Ngày 7/10, phát biểu tại hội nghị về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá các bộ ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong lĩnh vực này.
Đáng chú ý tính tới ngày 15/8, các cơ quan hành chính đã giải quyết 522 vụ trong tổng số 528 vụ khiếu nại tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Gần 400 vụ đủ điều kiện ban hành thông báo chấm dứt thụ lý.
Giai đoạn 2012-2015 số lượt công dân khiếu nại, tố cáo giảm 4,3%, số đơn thư giảm 55%, tuy nhiên số đoàn khiếu kiện đông người lại tăng 32%.
Trong các khiếu nại về tranh chấp đất đai thì khoảng 70% là khiếu nại hành chính về đất đai, 40% liên quan thu hồi đất, tái định cư. Thủ tướng cho rằng cần nhận diện đây là mấu chốt để giải quyết. Ông nhắc tới những vấn đề xảy ra ở một số nơi như giá đền bù chưa hợp lý, trình tự thu hồi đất không minh bạch, một số trường hợp, người đứng đầu địa phương, đơn vị chưa coi trọng đúng mức công tác tiếp công dân, chưa công khai lịch tiếp dân, ngại đối thoại với dân.
“Nhiều chủ tịch xã, huyện và cả tỉnh chưa bao giờ tiếp dân, như vậy có đúng quy định không, trong khi người dân tin tưởng mình như vậy? Nói phải, củ cải cũng nghe”, Thủ tướng nêu vấn đề.
Thủ tướng cho biết, lúc ông còn làm Phó thủ tướng, khi giải phóng mặt bằng các dự án mở rộng Quốc lộ 1, "người dân nói họ ở đây 40 năm rồi, nhưng cán bộ đòi giấy tờ. Người ta ở lâu như vậy thì còn cần giấy tờ gì, phải quyết cho họ chứ”.
Thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trước hết, các cơ quan, cán bộ, công chức phải sát dân, lắng nghe dân, quan tâm lợi ích chính đáng của người dân. Cả bộ máy phải làm việc theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính, quyết liệt, chủ động giải quyết các vụ việc, “đừng để mất bò mới lo làm chuồng, nước đến chân mới nhảy”.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương xử lý nghiêm những người lợi dụng khiếu nại tố cáo để gây rối trật tự công cộng, kích động, lôi kéo khiếu kiện đông người. Công an các cấp có biện pháp bảo vệ an ninh trật tự tại nơi tiếp công dân.
Xuân Hoa