Chiều 4/8, Ban chỉ đạo trung ương phòng chống lụt bão đã có lệnh cho thủy điện Sơn La, Hòa Bình và Tuyên Quang, mỗi nhà máy mở một cửa xả đáy. Theo đó, thuỷ điện Tuyên Quang mở cửa xả chiều 4/8. Thuỷ điện Hoà Bình, Sơn La mở cửa xả vào sáng 5/8.
Lý giải cho lệnh mở cửa xả, Ban chỉ đạo cho hay, khoảng 13h ngày 4/8 lưu lượng nước về hồ Sơn La cao hơn lưu lượng xả khoảng 8.000m3/s (lượng nước về 10.379 m3/s, xả 2.323 m3/s là lưu lượng chạy máy phát điện). Tương tự, lưu lượng nước về hồ Hòa Bình gần 4.000m3/s, xả qua các tổ máy phát điện là hơn 2.300 m3/s; lượng nước về tại hồ Tuyên Quang hơn 1.300m3/s, lưu lượng xả bằng 0.
Theo Ban chỉ đạo, mực nước các sông hạ du các hồ đang thấp, do đó việc xả lũ không ảnh hưởng lớn đến vùng hạ du. Trước khi tiến hành xả lũ, cơ quan thường trực đã có công điện gửi các địa phương chủ động ứng phó với diễn biến mưa, lũ và việc xả lũ từ các hồ chứa. “Việc xả lũ không ảnh hưởng đến tình trạng ngập lụt tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội”, Ban chỉ đạo nêu.
Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lưu lượng nước về hồ thủy điện Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang tiếp tục tăng nhanh. Do vậy, thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hồng, Ban chỉ đạo đã lệnh các nhà máy trên mở cửa xả.
Cùng ngày, Ban chỉ đạo cũng có công điện gửi các tỉnh về việc ứng phó với mưa lũ. Đơn vị này cho hay, những ngày qua, khu vực miền núi phía Bắc đã có mưa vừa đến mưa to (lượng mưa từ ngày từ 1-4/8 phổ biến 100-150 mm). Một số trạm có lượng mưa lớn là Vàng Pó (Lai Châu): 191 mm, Nậm Giàng (Lai Châu): 209 mm, Mường Lay (Điện Biên): 184 mm, Bắc Quang (Hà Giang): 153 mm.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp trên khu vực Bắc Bộ phát triển mạnh nên từ ngày 4 đến ngày 5/8, các tỉnh Bắc Bộ sẽ có mưa, mưa vừa đến mưa to. Ban chỉ đạo cảnh báo lũ quét, sạt lở đất với các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn.
Theo Ban chỉ đạo, để ứng phó, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và thông tin cảnh bảo lũ quét, sạt lở đất; bằng mọi hình thức thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh; sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra, đặc biệt lưu ý những khu vực dân cư đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất thời gian vừa qua...
112 người chết và mất tích do thiên tai
Ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai cho biết từ đầu năm đến nay (31/7), thiên tai đã làm 112 người chết và mất tích, 81 người bị thương; gần 930 nhà bị đổ, sập, hơn 27.800 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp và gần 20.000 nhà bị ngập nước;
Trên 182.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; hơn 13.400 ha cây công nghiệp và cây ăn quả bị thiệt hại, gãy đổ; 21.600 con gia súc và 227.000 con gia cầm bị chết; hơn 8.300 ha thủy sản bị ngập, thiệt hại;
1,8 km đê từ cấp III trở lên, 32,2 km đê dưới cấp IV và bờ bao bị sạt trượt; hơn 9,7 km kè, 199,9 km kênh mương và bờ sông, bờ biển bị sạt trượt... Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính 6.000 tỷ đồng.
Võ Hải