-
11h30
"Không vì sức ép tăng trưởng mà coi nhẹ các vấn đề lâu dài"
Đồng tình với các chỉ tiêu kinh tế xã hội Chính phủ đưa ra tại dự thảo Nghị quyết cho năm 2018, Tổng bí thư lưu ý, thời gian tới, cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội, thách thức mới mà Việt Nam cần nắm bắt.
Ông nêu rõ, cần nhận thức mô hình tăng trưởng là ngày càng dựa vào tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. “Không vì sức ép tăng trưởng mà coi nhẹ, không quan tâm chỉ đạo tới các vấn đề mang tính lâu dài, bền vững”, Tổng bí thư nói.
Ngoài ra, ông cũng đề cập đến việc cần khẩn trương xem xét đề án cải cách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội, hoàn thiện chính sách với người có công, đảm bảo an sinh xã hội; kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Tổng bí thư nhấn mạnh đến việc làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".
"Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí người thực sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì Đảng, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước; liên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn", Tổng bí thư nói.
Theo ông, thực hiện tốt những việc nêu trên sẽ không hề làm "chùn" sự chỉ đạo hay làm "chậm lại" sự phát triển, mà ngược lại, sẽ giúp làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới.
-
11h00
Các vụ án lớn đã được xử lý nghiêm minh
Vào cuối phiên làm việc buổi sáng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo Hội nghị Chính phủ với các địa phương. Ông bày tỏ vui mừng: "Đây là hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tôi có nói vui với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là từ thuở bé đến nay mới được dự họp Chính phủ".
Người đứng đầu Đảng ghi nhận những thành tựu kinh tế - xã hội của năm 2017; lần đầu tiên sau nhiều năm, toàn bộ 13 chỉ tiêu Quốc hội đề ra đã hoàn thành, một số chỉ tiêu được thực hiện vượt mức.
Theo Tổng bí thư, mức tăng trưởng GDP đạt 6,81% là cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; an sinh và phúc lợi xã hội được quan tâm chăm lo; các cấp, các ngành thực hiện tốt hơn chế độ, chính sách đối với người có công, người nghèo...
Đề cập đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Tổng bí thư nói: "Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo, làm nhiều lần, làm quyết liệt từ nhiều năm nay, nhưng thời gian gần đây càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết và bước đầu đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ".
Ông nêu rõ, các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước với tinh thần "rất kiên quyết, nghiêm minh, kể cả với cán bộ lãnh đạo cao cấp, cán bộ đương chức hoặc đã nghỉ hưu".
-
10h00
Chủ tịch Hà Nội: Có hiện tượng cán bộ chưa thực hiện tốt quy tắc ứng xử với công dân
Tham dự Hội nghị ở các đầu cầu trực tuyến có đầy đủ Bí thư, Chủ tịch và lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh, thành.
Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung là đại diện địa phương đầu tiên nêu ý kiến, sau đó lần lượt đến TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ...
Theo ông Nguyễn Đức Chung, năm 2017, thành phố đã xây dựng chính quyền hành động, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, giúp kinh tế Thủ đô tăng trưởng cao, các cân đối lớn được đảm bảo, hoàn thành 20 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,3%, cao nhất trong 7 năm trở lại đây.
“Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn được thực hiện tốt, tuy nhiên còn một số vụ tác động đến an ninh nông thôn của thành phố. Còn có hiện tượng cán bộ, công chức chưa thực hiện tốt quy tắc ứng xử với công dân, có biểu hiện hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn cho việc giải quyết thủ tục hành chính gây bức xúc, các vụ xâm hại trẻ em tăng cao…”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
Ông Chung cho hay, năm 2018, thành phố sẽ khắc phục các hạn chế, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như cải cách hành chính, đổi mới sắp xếp bộ máy, xây dựng chính phủ điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, thu hút các dự án đầu tư, cải thiện an toàn thực phẩm, tiếp tục chương trình trồng một triệu cây xanh, xây dựng các điều kiện hình thành và phát triển thành phố thông minh… -
9h30
Chính phủ chuẩn bị thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Dự thảo Nghị quyết nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trình bày, đề ra 4 trọng tâm trong chỉ đạo điều hành, 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 59 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Theo đó, Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,7%, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; thành lập mới khoảng 135.000 doanh nghiệp; dư nợ công khoảng 63,9%...
4 trọng tâm chỉ đạo điều hành gồm: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...; thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập...
Trong số 59 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể có việc chấn chỉnh những bất cập trong các dự án BOT; tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng yếu (cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không Long Thành…); thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp...
-
9h00
"Thoái vốn Nhà nước đảm bảo minh bạch"
Theo Phó thủ tướng Trương Hoà Bình, trong năm 2017, Chính phủ tích cực triển khai có kết quả các Nghị quyết Trung ương 4, 5 (khóa XII); đã thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, Vinamilk, bảo đảm công khai minh bạch, chống thất thoát, lợi ích nhóm, thu về gần 120.000 tỷ đồng; quyết liệt xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, thất thoát và đạt được kết quả bước đầu...
"Việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí. Cơ cấu lại các ngành công nghiệp, dịch vụ theo hướng khuyến khích đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường", ông nói.
-
8h45
"Quyết không để Việt Nam đứng bên lề sự phát triển"
Nhìn lại năm 2017, Thủ tướng cho hay, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, thách thức. Từ đầu năm, nhiều động lực tăng trưởng chính như khai khoáng, nông nghiệp, công nghiệp, xuất khẩu gặp khó khăn, kinh tế vĩ mô chịu nhiều áp lực về lạm phát, nợ xấu cao tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống nếu không được xử lý thực chất. Nguy cơ giảm sút đầu tư nước ngoài khi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP không được thông qua.
Lúc đó, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên điều chỉnh lại chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực đến nay các chỉ tiêu kinh tế đều đạt, vượt kế hoạch. Tăng trưởng GDP đạt 6,81% - mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua.
"Những chỉ số rất ấn tượng về thành lập doanh nghiệp mới, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường chứng khoán… cho thấy niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, niềm tin của các nhà đầu tư vào kinh tế Việt Nam ngày càng được củng cố", Thủ tướng nói.
Theo lãnh đạo Chính phủ, năm 2018 Việt Nam cần tận dụng đà phát triển của 2017, thúc đẩy cải cách kinh tế sâu rộng. "Chính phủ sẽ hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để chớp lấy thời cơ, đã nói là làm và làm ngay. Những cán bộ nào lơ là công vụ, kém năng lực, thiếu nhiệt huyết, trách nhiệm cần được thay thế", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông cũng cho hay, Hội nghị hôm nay sẽ cho câu trả lời rõ ràng hơn về việc Chính phủ, địa phương các cấp phải làm gì và làm như thế nào để sự phát triển của Việt Nam bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, để Việt Nam không dẫm chân vào bẫy thu nhập trung bình, không bịt tụt lại trong cuộc đua tiến đến sự khá giả và phồn vinh, đứng bên lề của sự phát triển.
-
8h30
Phương châm hành động 10 chữ của Chính phủ
Đây được xem là cuộc họp Chính phủ lần đầu tiên đón Tổng Bí thư đến dự. Theo chương trình, Hội nghị diễn trong hai ngày 28-29/12.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ xác định phương châm hành động năm 2018 trong 10 chữ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và các trọng tâm chỉ đạo, điều hành là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược...
Tiếp đó, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình trình bày báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2017; Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giới thiệu dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018.
Thường được đánh số 01, Nghị quyết trên sẽ là văn bản chủ đạo, quan trọng nhất trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ và cả hệ thống hành chính Nhà nước trong năm 2018.
Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo xây dựng dự thảo Nghị quyết trên tinh thần đổi mới cả về phương pháp, hình thức và nội dung; bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn (khoảng 15 trang); có mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể gắn với các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực; giảm thiểu nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, cơ quan, địa phương; chú trọng công tác tổ chức triển khai, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết.
Dự thảo Nghị quyết đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 59 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đồng thời, Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện 242 nhiệm vụ cụ thể tại phụ lục kèm theo dự thảo Nghị quyết.
Tại Hội nghị, các địa phương và bộ, ngành sẽ tập trung thảo luận, góp ý để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
-
08h00
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng dự Hội nghị của Chính phủ
Sáng 28/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ bắt đầu Hội nghị trực tuyến với các địa phương, tập trung thảo luận những giải pháp triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị; cùng tham dự có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Trần Quốc Vượng, thành viên Thường trực Ban bí thư, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra trung ương, ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương...