Chiều 7/11, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, đã đưa 15 người dân mắc kẹt trên nương rẫy qua sông Đắk Mi an toàn.
Năm ngày trước, 15 phụ nữ thôn Lao Đu, xã Phước Xuân, đi làm thuê bên kia sông. Lúc về thì thủy điện xả lũ, nước chảy siết không thể đi qua.
Họ tìm lán trại của người dân trên nương rẫy ở. Thức ăn mang theo đến ngày thứ ba hết, mọi người đành nhịn đói. Nhiều ngày không thấy về, người nhà thông báo cho chính quyền.
“Sáng nay, chúng tôi yêu cầu nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 dừng xả lũ để lực lượng tìm kiếm lái thuyền qua sông”, ông Hà nói và thông tin sau hai giờ thủy điện ngừng xả, nước rút xuống đã đưa những người gặp nạn qua sông an toàn.
Rốn lũ Đại Lộc ngập sâu.
Từ ngày 3 đến 6/11, Quảng Nam mưa rất to, trung bình 400 mm, có nơi như Trà My 1.140 mm, Phước Sơn 720 mm, Tiên Phước 660 mm... Mực lũ năm nay bằng đợt lũ lịch sử năm 2009. Rất nhiều huyện thị bị ngập sâu, buộc địa phương phải sơ tán hơn 4.800 hộ với 10.620 nhân khẩu.
Toàn tỉnh có 11 người chết và 13 mất tích, trong đó 20 người do sạt lở đất, còn lại là lũ cuốn. Các quốc lộ 40B, 14B, 14D, 14E, 40B và 24C bị sạt 42 vị trí, với tổng khối lượng hơn 10.000 m3. Bờ biển Cửa Đại sạt lở gần 1.100 m, tràn xả lũ hồ chứa Nước Rôn (Bắc Trà My) bị sạt. Ước tính thiệt hại ban đầu 250 tỷ đồng.
6h ngày 4/11, bão đổ bộ Phú Yên - Khánh Hòa, mạnh cấp 12 (135 km/h). 13h, tiến sâu vào nam Tây Nguyên, bão giảm còn cấp 9 (90 km/h) và đến 15h cùng ngày thì suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi ở biên giới Việt Nam - Campuchia. Hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh gây mưa to suốt dọc từ Thừa Thiên Huế tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên. Thống kê đến sáng 7/11, toàn khu vực có 69 người chết, 30 người mất tích. |