Sáng 9/6, Văn phòng Quốc hội đã ra thông cáo về dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Theo đó, sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý dự án Luật theo hướng không quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm.
Đồng thời, để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội cho phép xem xét, thông qua Luật này tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV (cuối năm 2018) theo quy trình xem xét, thông qua dự án Luật tại ba kỳ họp.
Trước thông tin trên, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh, nhận định việc lùi thông qua dự Luật đặc khu là sự thận trọng cần thiết của Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trước khi ban hành một chính sách lớn, không chỉ liên quan đến kinh tế đơn thuần mà cả quốc phòng, an ninh.
“Nội dung này từ khi thảo luận tổ cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét thấu đáo, nhất là Việt Nam chưa có tiền lệ về xây dựng đặc khu, vì vậy tôi đánh giá cao quyết định nêu trên”, ông Nguyễn Mai Bộ nói
Theo ông, Chính phủ cần rà soát tổng thể cả về chính sách lẫn các vấn đề về đảm bảo quốc phòng, an ninh để khi luật ra đời thì "điều chỉnh được trên mọi phương diện".
Bà Đỗ Thị Lan - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: "Nếu ngay từ đầu chúng ta thông tin đầy đủ tới các đại biểu Quốc hội và giải thích kịp thời cho người dân thì tốt hơn. Bởi vì đặc khu không chỉ thuộc về tỉnh nào mà nhằm phát triển kinh tế đất nước lâu dài".
Về ý kiến cá nhân, bà Lan chia sẻ, "việc dự án luật lùi lại cũng hơi tiếc, nhưng tôi tin Trung ương và Chính phủ có giải pháp thận trọng, đúng đắn”.
"Nên lấy ý kiến rộng rãi của người dân về dự thảo Luật"
Về thời hạn lùi dự Luật đặc khu, đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho rằng từ nay đến kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, nghĩa là còn gần nửa năm là "đủ thời gian nếu các đơn vị hữu quan làm việc tích cực".
Ngoài ra, ông Bộ phân tích, ở đây có vấn đề thông tin không đến được với người dân đầy đủ. "Với tư cách là người đã đọc dự thảo Luật, nghiên cứu kỹ dự án, tôi cho rằng rất cần phải cung cấp cho nhân dân biết chính sách cụ thể trong dự Luật là gì”, đại biểu chia sẻ.
Ông cũng đề nghị nên lấy ý kiến người dân rộng rãi hơn, "đây là vấn đề cần suy nghĩ bởi chúng ta đã có Luật trưng cầu ý dân"; cùng với đó, Ban soạn thảo có thể tổ chức thêm nhiều hội thảo về xây dựng đặc khu kinh tế. “Tôi nghĩ nếu tổng hợp được ý kiến nhiều chiều thì sẽ ra được chính sách thấu đáo”, ông Bộ nêu.
Bà Đỗ Thị Lan cũng cho rằng, việc cấp có thẩm quyền quyết định lùi thông qua dự Luật là cơ hội để "lấy ý kiến rộng rãi, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn".
Theo bà, hiện nội dung dự thảo Luật chưa thể hiện được nhiều cơ chế vượt trội, kể cả chính sách ưu tiên cũng như bộ máy quản lý. “Nếu không có cơ chế vượt trội thì đặc khu sẽ bình thường như những đơn vị hành chính khác, trong khi theo kết luận trước đây của cấp có thẩm quyền về việc xây dựng đặc khu, ở đây phải có cơ chế đủ sức cạnh tranh toàn cầu, thu hút đầu tư của các tập đoàn quốc tế có tiềm lực", bà Lan chia sẻ.
Mặt khác, theo bà Lan, các tỉnh chuẩn bị xây dựng đặc khu cũng nên rút kinh nhiệm sao cho đề án ngắn gọn, rõ nét, dễ hiểu và có tính thuyết phục cao.
“Việc đầu tư vào nơi dự kiến xây dựng đặc khu đã và đang được thực hiện, nếu giá trị đó đưa vào khai thác nhanh thì càng tốt. Tôi đồng ý là chúng ta phải chuẩn bị thật tốt, nhưng cũng cần có sự chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa để có sự thống nhất, đồng bộ thì mới tạo động lực thành công”, bà Lan nói.
Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc gồm 6 Chương 85 Điều, dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua vào 15/6.
Tuy nhiên, hơn một tuần qua, nhiều ý kiến băn khoăn với nội dung cho nhà đầu tư thuê đất tới 99 năm và nhiều ưu đãi khác. Khi giải trình ý kiến đại biểu tại phiên thảo luận tại hội trường cuối tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị “cho phép giữ nguyên như dự thảo”.
Song sau buổi thảo luận này, trước nhiều ý kiến trái chiều, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hai lần trao đổi với báo giới. Dù khẳng định thời hạn cho thuê đất 99 năm không phải điểm mấu chốt trong dự luật, nhưng Thủ tướng cũng cho hay sẽ tiếp thu các ý kiến để điều chỉnh quy định phù hợp.
Dự Luật đặc khu sẽ tiếp tục được xem xét như thế nào? Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật tại một hoặc hai kỳ họp; trường hợp dự án luật lớn, nhiều điều, khoản có tính chất phức tạp thì Quốc hội có thể xem xét, thông qua tại ba kỳ họp. Dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được trình lần đầu tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá 14 (cuối năm 2017) và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ năm đang diễn ra. Tuy nhiên, với quyết định lùi thông qua, dự Luật này sẽ được đưa vào quy trình ba kỳ họp; nghĩa là tiếp tục được xem xét tại kỳ họp cuối năm nay. Trong thời gian giữa kỳ họp thứ hai và kỳ họp thứ ba (từ nay đến cuối năm), Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này. Tại kỳ họp thứ ba, trình tự xem xét, thông qua dự thảo luật được thực hiện theo quy định và trong trường hợp dự thảo luật chưa được thông qua hoặc mới được thông qua một phần thì Quốc hội xem xét, quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. |