Sáng 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách phát triển TP HCM.
Dù không phải đại biểu Quốc hội, Chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong và Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến có mặt ở nghị trường từ sáng sớm với tư cách khách mời, để lắng nghe các góp ý.
Ủng hộ việc ban hành nghị quyết, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, đã đến lúc cần áp dụng ngay cơ chế đặc thù cho Sài Gòn, vì nơi này từ một thành phố sầm uất đang trở nên "trầm uất" với cơ chế ràng buộc.
Theo nhà sử học, sau khi đất nước thống nhất, Sài Gòn là địa phương đi đầu trong đổi mới, trong việc tìm cơ chế bứt phá tuy nhiên đến nay thành phố vẫn nằm trong một hành lang pháp lý chung như bất kỳ địa phương nào khác.
"Trước đây chúng ta có nguyên lý là không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng, còn hiện nay là không sợ thiếu, chỉ sợ cào bằng", ông Quốc nói và nhấn mạnh, việc áp dụng cơ chế đặc thù cho TP HCM cũng sẽ mang lại sự "giải thoát, bứt phá mới cho Hà Nội và cả nước".
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nói trong suốt thời kỳ bao cấp, nhiều lần TP HCM đã có cách làm xé rào tạo ra làn sóng đổi mới. Ví dụ những năm 1980, thành phố đề xuất thí điểm khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung. Sau đó, thử nghiệm này đã được thể chế hoá thành quy định chung trên cả nước.
TP HCM cũng là nơi thành lập ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên của Việt Nam vào tháng 10/1987, sau đó Quốc hội ban hành Pháp lệnh ngân hàng vào năm 1990; thành phố cũng tiên phong trong việc đổi đất lấy hạ tầng mà nhiều tỉnh, thành khác áp dụng sau này.
"Trao cho TP HCM những cơ chế đặc thù chính là giao nhiệm vụ. Cả nước vì TP HCM thì thành phố cũng sẽ làm tốt trách nhiệm của mình vì cả nước. Với nghị quyết này, thành phố không cần phải loay hoay xé rào mà có đủ căn cứ pháp lý để bứt phá, phát triển", bà Hoa nói.
"Thu thuế tài sản có thể dẫn đến không công bằng"
Đi vào vấn đề cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng bên cạnh việc để thành phố thí điểm tăng thuế, phí, thì cần giảm ở một số lĩnh vực; tăng thuế những lĩnh vực ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển chung và giảm thuế ngành, nghề cần khuyến khích đầu tư.
Đề cập việc áp dụng thuế tài sản ở TP HCM, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho hay đây là sắc thuế chiếm phần đáng kể trong tổng thu ngân sách nhiều nước, ở Nhật 10%, Thuỵ Điển 7%, Canada 4%.
"Thuế tài sản ở Việt Nam hiện mới chiếm 0,03% GDP, nên việc quy định là cần thiết. Tuy nhiên, nếu áp dụng riêng cho TP HCM sẽ ảnh hưởng đến nguyên tắc cơ bản trong quản lý thuế là tính công bằng. Điều này có thể khiến đại gia bất động sản ở tỉnh, thành khác không phải nộp thuế, trong khi ở TP HCM lại chịu thuế", bà Mai nói.
Đại biểu Dương Minh Tuấn cho rằng TP HCM đứng trước nhiều thách thức lớn như kẹt xe, ô nhiễm môi trường, gia tăng dân số…, do vậy việc thí điểm cơ chế đặc thù là cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, quy định về thuế tài sản không nên chỉ áp dụng ở TP HCM mà cả Hà Nội.
Tranh luận lại với ông Tuấn, đại biểu Phan Thái Bình cho rằng nghị quyết đang thảo luận là thí điểm cho TP HCM, đã nói thí thiểm thì cần có lộ trình và thận trọng.
"Theo kế hoạch, sau 3 năm sẽ tổ chức sơ kết, 5 năm tổng kết. Nếu thấy cơ chế tốt, lúc đó chúng ta nhân rộng. Thí điểm mà ở nhiều nơi thì không còn là thí điểm và đặc thù", ông Bình nói. Ông đề nghị, thuế về nhà đất phải đánh từ lô đất thứ 2 trở lên để đảm bảo đánh thuế vào người giàu chứ không phải tất cả mọi người.
Tăng trưởng của thành phố đang chậm lại
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, TP HCM đã và đang là trung tâm kinh tế lớn nhất. Do vậy, thành phố phát triển nhanh hơn sẽ đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
"Thành phố thu 100 đồng, chỉ giữ lại 18 đồng, điều tiết về trung ương 82 đồng. Vấn đề là động lực tăng trưởng của thành phố đang chậm lại. Năm 2010 tăng 10,7%, đến 2015 còn hơn 9%, qua đó làm chậm lại mức tăng chung của cả nước mà các địa phương khác có tăng nhanh hơn cũng không bù lại được", ông Dũng cho hay.
Theo Bộ trưởng Tài chính, các cơ chế, chính sách được đề xuất cho TP HCM chủ yếu liên quan đến phân cấp, phân quyền trong quản lý đất đai, đầu tư, tài chính ngân sách; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền; và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.
Với quy định hiện hành, thẩm quyền các vấn đề này của cơ quan cấp trên, nay Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép phân quyền để thành phố chủ động thực hiện.
"Qua thảo luận, đa số đại biểu nhất trí với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, một số đại biểu còn băn khoăn trong phân cấp, phân quyền về quản lý tài chính ngân sách, đặc biệt đề xuất cho thành phố nghiên cứu thí điểm chính sách thuế tài sản, điều chỉnh thuế suất hoặc mức thu của chính sách thu hiện hành, chúng tôi cho rằng các băn khoăn này là xác đáng", ông Dũng nói.
Tuy nhiên, theo ông, khi đề xuất nội dung trên, Chính phủ và thành phố đã lường trước các vấn đề nảy sinh do vậy trong dự thảo nghị quyết quy định rõ các nguyên tắc để không ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.
Mặc khác, việc Quốc hội ban hành nghị quyết này không có nghĩa thành phố sẽ thực hiện ngay việc tăng thuế, mà phải xây dựng đề án cụ thể, đánh giá đầy đủ tác động đến môi trường kinh doanh, đời sống người dân.
"Riêng thuế tài sản cần sự đồng thuận và thí điểm để tổng kết nhân rộng", ông nói.
Vay một tỷ USD để đầu tư hạ tầng
Về việc nâng mức dư nợ vay của thành phố, Bộ trưởng Tài chính cho hay ước dư nợ vay của thành phố đến 31/12 khoảng 22.000 tỷ đồng, bằng 40% mức dư nợ vay cho phép theo quy định hiện hành. Quy định tăng mức dư nợ vay sẽ đảm bảo cho TP HCM có thêm dư địa vay và phù hợp với chủ trương đẩy mạnh cơ chế cho vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, thay vì cấp phát như hiện nay.
Dự kiến theo các hiệp định đã ký, trong thời gian tới TP HCM vay lại từ nguồn này khoảng một tỷ đô la để đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm. Hàng năm căn cứ vào mức trần nợ công đã được Quốc hội quyết định, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp nhu cầu vay của các địa phương, trong đó có TP HCM để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định; đảm bảo việc tăng mức vay của thành phố được đặt trong mối quan hệ với nhu cầu vay, bội chi của các địa phương khác và yêu cầu giữ nợ công trong giới hạn cho phép.
Với đề xuất của đại biểu về việc mở rộng thí điểm cho Hà Nội, Bộ trưởng Tài chính giải thích Hà Nội đã có Luật Thủ đô, Bộ Chính trị cũng vừa có nghị quyết cho thành phố Hà Nội. Do vậy, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu các chính sách và hướng dẫn Luật Thủ đô, cụ thể hoá kết luật của Bộ Chính trị để trình Quốc hội trong thời gian tới.
"Chúng tôi mong muốn Quốc hội thông qua nghị quyết nhằm tạo điều kiện cho TP HCM phát triển nhanh hơn, hiện đại hơn, đóng góp nhiều hơn vào GDP và thu ngân sách cho cả nước. Khi đó không chỉ thành phố được lợi mà cả nước cũng sẽ hưởng lợi", Bộ trưởng Tài chính nói.
Sáng 14/11, Quốc hội đã nghe các báo cáo về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Chính phủ đề xuất gồm bốn nhóm vấn đề, gồm công tác quản lý quy hoạch đô thị và đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; và cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP HCM quản lý. Dự thảo Nghị quyết nêu đề xuất thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản; thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành, trên cơ sở bảo đảm phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của thành phố, có lộ trình, bước đi phù hợp, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi... |