Chiều 23/10, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao.
Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, nội dung đặt cược thể thao là vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật này.
Cụ thể, hồi đầu năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế, có hiệu lực từ 31/3. Các ý kiến khác nhau tập trung vào việc có nâng quy định về đặt cược từ nghị định lên Luật hay không?
Ông Thiện nói, có 19 trên 27 thành viên Chính phủ đồng ý bổ sung nội dung quy định về đặt cược thể thao vào Luật, vì đây là lĩnh vực đã được Chính phủ cho phép.
"Đặt cược thể thao cần thiết phải được quy định trong dự thảo Luật, nhưng chỉ giới hạn ở một số hoạt động có đủ điều kiện. Chính phủ quyết định danh mục các hoạt động được phép kinh doanh đặt cược thể thao và quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược", ông Thiện nói.
Nhóm ý kiến khác trong Chính phủ đề nghị không nên bổ sung vấn đề đặt cược thể thao vào dự thảo Luật, vì nghị định nêu trên mới có hiệu lực, cần để thực hiện một thời gian, sau đó tổng kết, đánh giá rồi quy định vào Luật sẽ đảm bảo chặt chẽ và khả thi hơn.
Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, cho hay đa số ý kiến trong Uỷ ban này nhận định, mặc dù đặt cược thể thao là nhu cầu thực tiễn, có thể huy động được nguồn vốn đầu tư lớn cho lĩnh vực thể dục, thể thao nhưng đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; cần phải có báo cáo đánh giá tác động cụ thể, chi tiết.
Ủy ban Văn hóa đồng tình với số ít thành viên Chính phủ cho rằng Nghị định về đặt cược thể thao mới được ban hành cần có thời gian thực hiện, tổng kết, đánh giá trước khi quy định trong Luật.
"Vì vậy, chưa nên quy định về đặt cược thể thao cũng như các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến đặt cược thể thao trong dự thảo Luật", ông Bình nói.