Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa có lãnh đạo mới khi Hội nghị Trung ương 7 đã biểu quyết đồng ý để ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương thôi giữ chức Ủy viên và Chủ nhiệm cơ quan này.
Người kế nhiệm ông Vượng là Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú.
Hội nghị cũng đã bầu ông Tú vào Ban bí thư; tăng cường cho cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách thêm một uỷ viên là ông Hoàng Văn Trà - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên.
Từng nhiều năm trong ngành, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho rằng các chuyển động nhân sự nêu trên sẽ tạo điều kiện để ông Trần Quốc Vượng tập trung vào nhiệm vụ Thường trực Ban bí thư, cùng với đó, tân Chủ nhiệm và tập thể Ủy ban cũng đứng trước "những kỳ vọng tiếp tục đà ghi dấu ấn mà cơ quan này đã thực hiện trong hơn hai năm qua".
Liên tục các kết luận nóng
Ông Hà Quốc Trị - Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho hay, kể từ sau Đại hội XII của Đảng (tháng 1/2016) đến nay, qua 24 kỳ họp, Uỷ ban đã kỷ luật, đề nghị cấp có thẩm quyền kỷ luật hàng chục tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Gần đây nhất, ngày 23/4, Uỷ ban đã đề nghị Ban bí thư kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh - Phó bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai; khiển trách Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái...
Tính riêng năm 2017, Ủy ban họp 10 kỳ và thông báo kết luận mỗi kỳ họp đều là sự kiện "nóng" thu hút sự quan tâm của xã hội. Cụ thể, năm qua, Ủy ban đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với 18 đảng viên; đề nghị Ban chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư kỷ luật 3 tổ chức đảng bằng hình thức cảnh cáo và 10 đảng viên từ cảnh cáo đến cách chức.
Hàng loạt vụ việc nổi cộm đã được Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ, như: Sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung; sai phạm nghiêm trọng ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Ban thường vụ Thành ủy Ðà Nẵng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010 - 2015, Thường trực Cơ quan Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ giai đoạn 2011-2016, Ban thường vụ Ðảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; nữ trưởng phòng ở Thanh Hoá được nâng đỡ không trong sáng; bổ nhiệm sai quy trình giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam...
Một số cá nhân giữ vị trí lãnh đạo cấp cao như ông Đinh La Thăng - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ TP HCM, ông Nguyễn Xuân Anh - nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng,... đã nhận kỷ luật từ cấp có thẩm quyền sau khi cơ quan kiểm tra vào cuộc với tinh thần "không có vùng cấm".
Không ít lãnh đạo về hưu, tưởng "hạ cánh an toàn" nhưng cũng phải chịu kỷ luật như nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Phong Quang...
"Nêu rõ địa chỉ một bộ phận không nhỏ thoái hoá, biến chất"
Theo ông Hà Quốc Trị, để đi đến những bước chuyển biến mạnh mẽ nêu trên, một trong những "bí quyết" là sự chủ động của Uỷ ban trong xây dựng chương trình, kế hoạch hằng năm và cả nhiệm kỳ; xác định rõ mục tiêu, yêu cầu và đề ra giải pháp thực hiện.
Nội dung và diện kiểm tra của Uỷ ban trước hết là những đảng viên, cán bộ thuộc Trung ương quản lý; những địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm như tập đoàn kinh tế, tài chính, ngân hàng... Ủy ban giao mỗi Vụ chức năng trong năm phải kiểm tra 1-3 đảng viên diện Trung ương quản lý, 1-3 tổ chức đảng trực thuộc Trung ương.
"Thời gian vừa qua, Ủy ban đã lựa chọn đúng địa bàn và diện kiểm tra nên đạt kết quả rất tốt. Trước đây Nghị quyết Trung ương 4 chỉ ra một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất, người dân cứ hỏi: Một bộ phận không nhỏ đang nằm ở đâu? Kết quả vừa qua đã nêu địa chỉ rõ ràng, một bộ phận không nhỏ đó nằm ở một số cơ quan, kể cả những cơ quan cao nhất", ông Trị nói.
Ông cũng khẳng định, Ủy ban làm việc công tâm, khách quan, minh bạch và không bị chi phối bởi lực lượng nào. Quyết định của Uỷ ban là quyết định tập thể, khi thảo luận, các ý kiến phát biểu phải đầy đủ về mặt nội dung, chứng cứ, tài liệu, quan điểm, hình thức xử lý.
Kết quả xử lý cũng được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân giám sát.
"Hoạt động đúng chức năng, không lấn sân"
Trước ý kiến liệu hoạt động của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương có "lấn sân" sang các cơ quan Nhà nước, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng "không có chuyện đó".
Ông giải thích, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương làm việc theo điều lệ Đảng và các quy định khác liên quan; mọi đảng viên đều phải chấp hành điều lệ và quy định trong Đảng.
Theo ông, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương có quyền kiểm tra đảng viên ở bất cứ cương vị nào khi có dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp uỷ viên và trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên.
Hơn nữa, kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật.
"Tôi ví dụ trường hợp ông Đinh La Thăng, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành xem xét, kết luận về các vi phạm, khuyết điểm của ông này trong thời gian làm lãnh đạo Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Việc kỷ luật được thực hiện theo quy định trong Đảng, do Uỷ ban đề nghị và Ban chấp hành Trung ương quyết định. Sau đó tiến trình tố tụng liên quan đến ông Thăng thực hiện theo quy định pháp luật. Tất cả rất mạch lạc, không có sự chồng lấn giữa các cơ quan chức năng và công khai", ông Hùng nói.
"Người dân sẽ dõi theo hoạt động của cơ quan kiểm tra"
Nêu ý kiến về thay đổi nhân sự lãnh đạo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tại Hội nghị Trung ương 7, ông Hùng cho rằng điều thuận lợi là ông Trần Quốc Vượng ở cương vị Thường trực Ban bí thư - cơ quan lãnh đạo công việc hàng ngày của Đảng, là người thấu hiểu công tác kiểm tra và ở tầm cao hơn sẽ có các ý kiến kịp thời, xác đáng cho lĩnh vực này.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, với những dấu ấn của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kể từ sau Đại hội XII đến nay, cán bộ, đảng viên và người dân sẽ dõi theo hoạt động của Uỷ ban trong thời gian tới. "Đây vừa là nhiệm vụ nặng nề cho vị tân Chủ nhiệm nhưng cũng là sự động viên nếu người cán bộ kiểm tra biết dựa vào nhân dân để thực thi nhiệm vụ của mình", ông Hùng nói.
Ông nhấn mạnh, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương không phải cơ quan làm việc theo chế độ thủ trưởng, mọi quyết định dựa trên sự thống nhất cao của tập thể thông qua bỏ phiếu. Chủ nhiệm Uỷ ban cũng chỉ là một phiếu và kết quả theo đa số, tập thể sẽ cùng chịu trách nhiệm về các quyết định.
"Do vậy, người đứng đầu Uỷ ban phải có khả năng đoàn kết, tập hợp cán bộ, dẫn dắt công việc một cách dân chủ, công khai; tôn trọng, lắng nghe anh em để phát huy được tính tích cực, sáng tạo của mọi người, từ đó cùng nhau thực hiện nhiệm vụ", ông Hùng nói.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban chấp hành Trung ương, giúp Ban chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng. |