- Thông tin về việc người dân một số khu vực, trong đó có công nhân tuần hành đã lan truyền trước đó nhiều ngày, vì sao sau hai ngày từ khi sự việc nổ ra Tổng Liên đoàn lao động mới gửi thư cho công nhân?
- Thực ra không phải là chậm. Tôi nói ví dụ như Bình Dương thì công đoàn đã kịp thời in các thư kêu gọi gửi cho từng người lao động cũng như có các hoạt động tuyên truyền. Chính vì vậy Bình Dương không có biểu tình, không có tụ tập đông người. Tuy nhiên, một vài địa phương cũng có chuyện chưa chủ động, chưa tích cực. Và còn một câu chuyện nữa là công đoàn không thể đơn độc trong việc này mà phải có sự chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương, sự phối hợp của nhiều ngành.
- Thư kêu gọi đề cập việc “tránh để lòng yêu nước bị lợi dụng” và “hãy bảo vệ công ty, doanh nghiệp, bảo vệ việc làm của chính mình”. Tổng Liên đoàn đồng hành với công nhân trong vấn đề này như thế nào?
- Chúng tôi đang triển khai những biện pháp đồng bộ ở các địa phương, để bức thư đến tận tay từng công nhân, thuyết phục họ tin tưởng vào sự chăm lo tới đời sống công nhân của công đoàn trong những năm vừa qua. Đây là dịp cần hết sức cảnh giác trước những âm mưu để làm hết trách nhiệm của mình và cũng không để lòng yêu nước bị lợi dụng.
- Ngoài gửi thư, Tổng Liên đoàn có hành động gì khác để giúp giải quyết tình hình hiện nay?
- Khi phát hiện ra có truyền đơn trên mạng xã hội kêu gọi, kích động công nhân biểu tình, chúng tôi đã yêu cầu các cấp công đoàn cơ sở, các tổ công đoàn quán triệt trao đổi với công nhân không tin theo luận điệu xuyên tạc. Chúng tôi cũng đã cử đoàn công tác vào phía Nam, chỉ đạo liên đoàn các tỉnh thành phố tập trung vào việc tuyên truyền, vận động để công nhân hiểu chính sách của Đảng, Nhà nước, không bị lôi kéo, kích động gây mất trật tự an ninh địa bàn.
- Có thông tin nhiều công nhân làm việc cho một Tập đoàn Trung Quốc bị sa thải vì tham gia tuần hành, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam bảo vệ công nhân như thế nào trong tình huống này?
- Tập đoàn Pouyuen (được cho là sa thải công nhân - PV) có trụ sở ở nhiều địa bàn của Việt Nam, nhưng mà nói là công ty đuổi công nhân vì tuần hành thì tôi chưa nghe. Chỗ này để chúng tôi kiểm tra lại. Còn đương nhiên nếu như công nhân vi phạm pháp luật, vi phạm hợp đồng lao động đã ký kết mà đến mức người ta phải đuổi thì mình cũng không bảo vệ được.
Nhưng ngược lại, nếu công nhân đã làm đúng cam kết, không vi phạm pháp luật mà công ty lại đuổi thì chúng tôi phải có ý kiến bảo vệ.
Ông Bùi Văn Cường trả lời phỏng vấn chiều 11/6. Video: Lộc Chung.
- Hiện chưa có Luật Biểu tình để người dân thực hiện, vậy theo ông đâu là cách thức ứng xử phù hợp khi người dân có vấn đề bức xúc, chưa đủ thông tin?
- Luật Biểu tình đang được các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu để trình Quốc hội ở thời điểm thích hợp. Chưa có luật này thì chúng ta vẫn phải tuân theo những quy định của pháp luật hiện hành.
Cách tốt nhất là thông qua đơn, thư gửi cho các cấp có thẩm quyền. Thứ hai là gặp gỡ người có trách nhiệm tại địa phương, đơn vị để bày tỏ. Thứ ba là có thể thông qua hệ thống tiếp nhận ý kiến mà hiện nay các cơ quan Trung ương hay địa phương đều có.
Ngược lại, các cơ quan, địa phương cũng phải tuyên truyền làm sao khiến người dân hiểu chính xác vấn đề. Đây là câu chuyện phải tiếp tục làm trong thời gian tới.
- "Lòng yêu nước bị lợi dụng" một phần do thông tin không đến được với dân một cách đầy đủ, kịp thời, ông nghĩ gì về thực tế này?
- Việc đưa thông tin chính thống chúng ta đã làm nhưng có lẽ thời gian tới phải làm mạnh mẽ hơn, nhiều hơn nữa. Không chỉ cơ quan truyền thông mà cả hệ thống chính trị cũng phải vào cuộc thông qua tuyên truyền miệng, qua đối thoại với người dân để giải đáp những thắc mắc thì mới đạt được những yêu cầu.
Do đó chúng tôi mong muốn thời gian tới hệ thống truyền thông của chúng ta phải thông tin một cách kịp thời, chính xác. Hệ thống chính trị phải vào cuộc tuyên truyền, thậm chí phải có đối thoại để tạo sự đồng thuận.
Nhưng người công nhân cũng phải chủ động tiếp nhận thông tin một cách đầy đủ, qua các kênh thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước.
Ngày 10/6, lấy cớ phản đối dự thảo Luật Đặc khu, nhiều người đã kéo ra Quốc lộ 1 qua thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) chặn xe. Tại một số điểm, nhiều thanh niên ném gạch đá tấn công, đập phá ôtô công vụ. Tối cùng ngày, hàng nghìn người tập trung trước cổng UBND Bình Thuận ở đường Hải Thượng Lãn Ông, TP Phan Thiết. Nhiều người xô cổng, đập vỡ cửa kính vọng gác bảo vệ, đốt xe. Nhiều kẻ quá khích dùng gạch đá, bom xăng ném vào bên trong, tấn công lực lượng công vụ. Sự việc đã khiến hàng chục cảnh sát bị thương. Đến sáng 11/6, nhà chức trách bắt giữ 102 người liên quan việc phá hoại. Ngoài Bình Thuận, tình trạng người dân xuống đường thành đoàn diễn ra trên nhiều tỉnh thành như TP HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng…trong hai ngày cuối tuần. Nhiều người đã bị tạm giữ vì hành vi kêu gọi người dân biểu tình trái phép, gây rối an ninh trật tự. Việc tụ tập đông người diễn ra trong bối cảnh Chính phủ đã đề nghị Quốc hội lùi thời gian xem xét thông qua dự thảo Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện. Trước đó, quá trình thảo luận trên nghị trường Quốc hội, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về quy định cho nhà đầu tư thuê đất với thời hạn lên đến 99 năm (quy định hiện hành tối đa là 70 năm) và một số ưu đãi được cho không cần thiết. Hiện, Việt Nam chưa có Luật quy định về biểu tình, những hành vi kêu gọi biểu tình đều bị coi là trái phép. |
Bảo Hà - Võ Hải