10h ngày 23/12, tâm Tembin còn cách đảo Palawan (Philippines) khoảng 280 km về phía Đông Đông Nam với sức gió mạnh nhất 100 km/h (cấp 10), giật tăng ba cấp.
Ngày và đêm nay, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25km/h và có khả năng mạnh thêm. Khoảng đêm nay, bão Tembin sẽ đi vào biển Đông và trở thành cơn bão thứ 16 trong năm.
Sáng mai, tâm bão còn cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 320 km về phía Đông. Lúc này, sức gió mạnh nhất khoảng 115 km/h (cấp 11), giật cấp 14.
Sau khi đi vào biển Đông, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 25 km/h và được dự báo sẽ tiếp tục mạnh thêm.
Đến sáng 25/12, tâm bão cách bờ biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau khoảng 300-400 km về phía Đông với sức gió mạnh nhất 135 km/h (cấp 12), giật cấp 15.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, vùng gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 130 km tính từ vùng tâm bão. Cấp độ rủi ro thiên tai của cơn bão được đánh giá cấp 3.
Các tỉnh từ Bà Rịa Vũng Tàu đến Cà Mau lo sơ tán dân
Để chủ động ứng phó với diễn biến cơn bão, UBND TP HCM đã có văn bản khẩn đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng cùng với chính quyền huyện Cần Giờ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền đang đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.
Riêng huyện Cần Giờ phải sẵn sàng sơ tán 4.000 hộ dân xã đảo Thạnh An và các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông biển đến các địa điểm kiên cố.
Các cơ quan chức năng cũng được yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Tembin, bằng mọi cách thông báo cho chủ tàu biết vị trí, tốc độ, hướng di chuyển của bão, kêu gọi tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; duy trì thông tin, liên lạc với các thuyền trưởng, chủ tàu thuyền hoạt động nghề cá, đặc biệt là các tàu đánh bắt xa bờ cho đến khi tàu vào bờ neo đậu an toàn.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Lê Tuấn Quốc, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, nếu bão Tembin giữ nguyên cường độ và hướng di chuyển như dự báo thì bắt đầu từ sáng 24/12, tỉnh bắt đầu sơ tán 78.000 người dân ở các vùng xung yếu, vùng cửa biển đến các nhà dân kiên cố, trường học, cơ quan để tránh trú bão.
"Số lượng rất lớn lồng bè nuôi trồng thủy hải sản, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương hướng dẫn người dân di dời vào những vùng tương đối ít gió để hạn chế thiệt hại. Riêng người thì tuyệt đối không được ở lại trên lồng bè khi bão đổ bộ vào đất liền", ông Quốc cho hay.
Ông Đoàn Thái, Trưởng phòng Kinh tế huyện Côn Đảo cho biết, đã ban bố lệnh cấm tàu chở khách ra vào đảo từ hôm nay. Huyện cũng đã có kế hoạch sơ tán hơn 500 người dân và khách du lịch ở các vùng nguy hiểm khi bão đổ bộ vào.
Theo Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến chiều 22/12, hơn 4.000 tàu với 19.337 ngư dân đã vào bờ neo đậu tại các bến và hơn 1.600 tàu với khoảng 8.700 ngư dân hoạt động ngoài vùng nguy hiểm đều giữ được liên lạc với đất liền.
Tại tỉnh Bến Tre - địa phương dự kiến bão đổ bộ - ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, địa phương vừa họp thống nhất cấm tàu thuyền ra khơi từ 8h sáng nay. Ước tính Bến Tre có 2.300 tàu thuyền với hơn 12.400 ngư dân. Học sinh cũng được thông báo nghỉ học trong ngày 25-26/12 đề phòng bão đổ bộ.
"Do người dân không có kinh nghiệm ứng phó với bão nên tỉnh đã chỉ đạo di dời khoảng 20.000 hộ dân vùng ven biển, kể cả người dân ở các khu vực đất liền nhưng chỗ trú không đảm bảo đến các khu vực an toàn, kiên cố hơn như trường học, trụ sở trước 12h ngày 25/12", ông Lập nói.
Sáng nay, thời tiết tại Phú Quốc (Kiên Giang) tương đối tốt, gió cấp 5. Để tránh bão số 16, hơn 2.600 tàu thuyền của ngư dân đã vào neo đậu trên sông Dương Đông và các nơi quanh đảo.
"Chính quyền sẵn sàng sơ tán hàng nghìn người dân ven biển có nguy cơ ảnh hưởng lớn ở các xã Bãi Thơm, Hàm Ninh, Dương Tơ và thị trấn An Thới vào các trường học, đơn vị đóng quân của lực lượng vũ trang để đảm bảo an toàn", Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết.
Tại Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, chính quyền cũng đã cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn được yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến bão Tembin, thường xuyên thông tin để người dân biết, kêu gọi tàu đánh bắt vào bờ trú tránh.
"Hơn 1.000 người sống theo tuyến rừng phòng hộ, ven biển cần được di dời khi bão đổ bộ vào đất liền. Các điểm trường học, trụ sở cơ quan đã sẵn sàng tiếp nhận người dân đến tránh bão", ông Lai Thanh Ẩn - Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu nói.
Ông Lê Văn Sử - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – cho biết, toàn tỉnh dự kiến có hơn 46.000 người cần di dời, sơ tán khi bão vào đất liền. Hiện tỉnh đã liên hệ được 956 tàu thuyền, với hơn 7.900 người; tổng số tàu thuyền đang neo đậu tại bến trên 2.500 chiếc, với hơn 14.000 người.
"Ý thức một số bộ phận người dân chưa cao trong công tác chằng chống nhà cửa", ông Sử nói và cho biết, đã kiến nghị Trung ương xuất quỹ phòng chống thiên tai hỗ trợ cho hộ nghèo của địa phương có điều kiện chằng chống nhà cửa.
Chiều hôm qua, trước khả năng tâm bão đi vào tỉnh, lãnh đạo Tiền Giang đã họp đột xuất bàn phương án đối phó. Trong đó, dự kiến 40.000 người được sơ tán đến các trường học, trụ sở cơ quan kiên cố để tránh bão. Việc thực hiện di dời dân phải hoàn tất trước 18h ngày mai.
Nam Bộ rất ít khi có bão, người dân được cho là thiếu kinh nghiệm trong việc đối phó. Vì vậy, khi có bão thiệt hại thường rất nặng nề. 20 năm trước, cơn bão Linda - bão số 5/1997 lúc đầu không mạnh nhưng chỉ trong 36 giờ gió từ cấp 6 tăng lên cấp 11. Hậu quả là làm chết và mất tích gần 3.000 người; hư hại rất nhiều tài sản ước tính hơn 7.200 tỷ đồng.
Nhóm phóng viên