Vừa qua Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề xuất Chính phủ cho chính quyền Thủ đô thí điểm thu phí dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư. Việc này khiến nhiều người lo ngại thông tin cá nhân bị lộ, ảnh hưởng đến quyền riêng tư của cá nhân.
VnExpress phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh xung quanh vấn đề trên.
"Đảm bảo bí mật đời tư"
- Ý kiến của ông về việc khai thác dữ liệu dân cư để thu phí như thế nào?
- Tôi không nghe trực tiếp phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung mà chỉ biết qua báo chí. Với nội dung đó, tôi nghĩ đề xuất của chủ tịch Hà Nội có cơ sở pháp luật, tuy nhiên đây là vấn đề mà nhiều người hiểu chưa thống nhất.
Trước hết, chúng ta cần nắm được cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là gì và Luật cho phép khai thác, thu phí nó ra sao. Việt Nam có gần 100 triệu dân thì cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân được chuẩn hóa, số hóa; lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của tổ chức, cá nhân. Thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu này gồm 15 trường nội dung, như: họ tên, quê quán, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ, nhóm máu...
Luật Căn cước công dân 2014 đã quy định cụ thể việc khác thác cơ sở dữ liệu trên. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước tùy theo chức năng của mình được truy cập dữ liệu mà không phải trả phí. Chẳng hạn ngành giao thông cấp giấy phép lái xe, muốn có thông tin công dân thì được truy cập vào cơ sở dữ liệu đó để phục vụ cho quản lý. Việc khai thác chỉ trong phạm vi thông tin liên quan đến giấy phép lái xe, chứ không được truy cập vào cơ sở dữ liệu trong mọi trường hợp.
Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp muốn khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ cho hoạt động của mình, sẽ phải đăng ký với cơ quan quản lý hệ thống dữ liệu này và đóng phí.
- Như vậy các doanh nghiệp cũng có quyền đăng ký khai thác thông tin từ dữ liệu dân cư và điều này có thể dẫn đến vi phạm bí mật đời tư. Ông nghĩ sao?
- Về nguyên tắc, khi khai thác cơ sở dữ liệu về dân cư, các tổ chức, doanh nghiệp chỉ được cung cấp thông tin mang tính thống kê tổng hợp chứ không phải là thông tin cụ thể về từng cá nhân. Vậy nên ở đây người dân không phải lo lắng ảnh hưởng đến quyền riêng tư của mình.
Video: Ông Nguyễn Thanh Hồng khẳng định thông tin cá nhân được bảo mật
Ví dụ, một doanh nghiệp muốn có thống kê về số dân, thành phần, độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn... ở địa phương nào đó để phục vụ kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đơn vị này sẽ đăng ký và được cung cấp các con số thống kê dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhiều nước đã thực hiện việc này chứ không riêng Việt Nam.
Hơn nữa, Luật Căn cước công dân quy định phải đảm bảo bí mật đời tư, gia đình của công dân. Vì vậy, những thông tin mang tính chất riêng tư, cụ thể, chi tiết thì cơ quan chức năng không được cung cấp nếu không có sự đồng ý của công dân, hoặc pháp luật có quy định khác.
- Vừa qua Bộ tài chính đề xuất dịch vụ xác minh nhân thân trên cơ sở khai thác 15 trường thông tin của công dân. Nếu áp dụng dịch vụ này thì thông tin ở đây không chỉ là "thống kê tổng hợp" mà rất cụ thể về từng công dân, thưa ông?
- Nhà nước bảo hộ quyền bí mật về thông tin cá nhân. Nhưng quyết định sử dụng thông tin đó như thế nào thuộc về mỗi người. Pháp luật không cấm công dân và các tổ chức có thoả thuận cung cấp thông tin, nếu không vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục, không xâm phạm an ninh quốc gia...
Vậy nên, khi có thoả thuận giữa công dân và tổ chức về cung cấp thông tin cá nhân thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ cung cấp. Đây đúng là những thông tin cá nhân cụ thể chứ không phải thống kê. Đơn vị có nhu cầu sử dụng loại thông tin này phải trả phí.
Video: Ông Nguyễn Thanh Hồng nói về thỏa thuận cung cấp thông tin
Kết nối dữ liệu dân cư và chuyên ngành
- Ở trên ông nói cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của tổ chức, cá nhân. Vậy hệ thống dữ liệu này mang lại lợi ích cho người dân ra sao?
- Hiện công dân có nhiều loại giấy tờ như khai sinh, đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, các loại thẻ, chứng chỉ.... Vì vậy, khi mỗi người tham gia các giao dịch dân sự, hành chính, kinh tế sẽ gặp nhiều bất cập, đi thực hiện giao dịch nào thì phải sử dụng loại giấy tờ đó. Việc này còn gây khó khăn cho quản lý nhà nước bởi dữ liệu công dân không thống nhất, thiếu đầy đủ và không được cập nhật.
Cùng với quá trình xây dựng dữ liệu công dân, cấp mới và cấp đổi thẻ căn cước công dân, mỗi người sẽ được cấp phát duy nhất một số định danh cá nhân kèm theo hồ sơ dữ liệu gốc được tổ chức quản lý, lưu trữ ổn định, lâu dài trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Khi được xây dựng xong, dữ liệu dân cư sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi thực hiện giao dịch, cần giải quyết thủ tục hành chính thì chúng ta có quyền truy cập lấy thông tin của mình mà không mất phí.
- Vậy dữ liệu quốc gia về dân cư đang được xây dựng như thế nào và bao giờ xong, thưa ông?
- Tôi được biết Bộ Công an đang tích cực triển khai thu thập số liệu, thông tin về công dân và đầu tư trang thiết bị, phương tiện, đào tạo nhân lực... để sớm hoàn thành công việc này, đưa vào hoạt động sau hai năm tới.
Tuy nhiên, hiện còn một số khó khăn bởi lâu nay cơ sở dữ liệu dân cư bị phân tán, nhiều nơi thu thập thông tin không chính xác, không cập nhật thường xuyên.
Việc xây dựng dữ liệu dân cư liên quan đến cấp mã số định danh cá nhân, vì chúng ta hình dung mã số như là chìa khóa để mở đến thông tin của mỗi công dân. Trong khi đó, tỉ lệ được cấp số định danh cá nhân còn thấp . Hiện mới chỉ có các cháu sinh ra sau khi Luật Căn cước công dân có hiệu lực (2016) hoặc người đến tuổi làm Căn cước công dân, người đổi chứng minh thư sang căn cước công dân, thì mới có số định danh cá nhân. Việc cấp căn cước công dân cũng chưa được triển khai đồng bộ ở các địa phương.
Do vậy, để xây dựng được hệ thống dữ liệu đồng bộ, thống nhất, đầy đủ trong 2 năm tới là thử thách lớn. Hơn nữa, khi xây dựng xong dữ liệu thì chia sẻ, kết nối, sử dụng như thế nào để đạt hiệu quả cao mới là quan trong.
Để xem xét các vấn đề trên, Uỷ ban Quốc phòng An ninh dự kiến giám sát việc thực hiện Luật Căn cước công dân trong thời gian tới.
- Nhiều ý kiến cho rằng dữ liệu quốc gia về dân cư chỉ đạt hiệu quả tốt nhất khi được kết nối với các dữ liệu chuyên ngành. Ông nghĩ sao?
- Pháp luật hiện hành đã có quy định về mối quan hệ này. Trong đó, dữ liệu quốc gia về dân cư là gốc và dữ liệu chuyên ngành là thành phần.
Dữ liệu gốc phải kết nối với chuyên ngành để thu thập thông tin liên quan của công dân. Ngược lại, dữ liệu chuyên ngành kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác, làm chuẩn mực cho việc quản lý công dân. Đây là mối quan hệ hai chiều chặt chẽ.
Để dễ hình dung, nếu vừa rồi có sự kết nối giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dữ liệu của ngành viễn thông, người dân sẽ không phải đến các doanh nghiệp viễn thông để kê khai lại thông tin thuê bao điện thoại. Các nhà mạng chỉ cần đăng ký khai thác, đối chiếu và lấy số liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Video: Ông Nguyễn Thanh Hồng trả lời về kết nối dữ liệu
Dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì với mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ 2017 đến 2020. |
Viết Tuân - Gia Chính