Mấy ngày qua, nhiều hộ dân tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy đang dùng cây, dây rào chắn ven sông rồi thả lục bình vào trồng.
"Kè lục bình rộng 3 mét tính từ bờ sông trở ra. Mỗi người dân sẽ tự kè đoạn sông ngang nhà mình và được nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí, mỗi mét ngang khoảng 100.000 đồng", ông Lê Văn Tấn cho biết.
Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão Tiền Giang cho biết, dự án trồng lục bình làm kè ven sông đã triển khai trên địa bàn tỉnh một năm nay và sẽ tiếp tục nhân rộng với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng.
"Hiện tỉnh có 67 điểm sạt lở, tổng chiều dài hơn 6 km, mỗi năm đều phải tốn hàng chục tỷ đồng để khắc phục, trong khi dự án kè lục bình có chi phí rẻ, 200 nghìn đồng mỗi mét và hiệu quả rõ rệt", ông Pháp nói.
Lý giải việc hai tháng trước, tỉnh Tiền Giang vừa chi 8 tỷ đồng phát động chiến dịch diệt lục bình sinh sôi trên kênh rạch, ông Pháp nói hai dự án này được triển khai tại các địa phương có đặc thù kênh rạch khác nhau. Trước đây, phát động diệt lục bình tại những công trình ngăn mặn, trữ ngọt khép kín, lục bình theo dòng nước bị ứ đọng lại và sinh sôi, gây cản trở lưu thông, ảnh hưởng sản xuất. Còn dự án trồng lục bình hiện được triển khai tại những tuyến kênh lớn, rộng từ 20 m đến 100 m có dòng chảy mạnh, ghe tàu lưu thông nhiều gây sạt lở.
Nhiều tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ từng xem lục bình sinh sôi trên kênh rạch là vấn nạn. Người dân từng dùng lục bình làm thủ công mỹ nghệ nhưng không diệt hết. Tỉnh Long An còn ký hợp đồng chế tạo, đề xuất mua hai máy vớt với tổng kinh phí 5,5 tỷ đồng, nhưng một máy thử nghiệm thất bại, máy khác bị lãnh đạo tỉnh từ chối mua vì giá quá đắt.
Hoàng Nam