Chiều tối 16/5, tàu cá của ngư dân Bùi Đình Mười (trú thị trấn Cửa Việt) vừa cập cảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có mặt chứng kiến các ngư dân đưa cá lên bờ, cân và bán cá cho thương lái. Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi tàu cá của anh Mười mang về bờ nhiều cá đặc sản, trong đó có con cá ngừ đại dương nặng gần 60 kg, cá nghéo đại dương nặng gần 150 kg.
Thủ tướng hỏi thăm về giá cả các loại cá và việc mua bán, đánh bắt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mua một con cá thu, hai con cá ngừ đại dương vừa đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa.
Tổ trưởng Tổ tự quản tàu thuyền khu phố 5 Bùi Đình Sành cho hay những hỗ trợ kịp thời của nhà nước ngay sau sự cố môi trường biển miền Trung giúp ngư dân ổn định cuộc sống, đồng thời có một phần trang trải để tái đầu tư cho nghề biển. Ông Sành đề nghị nhà nước có thêm nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân, vì đây là nghề nghiệp đặc thù, đòi hỏi đầu tư vốn liếng lớn.
Đáp lại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc động viên bà con yên tâm bám biển, chia sẻ với bà con những khó khăn trong thời gian qua.
Trước đó, Thủ tướng cũng về thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) gặp gỡ ngư dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển Formosa cách đây 2 năm.
Nghe báo cáo về cuộc sống của ngư dân và công tác trả tiền đền bù sau sự cố Formosa, ông đề nghị bà con chia sẻ những khó khăn còn tồn tại.
Ngư dân Võ Qúy (64 tuổi, thị trấn Thuận An) cho hay, sau sự cố Formosa, tiền đền bù được nhiều ngư dân dùng mua sắm lưới cụ để ra khơi trở lại. Tuy nhiên, cửa biển Thuận An lại bị bồi lấp, tàu thuyền ra vào khó khăn thậm chí bị chìm. Ông Quý cũng đề nghị chính quyền cho con em ngư dân xuất khẩu lao động.
Còn ngư dân Đoàn Mão mong chính quyền quan tâm đến hệ thống âu thuyền tránh tú bão và Chính phủ có biện pháp để sự cố Formosa không xảy ra lần nữa.
Ông cũng trao quà cho các ngư dân và đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế lên phương án nạo vét lại cửa biển Thuận An, xây dựng đề án phát triển đa dạng hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Cùng ngày, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tới thăm hỏi cuộc sống của người dân ở xã Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Phó thủ tướng vui mừng vì tình hình sản xuất của người dân dần phục hồi sau sự cố Formosa, môi trường đầu tư của Hà Tĩnh đang có bước khởi sắc.
"Sự cố môi trường để lại dư âm rất nặng nề, là bài học đắt giá. Địa phương tiếp tục nắm tình hình đền bù, hỗ trợ những phần chưa chi trả cho người dân, và phải cố gắng minh bạch trong việc này", ông Dũng nói.
Ông đề nghị Hà Tĩnh phải tập trung, chủ động kiểm soát môi trường, đặc biệt là việc xả thải của Formosa.
Đoàn công tác cũng tới Công ty Formosa (đóng ở xã Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh). Sau khi kiểm tra tình hình hoạt động, các công trình bảo vệ môi trường, công tác chuẩn bị vận hành lò cao số 2, Phó thủ tướng đánh giá nhà tư đã nỗ lực khắc phục các khiếm khuyết trong công nghệ sản xuất, minh bạch các thông số về môi trường.
Sự cố môi trường biển miền Trung diễn ra từ tháng 4/2016, khi cá chết hàng loạt trên vùng biển cảng Vũng Áng thuộc địa phận thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh và lan rộng 4 tỉnh miền Trung, gây thiệt hại nặng nề trên nhiều lĩnh vực. Formosa Hà Tĩnh sau đó thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố môi trường biển, cam kết bồi thường 500 triệu USD. Hà Tĩnh đã thẩm tra, phê duyệt bồi thường, hỗ trợ cho hơn 60 đối tượng trên địa bàn tỉnh với số tiền 1.748 tỷ đồng. Đến nay, việc chi trả tiền cho người dân cơ bản hoàn thành với 99,1%. Số kinh phí còn lại chưa chi trả do một số đi lao động nước ngoài hoặc dừng chi trả để giải quyết đơn thư phản ánh. |
Hoàng Táo - Võ Thạnh - Đức Hùng