Sáng 22/3, lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được tổ chức theo nghi thức Quốc tang tại Hội trường Thống Nhất (TP HCM) và Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài viết "Tưởng nhớ anh Sáu Khải" để tiễn biệt nguyên Thủ tướng về với đất mẹ.
Trong bài viết xúc động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, ông Phan Văn Khải là người đã góp phần đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng tài chính châu Á, thúc đẩy phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng thông qua các dấu mốc lịch sử như ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Mỹ (BTA) và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vào những năm cuối của thế kỷ XX, Việt Nam chịu tác động nặng nề của khủng hoảng tài chính châu Á, Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Phan Văn Khải đã báo cáo Trung ương, Bộ Chính trị thực hiện nhiều quyết sách đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn. Đó là những giải pháp cấp bách vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa kích cầu đầu tư và tiêu dùng, chặn đà suy giảm và duy trì được nhịp độ tăng trưởng hợp lý.
Trong giai đoạn 2001-2006, dù gặp không ít thách thức, trong đó có thiên tai, dịch cúm gia cầm, Chính phủ đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển. 9 năm trên cương vị Thủ tướng, ông Khải đã góp phần đặt nền móng vững chắc cho quan điểm phát triển bền vững và chú trọng hiệu lực, hiệu quả của chỉ đạo điều hành, thực thi chính sách, trong đó minh chứng cụ thể là tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt khoảng 7%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, nợ công không quá 50% GDP.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng để lại dấu ấn trong công tác đối ngoại và hội nhập như chỉ đạo sát sao việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Mỹ (BTA) từ tháng 9/1996 qua 11 vòng đàm phán đầy cam go. Đến ngày 13/7/2000, Hiệp định BTA được chính thức ký kết mở ra một giai đoạn mới, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Sáu năm sau thành công của BTA, nguyên Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy mạnh đàm phán để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ngày 7/11/2006, WTO chính thức kết nạp Việt Nam.
Quyết tâm ban hành Luật doanh nghiệp của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được ông Phúc nhìn nhận là bước cải cách cơ bản và mạnh mẽ nhất, cởi trói cho phát triển kinh tế, tạo động lực phát triển khu vực tư nhân. Ngoài ra, các dấu mốc thành lập sở giao dịch chứng khoán vào năm 2000; nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý để Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài hơn, huy động các nguồn lực cho phát triển đất nước cũng được Thủ tướng Phúc nhắc đến trong bài tưởng nhớ.
"Giữ vững tinh thần đoàn kết, quy tụ anh em... ông luôn công bằng, khách quan trong mọi công việc, phê phán tư tưởng cục bộ, địa phương, nhất là trong công tác cán bộ. Ông phân công, phân nhiệm rõ ràng, luôn quan tâm chỉ đạo và tin tưởng anh em, đồng chí; tạo nền tảng cho việc Nhà nước chuyển phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tổ chức quản lý, giám sát theo nguyên tắc công khai, minh bạch", bài viết của Thủ tướng Phúc có đoạn.
Bên cạnh đó, ông Phúc cũng nhìn nhận, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người luôn biết lắng nghe ý kiến, phản biện đa chiều trên các lĩnh vực. Chính ông là người đã đổi mới Tổ nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thành lập Ban Nghiên cứu của Thủ tướng. Cho dù ở bất cứ cương vị nào, ông cũng luôn quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân, luôn trăn trở về những chủ trương, chính sách bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Nhiều quyết sách quan trọng về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chú trọng bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người cũng được ông khởi xướng.
"Trong các dịp gặp mặt, nói chuyện với những người từng công tác và làm việc gần gũi với Thủ tướng Phan Văn Khải, một trong những ấn tượng đặc biệt mà mọi người thường nhắc đến, đó là hình ảnh về người Thủ trưởng vô cùng thân thiết, sẻ chia với những kỷ niệm đầy tình đồng chí, tình người. Dù ở bất kỳ cương vị nào, nhất là với vai trò người đứng đầu Chính phủ, anh đã thu hút, phát huy được trí tuệ của rất nhiều trái tim và khối óc, cùng cống hiến cho quê hương, đất nước", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay.