nẵng đã ra phát báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết vệt nước đen tấp vào bờ biển ven đường Nguyễn Tất Thành hai tuần trước là loài tảo giáp (Tripos furca).
Sáng 25/3, ở thời điểm lấy mẫu, ngành chức năng Đà Nẵng ghi nhận vệt màu vàng, đen có chiều dài khoảng 5km, bề rộng khoảng 300 đến 500 mét. Khi song tấp dòng nước đen vào bờ, để lại những mảng bọt màu vàng, nước có mùi hôi.
Kết quả quan trắc phát hiện loài tảo giáp của Sở Môi trường Đà Nẵng cũng trùng khớp với ghi nhận của Nhóm nghiên cứu - giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật thuộc Đại học Đà Nẵng thu mẫu độc lập vào cùng ngày.
Dẫn nguồn một website về môi trường, ngành môi trường Đà Nẵng cho biết loài tảo giáp chưa ghi nhận có khả năng sinh độc tốc, nhưng nó có thể gây hiện tượng nở hoa với sinh khối lớn gây thiệt hại thông qua tác động gián tiếp như giảm nồng độ oxy, và có thể gây hại tới các loại sinh vật thủy sinh khác.
Ở Việt Nam, hiện tượng tảo giáp nở hoa với sinh khối lớn đã làm chết cá mú, cá hồng nuôi lồng tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) tháng 7/2011; chết tôm hùm non, cá bớp tại vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) tháng 10/2016.
Đây không phải là lần đầu tiên vùng biển Đà Nẵng ghi nhận hiện tượng tảo giáp. Năm 2017, tảo giáp đã xuất hiện ven biển Sơn Trà. Ngành môi trường Đà Nẵng lo ngại hiện tượng này sẽ ảnh hưởng đến các hệ sinh thái thủy sinh và phát triển du lịch của thành phố.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Quang Nam đã đề nghị UBND TP Đà Nẵng có chủ trương cho nghiên cứu, đánh giá hiện tượng nở hoa của tảo để có cơ sở cho việc cảnh báo sớm, nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu các tác hại.