Tại Hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành Đảng bộ chiều 3/10, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đây không phải lần đầu thành phố sử dụng phương pháp bơm chống ngập như ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, mà lâu nay đã sử dụng máy bơm công suất nhỏ.
Tuy nhiên, máy bơm nhỏ gặp rác thường bị tắc, không hiệu quả. Máy bơm của Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung - chủ đầu tư công trình máy bơm "khủng" trên đường Nguyễn Hữu Cảnh - có công suất lớn hơn rất nhiều, tự động xử lý rác, không làm ngừng quá trình bơm nước.
Người đứng đầu Thành uỷ đánh giá cao phương pháp này, đặc biệt là trong bối cảnh thành phố có hai yếu tố: mưa ở thành phố có tần suất ngày càng tăng; bề mặt thành phố bình quân mỗi năm lún một cm.
"20 năm sau thành phố sẽ lún 20 cm. Với tốc độ lún như thế này, miệng cống sẽ nằm dưới nước, nên trước sau cũng phải làm đê để nước không chảy ngược vào trong. Đã làm đê thì tất yếu phải bơm nước ra", ông Nhân nói.
Ông Nhân cho biết, thành phố đã nghiên cứu làm đê ở các con sông chảy trong thành phố để đối phó tình trạng ngập. Nhưng giải pháp này rất tốn kém, không căn cơ và vẫn có thể ngập.
"TP HCM đang cùng các cơ quan Trung ương bàn thảo, mời chuyên gia từ Hà Lan tư vấn việc xây dựng đê, hồ chứa nước mưa ở khu vực Cần Giờ. Về vấn đề này, Bộ Khoa học công nghệ đang nghiên cứu, dự trù kinh phí khoảng 6 tỷ USD, chiều dài đê hơn 20 km kéo dài từ Gò Công (Tiền Giang) đến gần Bà Rịa – Vũng Tàu", ông Nhân cho hay.
Với giải pháp này, khi mưa, nước từ trong thành phố sẽ chảy xuống hồ chứa khổng lồ ở Cần Giờ, chấm dứt ngập trong nội thành. Ngoài ra, khi thủy triều lên thì hệ thống đê sẽ ngăn nước đổ vào hệ thống sông, không còn gây ngập khu vực dân cư.
Hồi năm 2012 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra ý tưởng xây dựng tuyến đê biển nối Gò Công - Vũng Tàu dài 32 km, mặt đê rộng 50 m, nơi sâu nhất là 12 m. Sau khi đê được xây dựng sẽ tạo hồ chứa với diện tích 56.000 ha, dung tích hồ chứa khoảng 3,3 tỷ m3. Dự án có tổng số vốn lên đến 66.000 tỷ đồng.
Theo Bộ Nông nghiệp, tuyến đê biển được xây nhằm tạo vùng điều tiết nước giảm ngập úng, giảm xâm nhập mặn, ứng phó với mực nước biển dâng, đồng thời rút ngắn khoảng cách giao thông, tạo sự liên kết giữa các tỉnh miền Tây với Vũng Tàu và các tỉnh ở Nam Trung Bộ, mở rộng các khu đô thị mới cho TP HCM, Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, phát triển du lịch, điện năng...
Tuy nhiên, ý tưởng của Bộ Nông nghiệp gặp phải sự phản đối của TP HCM khi cho rằng tuyến đê biển này sẽ không có hiệu quả chống lũ hay giảm lưu lượng lũ trong các sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ. Nếu triển khai tuyến đê còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái của rừng ngập mặn Cần Giờ - đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Tuyết Nguyễn