Sáng 17/1, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp đã thông tin về phương án tuổi nghỉ hưu được đề xuất trong dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến. Theo đó, một trong các phương án là từ năm 2021, mỗi năm tuổi nghỉ hưu sẽ được nâng lên 6 tháng, đến khi nam đạt 62 tuổi, nữ 60 tuổi; về lâu dài sẽ nâng dần tuổi nghỉ hưu nam lên 65 tuổi.
"Nếu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhanh quá thì sẽ gây cú sốc cho thị trường lao động, nên Bộ Lao động đã đưa ra phương án nữa là nâng dần tuổi nghỉ hưu mỗi năm 3 tháng (thay vì 6 tháng) từ năm 2021 đến khi tuổi nghỉ hưu nam lên 62, nữ 60", ông Diệp nói.
Theo ông Diệp, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ không áp dụng với tất cả lao động. Những người làm các ngành nghề độc hại, nguy hiểm sẽ được nghỉ hưu sớm hơn, còn những người là lao động cao chất lượng cao, chuyên gia giỏi, ví dụ cán bộ Viện kiểm sát, Tòa án... thì sẽ tăng tuổi nghỉ hưu. Bộ Lao động sẽ đánh giá các ngành nghề cần lao động chất lượng cao, đòi hỏi kỹ năng để quyết định vấn đề này.
"Nhiều nhóm ngành có thể nghỉ hưu lúc 55-57 tuổi và phụ thuộc giám định sức khỏe, nếu người lao động suy giảm sức khỏe thì được nghỉ hưu sớm", ông Diệp nói.
Với độ tuổi nghỉ hưu của lao động dệt may, da giày, Thứ trưởng Diệp cho biết, trong tương lai các ngành nghề này sẽ có robot thay thế lao động chân tay, nên khả năng doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhiều lao động. Do đó, Bộ Lao động sẽ nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để duy trì việc làm cho người lao động. Ví dụ, hỗ trợ mỗi lao động 500.000 đồng đóng bảo hiểm xã hội mỗi tháng, thì lao động vẫn có việc làm và được hưởng các chế độ hưu trí.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Lao động, tuổi nghỉ hưu hiện quy định từ năm 1961, đã qua 50 năm chưa thay đổi. Theo xu hướng thế giới, nhiều nước đã nâng dần tuổi nghỉ hưu đến 65-67 tuổi và thu hẹp độ tuổi hưu giữa nam và nữ. Việt Nam cũng cần đi theo xu hướng của thế giới do bối cảnh dân số Việt Nam đang già hóa.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến các bộ ngành về dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động. Dự thảo đưa ra 2 phương án về tuổi nghỉ hưu, trong đó phương án một áp dụng như hiện hành là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; phương án hai, nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và từ ngày 1/1/2021 cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Theo phương án hai, một lao động nam về hưu năm 2020, tuổi nghỉ hưu sẽ áp dụng như hiện nay là 60. Song nếu về năm 2021, tuổi nghỉ hưu sẽ là 60 tuổi 6 tháng; về hưu năm 2022, tuổi nghỉ sẽ là 61; về hưu năm 2023, tuổi nghỉ hưu là 61 tuổi 6 tháng... Cơ quan soạn thảo cho biết thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Bộ Luật Lao động là kỳ họp tháng 5/2019 và thông qua dự án luật vào kỳ họp tháng 10/2019. |