Bốn ngày trôi qua, trại lợn của Công ty Thái Dương đặt tại Trại giam số 5 (thuộc Tổng cục 8, Bộ Công an) ở thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định, Thanh Hóa, vẫn ngập sâu hơn một mét. Gần 6.000 xác lợn trôi nổi trong trang trại và đang phân hủy mạnh.
Ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường tỉnh Thanh Hóa, cho biết vẫn chưa có biện pháp xử lý đàn lợn do nước ngập sâu, việc tiếp cận, vận chuyển ra ngoài gặp khó khăn.
Sở Tài nguyên Môi trường yêu cầu huyện Yên Định chọn vị trí chôn lấp cách xa khu dân cư và xa nguồn nước mặt, nước ngầm. Song với khối lượng lợn chết rất lớn, việc chôn lấp một chỗ sẽ không tránh khỏi nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Ông Bình đưa ra hướng xử lý là chia nhỏ số lợn để chôn lấp theo đúng quy chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong thời gian chờ nước rút, công ty Thái Dương phải gom xác lợn lại để phun thuốc khử trùng tại chỗ.
Trước đó ngày 11/10, nước lũ dâng cao khiến toàn bộ trang trại lợn của Công ty Thái Dương đặt tại Trại giam số 5 nằm ngoài đê bị ngập. Chính quyền và đơn vị chủ quản đã ứng cứu nhưng đành bất lực trước dòng nước lũ lên quá nhanh. Gần 6.000 con lợn sắp đến ngày xuất bán bị chết ngập. Chỉ còn ít lợn sống sót và đang yếu dần do thiếu thức ăn.
Từ ngày 9 đến 12/10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rất to. Tại Bái Thượng (Thanh Hóa) mưa trong hai ngày tới hơn 500 mm, Hòa Bình trên 450 mm. Hồ Hòa Bình lần đầu tiên kể từ khi xây dựng phải mở 8 cửa xả đáy vào trưa 11/10. Nhiều khu vực ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội bị ngập sâu, có nơi tới 2 m. Miền núi Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình bị lũ quét, sạt lở đất. Đến hôm nay, mưa lũ làm 60 người chết, 37 người mất tích, chủ yếu ở Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa. |