Sáng 3/6, tại Hà Nội, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948). Tham dự lễ kỷ niệm có 700 bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua toàn quốc, điển hình tiên tiến qua các thời kỳ.
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhắc lại ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc nhằm diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Lời kêu gọi đã động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường để cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn lại quan điểm của Các Mác cách đây 170 năm rằng thi đua là hiện tượng xã hội tồn tại khách quan, là quy luật phát triên của quá trình hợp tác lao động của con người. Ở đâu có hợp tác lao động thì ở đó có thi đua. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi thi đua là một phẩm chất đạo đức thể hiện lòng yêu nước của người Việt Nam.
Gần đây, các phong trào thi đua diễn ra sôi nổi như cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế, chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau...
“Tôi tin chắc rằng đồng hành cùng 700 điển hình tiên tiến về dự cuộc gặp mặt hôm nay còn rất nhiều tấm gương thầm lặng khác đang cống hiến trên nhiều lĩnh vực ở khắp mọi miền Tổ quốc, nhiều tầng lớp dân cư, kể cả đồng bào ta đang sinh sống, lao động học tập ở nước ngoài không có điều kiện về dự buổi lễ hôm nay”, Tổng bí thư phát biểu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng bí thư chỉ ra nhiều hạn chế của phong trào thi đua, như nhiều nơi còn mang tính hình thức, nể nang, dễ dãi, chạy thành tích, chạy huân chương, chạy khen thưởng… Trong khi đó những người trực tiếp lao động sản xuất như nông dân, công dân vẫn còn ít được quan tâm.
Tại lễ kỷ niệm, nhiều thước phim tư liệu về điển hình thi đua khiến người xem xúc động. Thượng úy Trần Bình Phục, bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau, nhiều năm mở lớp dạy miễn phí xóa mù chữ cho trẻ em nghèo trên đào Hòn Chuối, đến nay các em đều được đến lớp và biết chữ.
Từ lớp học của anh, hiện đã có 4 em tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định. “Tôi vẫn trăn trở và cố gắng hàng ngày làm sao truyền đạt kiến thức cho các em tốt nhất và làm sao kéo tri thức của các em ở ngoài đảo xích lại gần với đất liền”, anh chia sẻ.
Anh Phạm Văn Hát (Hải Dương) từ một nông dân mới học hết lớp 7 đã sáng chế ra hơn 30 loại máy móc phục vụ nông nghiệp. Những chiếc máy của anh không chỉ được nhiều nơi trong nước đặt hàng mà còn xuất khẩu sang hơn 10 nước. Một chiếc máy robot gieo hạt do anh sáng tạo có thể thay thế 40 người lao động.
Khi được hỏi anh tạo ra những sản phẩm này bằng kỹ năng gì, anh Hát chỉ cười: “Tôi là nông dân thực thụ, đúc kết từ nhu cầu thực tế hàng ngày, tư duy trong lúc lao động, nên những sản phẩm tôi tạo ra đều ứng dụng vào thực tế được ngay”.