Tại hội nghị Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngày 28/3, đại tá Lê Văn Bích (Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, PC64 Công an TP HCM) cho biết, việc thu thập dữ liệu dự kiến kéo dài trong 6 tháng.
Thông tin thu thập gồm tên, ngày sinh, nơi khai sinh, dân tộc, tôn giáo, tình trạng hôn nhân, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, nhóm máu, số định danh cá nhân hoặc số CMND... của công dân có hộ khẩu, đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam và công dân đang sinh sống, học tập, lao động ở nước ngoài.
Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được ngành công an triển khai trên cả nước trong lộ trình thực hiện Quyết định 896 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan quản lý dân cư giai đoạn 2013–2020.
Hiện, PC64 đã tiếp nhận gần 800 tài liệu, mẫu phiếu thu thập thông tin dân cư từ Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an). Từ cuối tháng 1, PC64 đã tổ chức tập huấn cho cán bộ để chuẩn bị thu thập thông tin, đồng thời tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo các sở ngành, quận huyện phối hợp triển khai.
Công an TP HCM cũng phối hợp với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel khảo sát hiện trạng hạ tầng công nghệ; lắp đặt thiết bị, đường truyền đúng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu dự án.
Theo hướng dẫn của Bộ Công an, để việc thu thập dữ liệu dân cư đảm bảo tiến độ, đạt hiệu quả, công dân cần căn cứ theo sổ hộ khẩu, CMND hoặc thẻ căn cước, giấy khai sinh… để kê khai vào Phiếu thu thập thông tin dân cư do Bộ phát hành.
Ngoài ra, công dân cũng cần xuất trình các giấy tờ chứng minh thông tin nhân thân phục vụ việc kiểm tra và tính chính xác. Sau khi hoàn thành hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người dân được quyền khai thác thông tin để giải quyết thủ tục hành chính, cũng như phục vụ các quyền, lợi ích của mỗi người.
Người dân không còn phải photo nhiều giấy tờ
Công an TP HCM cho biết, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất từ Trung ương đến địa phương giúp Nhà nước hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh; rút ngắn, đơn giản hóa thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng người dân phải sử dụng nhiều giấy tờ cá nhân.
Khi cơ sở dữ liệu hình thành, người dân không còn phải xuất trình hoặc nộp bản sao giấy tờ công dân thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí và thời gian đi lại...
Hệ thống này cũng giúp chính quyền giảm hồ sơ giấy tờ lưu trữ; quản lý biến động dân cư; quản lý các loại đối tượng, phục vụ tra cứu, xác minh giúp đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm...
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các ban ngành liên quan triển khai đồng bộ việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố, tránh trường hợp phải thu thập dữ liệu nhiều lần gây phiền hà, tốn kém.
Riêng ngành công an, ngoài thu thập dữ liệu công dân có hộ khẩu thường trú, còn thu thập cả dữ liệu thông tin của người tạm trú.
Chủ tịch TP HCM đánh giá Cơ sở dữ liệu về dân cư là một trong những nền tảng quan trọng, góp phần đáp ứng mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh đầu tiên trên cả nước.
Tuyết Nguyễn